Monday 31 December 2007

Entry for January 01, 2008

Ngày đầu tiên của năm mới, đi thăm khu di tích K9 - Đá Chông. Thật là một chuyến ngắn nhưng nhiều ý nghĩa, hy vọng năm nay sẽ là một năm tốt lành đối với gia đình, người thân và bạn bè...

Đồi Đá Chông nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc quần thể núi Ba Vì, huyện Bất Bạt, có độ cao 150 m so với mực nước biển, địa thế giáp gianh ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Sơn Tây.Tên gọi Đá Chông có từ thời ngàn xưa trong cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh,ngày nay quãng ven con sông Đà này,bên bờ vẫn còn thấy những dãy chông đá,nhọn như hình răng cưa,ngăn dòng nước hung dữ năm xưa… Vào những năm 50 của Thế kỷ XX, nơi phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình” này có mật danh là K9. Và ngày nay được gọi là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9- Đá Chông ( gọi tắt là Di tích K9).
Tháng 5 năm 1957, trong một lần Bác đến thăm Trung đoàn bộ binh 88 thuộc Sư đoàn 308 cùng Trung đoàn pháo binh 63 và một đơn vị bộ đội thiết giáp diễn tập bên sông Đà, Bác và các đồng chí cùng đi đã dừng chân, ăn cơm trên một quả đồi. Nhận thấy nơi đây có nhiều điểm thuận lợi về địa hình, thời tiết, giao thông: có rừng cây, có núi, có sông, thuận tiện giao thông, gần Thủ đô…, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý muốn chọn nơi này là căn cứ của Trung ương, đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến khảo sát lại khu vực này vào đầu năm 1958. Sau chuyến khảo sát này, đến giữa năm 1958, Khu làm việc của Trung ¬ương ở Đá Chông đã được khởi công xây dựng với tên gọi là Công trường 5 với ba hạng mục xây dựng là:
- Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và làm việc.
- Khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo.
- Khu C dành cho anh em bảo vệ và phục vụ.
Từ năm 1960, Công trường 5 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, sau này được gọi theo mật danh K9.
Trong 9 năm (1960-1969), K9 đã nhiều lần được vinh dự đón Bác cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị lên làm việc và nghỉ ngơi.
Ngày 20/6/1959, Bác lên thăm và khảo sát tình hình thi công, xây dựng ở Công trường 5 (K9).
Khoảng đầu tháng 3/1961, Bác đã cùng đồng chí Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ lên thăm K9. Chuyến đi này, Bác cùng đại sứ Hà Vỹ chuẩn bị sẽ đón tiếp đoàn của bà Đặng Dĩnh Siêu-phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai lên thăm quan khu Đá Chông nhân dịp bà dẫn đầu đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc sang thăm và dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ III.
Ngày 13/3/1961, Bác đưa đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc do bà Đặng Dĩnh Siêu dẫn đầu lên thăm, đồng chí Đại sứ Hà Vĩ cũng cùng đi. Bác đã đưa đoàn đi thăm rừng thông và toàn cảnh khu vực Đá Chông. Trong chuyến thăm, Bác và bà Đặng Dĩnh Siêu đã trồng cây, chụp ảnh lưu niệm… Buổi trưa, Bác mời đoàn dùng cơm thân mật tại Nhà khách.
Ngày 24/1/1962, trong dịp đoàn đại biểu quân đội Liên Xô do anh hùng Titốp, phi công vũ trụ nhà nước Xô Viết dẫn đầu sang thăm Việt Nam, Bác đã đưa đoàn lên thăm Khu di tích, thăm phong cảnh núi rừng, rừng thông, đi săn và bơi thuyền. Bác cùng anh hùng Titốp đã trồng hai cây Vàng Anh lưu niệm tại đây. Trưa hôm đó, Bác đã mời đoàn dùng cơm tại nhà khách của Khu di tích.
Một lần Bác cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị lên họp.Một lần Bác lên làm việc và gặp gỡ cán bộ ở đây, Bác đã cùng anh em cán bộ ăn cơm rất thân mật, gần gũi.
Dù Bác lên ở và làm việc tại K9 không thường xuyên nhưng mỗi con đường, mỗi ngôi nhà, mỗi hàng cây ở đây vẫn in đậm hình bóng Bác.
Sau khi Người qua đời, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta mong bảo vệ và giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ để sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế mãi mãi được viếng thăm Bác. Thể theo nguyện vọng đó, trong khi đất nước còn có chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta còn đang hướng tới việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định chọn K9 làm nơi bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác từ ngày 24/12/1969 và phải tuyệt đối bí mật. Khu vực này có nhiều điểm thuận lợi như nhà cửa, hầm công sự đã có sẵn, địa thế nằm trong dải rừng dài, rộng, nên thuận tiện cho việc phòng thủ và giữ bí mật.
Sau một thời gian thi hài Bác được giữ gìn, bảo vệ ở Đá Chông, ngày 23/5/1970, Hội đồng khám nghiệm gồm chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã tổ chức khám nghiệm thi hài và kết luận: “Qua 8 tháng đầu bảo vệ, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một nước khí hậu nhiệt đới, mặc dù phải di chuyển xa nhưng hình dáng bên ngoài và các bộ phận trên cơ thể Người vẫn được bảo tồn đầy đủ, phù hợp với hình thể lúc Người còn sống”. Trên cơ sở đó, Trung ương quyết định lấy K9 làm nơi giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác..
Đêm 20, rạng ngày 21/11/1970, trực thăng Mỹ đổ quân xuống khu vực thị xã Sơn Tây hòng cứu thoát số phi công Mỹ bị giam ở đây. Điều này khiến ta phải đặt ra những phương án bảo vệ thi hài Bác ở khu vực K9. Ngày 24/11/1970, Trung ương Đảng quyết định di chuyển thi hài Bác về Hà Nội. Bác về Hà Nội mới được vài tháng thì mưa lũ lên cao, theo dự đoán thì mức nước sẽ tàn phá đê điều làng mạc nghiêm trọng, do vậy, 13h ngày 18/8/1971, thi hài Bác được đưa trở lại K9. Việc di chuyển này rất khó khăn phức tạp, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả không thể lường hết được. Do tình hình chiến tranh phức tạp, bầu trời K9 lúc này luôn đầy tiếng máy bay giặc Mỹ, 21 h ngày 11/7/1972, đoàn xe chở Bác được lệnh rời K9 và 0h15’ ngày 12/7, Bác đã về yên nghỉ ở một vị trí trong hang núi bên kia sông đến khi Hiệp định Paris đ¬ược ký kết, Mỹ ngừng ném bom hoàn toàn miền Bác thì Bác lại được đưa trở lại K9. Đây cũng là lần thứ năm các chiến sỹ Đoàn 69 thực hiện việc di chuyển thi hài Bác.
Sau khi việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đ¬ược hoàn thành ngày 22/8/1975, thi hài Bác được đưa về gìn giữ, bảo quản để đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế về thăm viếng Bác.
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9-Đá Chông là di sản văn hóa vô giá. Nơi đây in dấu những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong những năm tháng lãnh đạo đất nước. Người đã tiếp đón bạn bè quốc tế thân thiết tại đây. Đây còn là nơi an toàn tuyệt đối trong việc giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác Hồ từ năm 1969-1975.

