Thursday 28 May 2009

A kinder, gentler IMF

Đó là nhận xét của Dani Rodrik về quan điểm của IMF đối với chính sách tài khóa của các nước kém phát triển (cụ thể là các nước châu Phi Hạ Sahara). Đây là một điều mới mẻ từ IMF, khi tổ chức này cho rằng có thể chấp nhận thực hiện chính sách tài khóa thâm hụt ngay cả đối với một số nước nghèo nhất thế giới (mức độ tùy thuộc vào mức nợ hiện hành của từng nước). Các nước này được khuyến nghị tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và mạng lưới an sinh xã hội. Một khuyến nghị nữa mà cá nhân tôi rất đồng ý là không cắt giảm thuế.
Tất nhiên, IMF không hoàn toàn từ bỏ quan điểm về cân bằng ngân sách vốn gây tranh luận rất nhiều. IMF cho rằng, đối với các nền kinh tế dựa vào tài nguyên, khi các cú shock tập trung vào một vài ngành và lĩnh vực nhất định, thì chính sách kích thích tài khóa khó có thể đưa vốn và lao động hoạt động trở lại như trước vì sự hạn chế của khả năng lưu chuyển nội ngành. Và chính sách này cũng cần phải chấm dứt sau khi đối phó với khủng hoảng để tránh các vấn đề về nợ nần trong tương lai.

Wednesday 27 May 2009

Sotomayor vs. Mendoza

Khi vừa mới đọc tin về thẩm phán mới của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tôi đã thấy ngạc nhiên với sự giống nhau đến kỳ lạ của hai nhân vật này. Cả hai đều được Tổng thống giới thiệu sau khi một vị thẩm phán theo quan điểm cấp tiến quyết định nghỉ hưu trong nhiệm kỳ đầu tiên của vị tổng thống mới được bầu. Cũng cần nói qua ở đây là Tối cao pháp viện Hoa Kỳ có 9 thẩm phán, 4 tự do, 4 bảo thủ và 1 theo đường lối trung dung. Cả hai đều là thẩm phán người Hispanic đầu tiên trong lịch sử Hợp chủng quốc. Chỉ có điều, Roberto Mendoza, một người đàn ông xuất thân từ dân lao động nghèo, cựu nhân viên sở cảnh sát Nữu Ước, là nhân vật trong loạt phim truyền hình The West Wing chiếu trên NBC tại Mỹ từ 1999 đến 2006 mà tôi đang xem hàng ngày trong những lúc thảnh thơi (đang đến Season 3) Còn Sonia Sotomayor, một phụ nữ, thì không phải là một nhân vật hư cấu. (Để tìm hiểu về bà này, tôi đã tìm kiếm trên mạng và mới gõ từ Judge thì đã được Google suggest là Judge Sonia Sotomayor hoặc Judge Sotomayor!!!).

Trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, các fan của The West Wing đã tìm được nhiều điểm giống nhau giữa chiến dịch tranh cử của Obama và những gì mô tả trong phim ở 2 seasons cuối (xem ở đây). Tôi chưa xem đến đó nên cũng chưa có bình luận. Bài báo đó của NYT kể là, trong 2 seasons cuối đó, một thượng nghị sỹ trẻ Hispanic của đảng Dân chủ chạy đua ứng cử với một Thượng nghị sỹ Cộng hòa có thâm niên tại Quốc hội hàng chục năm. Thông điệp của ứng cử viên Dân chủ là Hy vọng. Bài báo cũng nói là hóa ra những người viết kịch bản đã dùng chính hình ảnh Obama và John McCain làm cảm hứng dựng phim. Vài ngày trước cuộc bầu cử TT 2008, báo Telegraph của Anh chạy hàng title lớn dự đoán chiến thắng của Obama. với lý do là The West Wing bảo như thế!!!

Không biết bà thẩm phán mới có gặp rắc rối như trong phim không nhỉ? Sau khi được đề cử thì Mendoza đã vấp phải rất nhiều sự phản đối và giải trình trước khi được Quốc hội phê chuẩn, thậm chí ông còn bị bắt oan tại đồn cảnh sát vì lý do trời ơi đất hỡi. Chắc là nữ thẩm phán gốc Puerto Rico này sẽ suôn sẻ hơn người đồng nhiệm trong phim - một nhân vật mà tôi thấy rất có cảm tình bởi sự xù xì, tính thẳng thắn và lòng quả cảm.

