Tuesday, 21 October 2008

UK ơi là UK...

Bài này của một bác khá nhiều tuổi sống ở London.
Hoàng Hạc
Khủng hoảng tài chính thế giới: Thất nghiệp
Đúng như nhận định của phóng viên kinh tế AP Jeannine Aversa: "Hôm nay 250 tỷ USD mà chính phủ Bush rót thẳng vào các ngân hàng chính ở Mỹ đã làm thị trường hồi sinh trở lại và quá trình vay mượn bắt đầu vận hành, nhưng chuyển động cấp tiến ấy chưa đủ thay đổi nhanh chóng nền kinh tế đang chao đảo. Cái hệ lụy đau đớn kéo theo sự chao đảo đó là người dân Mỹ đang mất sạch công ăn việc làm (vanishing jobs)". Sáng nay khi ngồi uống cà phê tại quán Italia ngay Leicester Square nổi tiếng của London, tôi giật mình khi hàng tít lớn của một tờ báo đập vào mắt: "Jobs Bloodbath - 60,000 city workers face axe!" ( Công ăn việc làm đổ máu - 60 ngàn công nhân thành phố đối mặt với lưỡi rìu!)

Vậy là cái gì phải đến đã đến. Mặc dầu đây chỉ là lời tiên đoán về công ăn việc làm của London từ nay đến cuối năm 2009, nhưng tôi tin sức rung chuyển của tin này còn kinh khủng hơn cả tin nhà băng Icesave vỡ nợ, vì hàng trăm ngàn người London sẽ lâm vào cảnh khốn cùng! Thảo nào tối hôm qua tôi bắt gặp cô bé Katie sống trong ngôi nhà cạnh tu viện đứng khóc ngoài đường. Bố Katie là một trong số 5 ngàn nhân viên của Lehman Brothers ở London bị mất việc tháng trước, mẹ em mới bị phát hiện ung thư xương giai đoạn 2, sau Katie còn 2 em trai 7 và 10 tuổi cũng đang đi học. Chiếc xe Mercedes đã bị kéo rồi, sắp tới là nhà cũng bị kéo nốt và chắc chắn là bố mẹ không có tiền trả học phí cho cả 3 chị em nữa (cả 3 chị em đều học trường tư). Cuộc sống yên bình ổn định thế là không còn. Katie còn quá trẻ để hiểu được tại sao mà mọi tai hoạ cứ liên tiếp đổ xuống đầu gia đình em. Ở nước Anh không có một cái gì coi là ổn định được. Đang tươi đẹp thế nhưng chỉ vài ngày thôi, đùng một cái mọi thứ đều đảo lộn! Khủng hoảng tài chính là vậy.

City A.M., nhật báo chuyên về tài chính ở London trong số ra ngày 16-10 thống kê: "Tính đến nay số người thất nghiệp là 1 triệu 790 ngàn (số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia [ONS]). Với đà suy thoái của hệ thống ngân hàng hiện nay, đến lễ Giáng sinh con số thất nghiệp sẽ vọt lên tới 2 triệu!" Trả lời phỏng vấn của City A.M., chuyên viên hãng Lloyds ở London James Karagozlou cho rằng chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để chặn lại con số thất nghiệp mà ông nghĩ là nó sẽ tăng cao. Cùng lúc này, ở bên kia bờ Đại Tây dương, William Thompson, quan chức tài chính cao nhất của thành phố New York (Mỹ) tiết lộ: New York sẽ mất 165 ngàn job do khủng hoảng tiền tệ trong 2 năm sắp tới, bao gồm cả 35 ngàn người được tuyển làm trực tiếp trong khu vực tài chính. Các quan chức chính phủ của Tây Ban Nha, Nga, Hy Lạp lên tiếng báo động về tình trạng thất nghiệp gia tăng... Các tin tức về jobless (mất việc) thường gây hoang mang cho dân thường, cả người có tiền lẫn không có tiền.