Sunday 16 December 2007

Báo Lao Động điểm sách Umesao Tadao

"Lịch sử thế giới nhìn từ quan điểm sinh thái học"


Lao Động Cuối tuần số 49 Ngày 16/12/2007 Cập nhật: 2:22 AM, 16/12/2007
http://laodong.vn/Home/ldcuoituan/2007/12/68784.laodong



(LĐCT) - Những phát hiện sâu sắc có tính gây chấn động của giáo sư Umesao Tadao đã được lý giải trong cuốn "Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học: Văn minh Nhật Bản trong bối cảnh thế giới".

Vì sao nền văn minh Nhật Bản lại có những nét tương đồng với văn minh Tây Âu? Vì sao các quốc gia Tây Âu và Nhật Bản đã trải qua những hiện tượng song song trong lịch sử, mà không phải quốc gia Châu Á nào khác?

Nhật Bản là hiện tượng kỳ lạ trong lịch sử Châu Á, là nước duy nhất thành công một cách nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chỉ mất nửa thế kỷ để trở thành một trong ngũ cường gồm các nước phương Tây từ thập niên 1920.

Và trong các thế kỷ trước, Nhật là quốc gia duy nhất ở Đông Á từng đi xâm chiếm các nước khác và xây dựng thuộc địa riêng. Umesao lý giải: "Sự song hành giữa các nền văn minh Nhật Bản và Tây Âu là do cấu trúc sinh thái của toàn bộ lục địa Á-Âu".