Saturday 23 May 2009

Roh Moo Hyun

Đây là một bài của Roh Gon Ho - con trai của Roh Moo Hyun - viết về cha mình vào năm 2002, khi Roh tranh cử tổng thống Hàn Quốc. Bản gốc từ cuốn sách tiếng Nhật viết về ứng cử viên này, xuất bản cuối năm đó (nhà Shindosha ấn hành thì phải, không nhớ lắm). Bản tiếng Việt tôi dịch năm 2003, và là bản thảo thô, và chưa bao giờ được chỉnh sửa nên đọc lại thấy có nhiều chỗ chưa thoát, hôm nay nhân đọc tin Roh nhảy vực tự tử mới đăng lên đây để kỷ niệm. Chia buồn với các bạn Hàn Quốc và càng thêm kính trọng Roh Moo Huyn.

------

Người cha bình dị nhưng phi thường

Roh Gon Ho

1 Người cha rất bình dị

Đương nhiên tôi chưa bao giờ có ý nghĩ cha mình là một người vĩ đại. Cứ khi nào bạn bè tôi đến chơi ông lại có những chuyện làm mọi người ai cũng phải bật cười. Bạn bè tôi cứ nghĩ là gia đình một chính trị gia nổi tiếng, nhất định trong vườn phải có một anh chàng vệ sỹ trong bộ trang phục đen với một chú chó săn làm cảnh giới, mẹ phải mặc bộ trang phục truyền thống của Hàn Quốc, còn cha sẽ luôn bận rộn với việc liên lạc điện thoại. Nhưng đáng tiếc là không phải thế, khi nào bạn bè tôi đến chơi, mẹ tôi thường ra mở cửa vẫn với bộ dạng mới ngủ dậy còn cha tôi thì vẫn cầm tờ báo trong khi đang bận bộ đồ chạy thể thao.

Xin lỗi vì đã đụng chạm đến ảo tưởng của bạn bè nhưng tôi nghĩ rằng chẳng lẽ ở nhà của các chính trị gia khác cũng không giống như thế sao? Đối với cha tôi thì dù có là một nhà chính trị thế nào chăng nữa, cuộc sống thường nhật của gia đình cũng chẳng có gì khác biệt so với các gia đình khác.

Thực ra thì hầu như tôi cũng chưa có dịp gần gũi với cuộc sống của các nhà chính trị khác. Đúng ra thì tôi có cơ hội gặp gỡ với họ nhiều hơn những người khác, nhưng những lúc đó không phải là tôi không có suy nghĩ rằng họ cũng oai lắm chứ. Vì thường xuyên được các phương tiện thông tin đại chúng chú ý đến chẳng hạn. Không phải là giới nghệ sỹ hay nhà thể thao, mà là những người có vị trí cao trong xã hội, nên tôi nghĩ hẳn là cũng có chút gì đó hoành tránglắm. Do đó nên có lẽ những người khác trông vào cha tôi, cũng nghĩ như tôi rằng ắt hẳn ông phải có cái gì đó hơn người thường một chút.

Nói vậy nhưng bạn bè tôi và những người sống xung quanh bắt đầu nghĩ rằng cha tôi có điều gì đó đặc biệt là khi tôi học trung học năm thứ ba, tức là từ năm 1988 trở lại đây. Còn trước đó thì là một gia đình vô cùng bình thường. Hồi tôi còn nhỏ xíu, thỉnh thoảng được đi ăn tiệm thì cũng chỉ được ăn đến món mỳ Chanjan (Mỳ xào kiểu Hàn Quốc), sau đó một thời gian có lần vì ăn món Prugogi (lẩu kiểu Hàn Quốc) hoang phí một chút mà cha mẹ tôi đã cãi nhau, tôi ở bên cạnh chỉ biết khóc ri ri. Cha mẹ tôi luôn tức giận mỗi khi được biết là vì bị bạn đánh, trên đường về tôi đã đánh trả lại, hay là chuyện tôi tranh giành lon Coca Cola của em gái. Tình cảnh là như thế đấy.

Thỉnh thoảng cha tôi lại gói tài liệu mang về nhà làm, những lúc đó, ngay sau bữa ăn tối, cha tôi lại lấy gói tài liệu mở ra, đem xếp lên giữa bàn và ngồi làm việc. Buổi sáng ngủ dậy, tôi thường thấy cha tôi đang ngồi viết gì đó trong màn khói thuốc lá cuộn xung quanh. Ngay cả đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy hình ảnh cha tôi phía sau màn khói thuốc thật là ấn tượng.