Ngày 16-10, chính phủ Anh với 37 tỷ bảng đã quốc hữu hoá từng phần ba nhà băng: Royal Bank of Scoland (RBS) 20 tỷ, Lloyds TSB 4 tỷ, HBOS 13 tỷ, đây được coi là vụ quốc hữu hoá lớn nhất trong lịch sử tài chính nước Anh. Các xếp mới được chính phủ bổ nhiệm đã tới làm việc. Xếp cũ, giám đốc thường trực của RBS, ngài Fred Goodwin mới 50 tuổi đã rời nhiệm sở sáng 14-10 sau khi nhận tiền lương hưu cả gói là 8,4 triệu bảng (mỗi năm 579 ngàn bảng)! Chỉ cái số lẻ của ông Goodwin cũng đủ cho 10 gia đình người Anh chi tiêu trong một năm. Hèn chi mà anh chàng thày tu da trắng trong tu viện đã cay đắng nhận xét: "Các ông chủ tài chính của London bình thường đã cướp của người dân hàng chục triệu bảng bỏ túi để gây nên cảnh khủng hoảng này, bây giờ lại vẫn ung dung bước trên thảm đỏ về nghỉ ở nhà. What a life (đời là thế)!" Tôi chắc bé Katie càng không thể hiểu được những đường lăn dích dắc bẩn thỉu này của đồng tiền, bé chỉ nghĩ tới cảnh sẽ phải xa bạn học, có thể sẽ phải đi làm để giúp bố mẹ, tuổi 14 đã có thể đi làm được rồi, mặc dầu chính phủ Anh cũng công bố ngày 15-10 sẽ chi ra 100 triệu bảng (tức 1 phần 10 tỷ) để huấn luyện lại những viên chức bị mất việc trong vụ khủng hoảng tài chính này, nhằm giúp họ có thể dễ dàng kiếm việc làm mới. Ở Mỹ, số người dùng food stamps (một dạng trợ cấp xã hội qua tem lương thực) là 29 triệu người, riêng vụ khủng hoảng tài chính làm tăng thêm một triệu người nữa và con số còn tiếp tục tăng ở mức đáng báo động. Các con số này khiến tôi đâm ra nghi ngờ các chính sách cứu nguy của ông Bush và ông Gordon Brown: đổ hàng trăm tỷ ra tài trợ cho các nhà băng chỉ để lấy lại sự tin cậy của người đầu tư chứ không giúp gì cho người nghèo tại chính Anh và Mỹ cả, những người nghèo này chỉ sợ nhất hai thứ thường hay đi liền nhau trong các cơn biến động lớn về kinh tế: thất nghiệp và lạm phát! Đó là quy luật: khủng hoảng tài chính làm ngân hàng không có tiền, dân chúng không có tiền cộng thêm hoang mang lo sợ nên sức mua giảm hẳn, tiền khó kiếm sẽ đẩy tới việc lạm phát, vì ai cũng tìm cách giữ tiền: đồng tiền liền khúc ruột mà, dân chúng giảm sức mua khiến ngân hàng lại càng khó tích luỹ tiền... Cái vòng quay ngựa gỗ của quy luật này, nếu không có những tác động mạnh của chính phủ sẽ bùng lên khởi phát thành những chấn động.

Báo chí đưa tin mấy ông chủ lớn mất hàng tỷ bảng, ngay cả trong ngành thể thao bóng đá, các ông bầu câu lạc bộ Chelsea (Abramovich), Arsenal (Usmanov với 24% cổ đông) chao đảo vì bỗng nhiên mất một số tiền lớn do cổ phiếu rớt đài, Hội đồng Anh (British Council) mất 858 triệu bảng tiền gửi ngân hàng Iceland, người khổng lồ Pepsi cắt giảm 3300 jobs và đóng
cửa 6 nhà máy trong một nỗ lực nhằm tiết kiệm 1,2 tỷ Đôla, ngân hàng RBS mặc dầu được chính phủ bơm 20 tỷ bảng trong vụ quốc hữu hoá từng phần nhưng vẫn quyềt định sẽ cắt giảm hàng ngàn công việc, còn giá nhà ở London thì đang drop(rơi) tới hơn 10 % và cũng lâm vào Prices War (chiến tranh giá cả),... Những tin tức xấu nhiều vô kể, ùa đến giày vò thần kinh người London, khiến rất nhiều người trong số họ, nhất là những người trực tiếp mất việc, bị mắc chứng Stock Market Stress [1] (chứng bệnh thần kinh liên quan đến chứng khoán). Bác sĩ Shanahan, giám đốc bệnh viện sức khoẻ tâm thần Capio Nightingale của vùng Marylebone, cho biết số bệnh nhân có hiện tượng mà ông gọi là "Hội chứng Square-Mile" (Square-Mile Syndrom) [2] bỗng tăng vọt, có nguy cơ trở thành một đại dịch stress. Nghĩ cũng thấy kinh kinh, tôi liền kể cho chàng thày tu da trắng, anh ta doạ tôi: ông phải cẩn thận đấy, ông làm việc trực tiếp đưa tin khủng hoảng tài chính coi chừng cũng bị mắc Stock Market Stress! Nhưng mà tôi chẳng sợ vì tôi không có xu nào gửi nhà băng cả, với lại nếu không còn việc làm ở London nữa, tôi sẽ tót về Việt Nam ngồi rung đùi, bình chân như vại ngắm đám cháy bên kia bờ Thái Bình Dương như mấy ông bạn nhà báo ở Việt Nam!

London, 17-10-2008

© 2008 talawas



[1]Stock market stress and cardiac risk - Published October 9th, 2008 - Rising unemployment rates, the worst Wall Street crises since the end of World War II, record home foreclosures. There is plenty of stress to go around. What effect is stress having on our health and what can we do about it? “Prolonged stress, both emotional and physical, impacts the overall cardiovascular status of our patients, particularly their blood pressure,” said Keith Churchwell, M.D., executive medical director of the Vanderbilt Heart and Vascular Institute. American and global stock markets on a daily rollercoaster ride, anxiety over the burden of the government’s bailout of Wall Street, and the added stress placed on all Americans by increased financial instability could be taking its toll. Stress can cause increasing physical demands on the body, constriction of the coronary blood vessels and heightened electrical instability in the heart. (Nguồn: http://ihealthbulletin.com/blog/2008/10/09/stock-market-stress-and-cardiac-risk)
[2]Square-Mile Syndrom - According to Capio Nightingale, a private hospital based in Marylebone, the number of people asking about mental health disorders and treatments has increased by 33 per cent in the past three months, while those seeking advice on drug and alcohol misuse has risen by 30 per cent. The hospital says city workers are suffering from ‘Square-Mile Syndrome’ - a term used to explain the mental health problems such as depression, stress and anxiety which arise from fear of job loss and financial insecurity, and may also be linked to increased alcohol and drug use. (Nguồn: Times online http://143.252.148.161/tol/global/article4893843.ece)