Ông Tadao chia cựu thế giới thành 2 vùng: Vùng 1 và vùng 2. Các nước vùng 1 gồm Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản; vùng 2: Từ Nga, đến Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nam Tư, Morocco (các vùng đang phát triển).

Đức và Nhật tuy cách xa về địa lý, nhưng con đường của hai nước giống nhau lạ lùng, cả hai đứng dậy sau tro tàn thất trận, trong chiến tranh đều do chính quyền phátxít cai trị.

Anh và Pháp cũng đều có thái độ hiếu chiến đế quốc và xây dựng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Còn vùng 2 là các nước thuộc địa, hoặc nửa thuộc địa trước chiến tranh, hoặc chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn. Trong quá khứ, đã từng có một số đế quốc lớn ở vùng 2.

Một số nước, như nước Nga dưới thời Sa hoàng, đã thực hiện những cuộc xâm lăng kiểu đế quốc chủ nghĩa, nhưng vì các nước này không có trụ đỡ của chủ nghĩa tư bản nên điều kiện của họ khác xa so với những cường quốc đế quốc chủ nghĩa trong vùng 1.

Rất nhiều cuộc cách mạng diễn ra ở các nước vùng 2, từ cách mạng dân tộc Trung Quốc đến cách mạng Ai Cập, cách mạng vô sản Nga..., trong khi không một nước vùng 1 nào trải qua cách mạng trong suốt 30 năm ấy. Giữa vùng 1, vùng 2 có những dị biệt lớn.

Tadao chỉ ra rằng: "Chủ nghĩa tư bản hiện đại là hệ thống kinh tế đặc thù của các nước vùng 1. Họ có giới tư sản phát triển sớm và mạnh mẽ. Tất cả các nước này đều trải qua thời kỳ phong kiến. Nhưng vùng 2 thể hiện một kịch bản trái nghịch: Hệ thống tư bản chủ nghĩa kém phát triển.

Cách mạng thường đưa đến sự trỗi dậy của nền độc tài, chứ không phải trao quyền cho giới tư sản. Hệ thống đặc thù của các nước vùng 2 trước cách mạng không phải là chế độ phong kiến, mà là chế độ chuyên chế hay thực dân. Dưới những điều kiện này, giới tư sản thật khó lòng phát triển".

Tính khai mở của công trình là ở chỗ, giáo sư Umesao đã sáng tạo ra một khái niệm mới - Trung phương (Mediant) nổi tiếng. Trong đó có văn minh Ấn Độ, văn minh Lưỡng Hà, văn minh Arab - thế giới của Hồi giáo.

Trung phương cũng là cái nôi sáng tạo và nuôi dưỡng những tôn giáo lớn nhất thế giới. Quan điểm về sự tồn tại của thế giới Trung phương và những đóng góp vĩ đại của nó đã thay đổi cách nhìn về "Thuyết hai thế giới" (tức chỉ thừa nhận phương Đông, phương Tây). Đồng thời, ông phát hiện thấy xã hội vùng Trung phương còn ẩn chứa nhiều thách thức và cả những vấn đề nan giải. Ông lưu ý rằng không thể coi Nhật Bản là một bộ phận của Tây Âu.

Theo dòng mạch tư duy đó, ông phê phán quan niệm hướng về lục địa của một số thể chế Nhật Bản và khuyên chính phủ nước này cần có tầm nhìn về đại dương. Cũng theo đó, Nhật Bản không thể là mô hình hiện đại hoá cho các quốc gia Châu Á.

Ông cho rằng, bản lĩnh của một dân tộc là phải biết tiếp nhận những giá trị khác biệt và tái điều chỉnh. Trong sách còn có những phân tích độc đáo về một số quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Umesao Tadao là một nhân vật kiệt xuất trong giới trí thức Nhật, không chỉ trong giới nhân chủng học, mà trong giới trí thức hàng đầu. Sinh năm 1920, ông từng đi khắp nước Nhật, sau đó ở Châu Phi và nhiều nước Châu Á..., đã có tuyển tập gồm 23 cuốn sách có giá trị. Ông dạy ở các trường đại học, sau đó làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học 1974, kiến dựng bảo tàng Dân tộc học quốc gia, được trao nhiều huy chương, huân chương, giải Cành cọ Hàn lâm về học thuật của Pháp.

Minh Thi