Cha tôi chưa bao giờ mua cho tôi những quà sinh nhật ví dụ như chuyện chàng trai Kyo San Doo dũng cảm cả. Ngay cả đến quà tặng chắc cha cũng chẳng nhớ mua cho tôi. Trong ký ức của tôi chỉ có đúng một lần cha mua cho một bộ truyện tranh Tam Quốc Chí dành cho trẻ em của ông Koo Woo Won mà thôi. Truyện đó rất hay và tôi đã đọc đi đọc lại hàng chục lần. Mấy năm trước đây tôi có nhắc lại chuyện đó nhưng cha chẳng nhớ chút gì về nó cả. Có lẽ bây giờ mà kể chuyện đó ông cũng không nhớ nữa.

Tôi cũng rất muốn miêu tả về cha mình như là một người cha đầy tình thương, luôn chú ý đến những chuyện nhỏ nhặt của con cái nhưng thành thật mà nói rằng cha không phải là mẫu người như vậy. Mẹ và em gái tôi ít nhiều cũng có phàn nàn về chuyện đó nhưng tôi thì hoàn toàn không để ý đến nên cũng chẳng thể nói được.

Đến giờ tôi vẫn lưu giữ ấn tượng hồi nhỏ là có một lần vào mùa hè tôi bị cha đánh vào mông. Tôi không nhớ rõ hồi mấy tuổi nhưng đó là vào khoảng lúc tôi mới vào tiểu học. Lúc đó cả gia đình sống ở vùng Nam Cheong Dong (Pusan), vào mùa hè, cả gia đình thường ngủ ở giữa tấm phản mà gió mát có thể lùa vào.

Vào một buổi tối mùa hè nóng nực, có một ông khách đến nhà tôi chơi. Tôi cứ nằng nặc đòi ngủ trên tấm phản mà ông ta đang ngồi. Khi ông khách về rồi, cha lấy tay đánh liên tiếp như tóe lửa vào mông tôi, nhưng thật là may mắn làm sao, tôi cầu cứu bà nội đang ở bên cạnh được. Thế là rốt cuộc, tôi nằm cuộn tròn trong vòng tay bà nội giữa tấm phản, vừa khóc tỉ ti vừa định đi ngủ thì nghe thấy một âm thanh không bình thường ở nơi góc phòng.

Hình như là vừa có tiếng khóc rấm rức, vừa có tiếng nói khe khẽ…. Đấy có phải là tiếng khóc của cha hay không thì thực tình tôi cũng không đoán chắc. Thế nhưng lúc đó, còn ngây thơ, tôi cứ khóc tỉ ti và rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Còn việc vì sao cha tôi lại khóc, vì giận đứa con trai đành hanh hay buồn vì đã đánh con đau, đến giờ tôi cũng không rõ nữa.

Tôi vẫn giữ kỷ niệm về chuyện đó như là một bí mật tới tận bây giờ. Hẳn là cha cũng chẳng nhớ gì về nó. Lúc đó, với bộ óc ngây thơ, tôi lo là vì đánh tôi nên cha khóc, bởi vậy tôi rất buồn. Đến giờ tôi vẫn muốn hỏi cha: “Lúc đó tâm trạng của cha thế nào? Cha đã khóc, phải không cha?” Thế nhưng, vì không muốn xóa đi kỷ niệm sinh động đó của thời thơ ấu, chỉ thỉnh thoảng tôi lại một mình nhớ tới nó. Sau đó, tôi còn vài lần bị đánh nữa nhưng đó là lần mà tôi rất ngượng, nên tôi nhớ mãi.

Thời đó tôi còn nhớ một chuyện nữa. Có lẽ trong số các độc giả có người biết đến môn toán của các trung tâm dạy thêm. Hàng ngày tôi phải làm được một số nhất định các bài tập toán. Vấn đề đối với tôi không phải là lợi tức của người lao động ra sao mà là các bài tập ngày càng chồng chất chưa làm được.

Rốt cuộc là vì bị mẹ mắng, nên cũng đã đến ngày tôi phải giải quyết xong tất cả các bài tập toán ở lớp học thêm dồn trong mấy tháng vừa qua. Chán quá, chẳng biết làm thế nào, tôi đã bật khóc. 10 giờ tối (lúc đó 9 giờ là tôi phải lên giường đi ngủ rồi), cha gọi tôi lại và bảo mặc áo khoác vào.

Tôi lo lắng, hay là cha chuẩn bị đuổi mình ra khỏi nhà đây. Hóa ra là cha đưa tôi đi xem cuộc sống về đêm của những người lao động. Chưa bao giờ tôi ra khỏi nhà vào nửa đêm như thế cả. Cha nắm tay tôi, dắt vào các cửa hàng, đến những quầy ăn đêm, ghé vào mua hang cho những người bán dạo. Hai cha con vừa nói chuyện, vừa bước theo nhịp hành quân đêm trên đường. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới biết là lúc đó cha dẫn tôi đi để cho tôi một lần tận mắt thấy được người ta đã vất vả lam lũ thế nào vì kế sinh nhai. Thế nhưng lúc đó còn quá nhỏ, nên tôi không thể cảm nhận được điều đó.

Dù sao vì đã đi bộ xa quá nên hai cha con chúng tôi trở về nhà bằng taxi. Tôi vẫn nhớ khi chạy qua tấm bảng đồng hồ điện tử của một tòa nhà, tôi nhìn thấy là nó đã chỉ sang quá 2 giờ đêm. Vào thời điểm đó đối với tôi thì 2 giờ là một thời khắc kinh khủng lắm. Chính vì thế mà ngày hôm sau tôi đã đến trường muộn.

Hình như là lúc đó cha không có ý định “thúc cho tuấn mã chạy nhanh, hay là sư tử vứt con từ vách đá” gì cả. Sau đó, cha nói “Không được ép buộc làm những điều không thích” và cho phép tôi bỏ học môn Toán ở trung tâm luyện thi đó. Cũng từ đó về sau, cha không bao giờ bắt tôi phải làm những gì tôi không thích. Ngay cả việc học hành cũng vậy. Thực ra là về sau này, cha tôi cũng hơi ân hận về chuyện đó. Cha thường bảo “Nếu như lúc đó mà cha “thúc cho tuấn mã chạy nhanh”….” Tôi không phải là tuấn mã, nhưng mà quả tình là tôi cảm thấy rất mừng là vào lúc đó không phải đi học thêm môn Toán nữa.

2. Người cha không kiếm tiền

Cuộc sống bình thường của gia đình tôi thay đổi ít nhiều từ khi cha tôi bắt đầu quan tâm đến các vấn đề xã hội. Nói là thay đổi, nhưng cũng chẳng phải là thay đổi gì ghê gớm cả. Chỉ ở mức độ là cha mẹ thường hay cãi nhau hơn, rồi tôi lại hay thấy mẹ bỉểu lộ sự lo lắng hon.

Sau này tôi mới hiểu rõ rằng, khi tôi vào trung học, tức là khi cha tôi tham gia vào cuộc vận động xã hội được biết với tên là “Sự kiện Pusan”, cuộc sống gia đình tôi bắt đầu biến chuyển. Cha tôi ngày càng gắn bó với cuộc vận động xã hội hơn, lúc tôi vào trung học, cha cũng đóng cửa văn phòng luật sư để chuyên tâm vào vận động xã hội. Tất nhiên là tiếp tục cuộc sống không kiếm được tiền, nên dường như mẹ tôi rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh vì lo nghĩ đến vấn đề kinh tế gia đình. Cha không phải là người con của một gia đình giàu có, công việc luật sư cũng chưa kéo dài được lâu, cha cũng không có bất động sản hay khoản tiền riêng lớn nên bây giờ tôi có thể hiểu được tình trạng căng thẳng của mẹ.

Thế nhưng, tôi vẫn đi học bình thường. Một đứa trẻ đang học tiểu học như tôi làm sau có thể biết được sự lo lắng của bố mẹ, và tôi lại thuộc loại khá chậm hiểu, nên tốt nghiệp tiểu học là vào trung học thôi, chứ có nghĩ ngợi gì đâu. Lúc đó tôi vẫn thường xuyên đi đá bóng say sưa đến mức có lần gãy tay vì ngã từ khung thành xuống; lại cũng hay bị bố mẹ mắng vì la cà ở các hiệu cho thuê sách hay là các tụ điểm vui chơi. Đến tận bây giờ, những người bạn cùng chơi ở chỗ đó vẫn là những người bạn thân nhất của tôi.

Thỉnh thoảng, vào các buổi tối khuya hay có những vị khách đến nhà tôi chơi, bây giờ nghĩ lại, chắc hẳn họ là những sinh viên hay thành viên của các nhóm vận động xã hội có liên quan đến “sự kiện Pusan”. Sau này, khi đọc những bài viết của cha khi ông thành một nhà chính trị hay là các sách vở viết về ông, tôi mới thấy rằng, “sự kiện Pusan” được coi là một sự thức tỉnh về mặt xã hội của cha. Trong tiểu sử của cha đăng trên các báo chỉ vẻn vẹn có một dòng “Bắt đầu hoạt động bảo vệ nhân quyền từ sự kiện Pusan” mà thôi. Thế nhưng, nếu đứng ở vị trí gia đình thì từ đó trở về sau thực sự là một sự thay đổi lớn lao.

Gần đây, hồi tưởng lại thời gian đó, tôi không thể nghĩ rằng đó là một sự thức tỉnh về tổ chức xã hội của cha tôi. Trong suy nghĩ của tôi, đơn giản là dường như cha tôi đã bị cuốn theo cuộc vận động xã hội “phẫn nộ với nhà cầm quyền đã dùng các biện pháp tra tấn dã man”. Cha tôi không phải là một người xuất thân từ một cuộc đời công nhân khổ cực, bằng ý chí của mình vươn lên, lập thuyết tố cáo sự bất công, hay là một vị con nhà quyền thế, nhận thức được những điều vô lý của xã hội để cải tạo nó. Thành thật mà nói, lúc đó trông vào tình cảnh các sinh viên bị đánh đập đến thâm tím mặt mày, có lẽ cha cũng chỉ phản đối bằng lời nói: “Hãy chú ý đến họ một chút” mà thôi.

Thế nhưng, lúc đó, có vẻ như những người sinh viên bị tra tấn gần đến mức thập tử nhất sinh. Cha không phải là người có tấm lòng nghĩa hiệp hay là “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” mà chẳng qua bất kỳ ai nếu tận mắt chứng kiến những chuyện đó nhất định cũng sẽ không thể cảm thấy vô cùng phẫn nộ trước sự đối xử vô nhân đạo của chính quyền độc tài quân sự. Trong một tài liệu của cha có viết “Móng tay, móng chân của họ toác hết, thân thể đầy những vết bầm tím, không thể đi lại bình thường được”. Thật không khác gì lao ngục thời phong kiến Triều Tiên!

Tôi nghĩ rằng, để nói về việc cha tham gia phong trào vận động xã hội thật ra chỉ ở mức độ là “không được đánh đập” mà thôi. Bây giờ , dù đã là nhà chính trị nhưng chẳng mấy khi cha nhắc đến những vấn đề “kiến trúc thượng tầng” như là thể chế chính trị, cơ cấu kinh tế hay bản sắc dân tộc cả. Khẩu hiệu “Vì một thế giới sinh sống của con người” của cha trong kỳ bầu cử quốc hội lần thứ 13 (từ đây sẽ gọi tắt là bầu cử quốc hội), cũng vẫn có cảm giác như vậy.

Lúc đó, cha không nói cho tôi về đường hướng đó. Vì thế cho nên tôi chẳng suy nghĩ rằng cha tham gia phong trào vận động xã hội như thế nào, và tại sao. Do đó, những chuyện hồi đó chỉ là suy đoán của tôi mà thôi, chứ suy nghĩ của cha lúc bấy giờ thế nào tôi cũng biết rõ.

Ngược lại, tôi vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm về những phản ứng rất mẫn cảm mà mẹ tôi và những người xung quanh biểu lộ. Cha mẹ thường xuyên bất hòa với nhau, không chỉ là việc mẹ không thích thú gì việc cha tham gia vào phong trào vận động xã hội mà dường như việc cha vứt bỏ công việc để chuyên chú vào hoạt động xã hội làm mẹ bực mình nhất. Thỉnh thoảng, bà con đến chơi, tôi lại nghe được những chuyện lo lắng về cuộc sống, và bà tôi (bà mới mất cách đây vài năm) cũng thường xuyên phàn nàn về cha.

Năm 1987, tôi vào năm thứ 2 trung học. Nếu nhìn vào tiểu sử của cha, tháng 1 năm đó cha tôi trương lên tấm biển hiệu Văn Phòng Tư Vấn Luật Lao Động, tập trung vào việc hành nghề luật sư chuyên về các vấn đề lao động. Rồi tiếp theo sau đó là các sự kiện lớn như vụ tranh tụng tháng Sáu, Tuyên bố 29 Tháng Sáu, Tổng đình công của công nhân toàn quốc, bầu cử tổng thống,…Đó là thời gian mà vì sự kiện ông Pak Choeng Chul và Il Han Neol, cuộc biểu tình quy mô lớn tháng Sáu tiếp diễn, cha không lúc nào về nhà cả, mẹ chỉ biết nắm tay em gái tôi, nước mắt rơi lã chã, đi vòng quanh các phố để tìm cha tôi.

Lúc đó xem tin tức thời sự trên TV thì số người tham gia biểu tình trên đường phố rất nhiều, bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy quanh cảnh lúc đó thật là hùng vĩ. Nghĩ rằng cha đang ở đâu đó trong đám đông kia, đang cầm loa diễn thuyết, tôi chợt muốn lao ra phố để tận mắt thấy tình hình. Nếu mẹ mà không trừng mắt tức giận thì chắc chắn là tôi đã ba chân bốn cẳng chạy ra xem rồi.

Sau Tuyên bố ngày 29 tháng Sáu, cuộc biểu tình trở nên lắng dịu đôi chút. Thế nhưng ngay sau đó là bắt đầu một chuỗi ngày dài cha không trở về nhà. Sau này tôi mới biết là lúc đó cha đã đến nơi nổ ra vụ bãi công của công nhân nhà máy đóng tàu Daewoo. Hình ảnh một tay cầm micro đang nhiệt tình diễn thuyết của cha tôi thường xuyên được đưa lên TV, nhưng vì người ta không đưa tiếng nên tôi không biết được cha đã nói gì. Dù sao chăng nữa, sau vài lần diễn ra như vậy, đến một hôm truyền hình đưa tin cha đã bị bắt giam. Lúc đó, bà nội và mấy người bà con tập trung đến nhà tôi để theo dõi bản tin lúc 9 giờ. Tôi nhớ là ngay sau khi nghe tin được phát trên đài truyền thanh, tất cả mọi người đang xem TV đều bật thét lên.

Vấn đề là lúc đó tôi không hiểu chính xác bị bắt giam có nghĩa là gì. Là một việc gì đó khủng khiếp lắm nhưng tôi không hề có cảm giác là cha bị bắt đưa đi đến nhà tù. Một vài ngày sau đó, mẹ dẫn tôi và em gái mang thức ăn đến tiếp tế cho cha tôi tại nhà giam. Dù nhìn thấy cha trong bộ quần áo tù nhân nhưng tôi chỉ cảm thấy có một điều gì đó khác thường khó có thể nói ra thành lời mà không hề có cảm tưởng rằng việc cha bị vào tù là sự thực. Lúc đó vì cha nói với tôi “Cha không hề phạm tội gì cả, nên đừng có lo lắng quá” nên tôi cũng không thấy lo lắng gì cả. Tôi chỉ cảm thấy rằng, trước đây thỉnh thoảng cha cũng không về nhà, và hẳn là mấy ngày nữa cha sẽ về nhà, thay bộ quần áo khác, và lại đi tiếp mà thôi. Cũng hơi cảm thấy có điều gì đó không bình thường, nhưng tôi không hề cảm thấy lo lắng hay sợ hãi chút nào. Nhưng dù có như vậy, tôi vẫn nhớ rất sâu sắc ấn tượng về không khí của trại giam lúc đó. Bây giờ tôi vẫn nhớ rằng chỗ đó hơi tối, yên tĩnh, có gì đó giống như một bệnh viện, lại cũng giống như một nhà tang lễ. Sau đó hơn 20 ngày, cha được thả ra, và tôi nghĩ rằng người ta đã tuyên bố là cha vô tội. Nếu sinh hoạt hàng ngày có gì đó thay đổi so với trước kia, thì là xung quanh gia đình tôi luôn luôn có những cảnh sát mặc thường phục đi đi lại lại. Có lẽ là họ canh chừng sợ cha tôi trốn đi, nhưng cũng tốt một điều là nhờ đó mà gia đình tôi và các nhà hàng xóm không cần phải luôn luôn đóng cửa để đề phòng kẻ trộm nữa.

Cha cũng có lần nói rằng “Họ không phải là những người xấu, họ chỉ cố gắng thực hiện công việc được giao của mình mà thôi”, và tôi cũng như em gái thường xuyên bắt chuyện, chào hỏi hết sức thân thiện với họ mỗi khi đến trường hay tan học. Nếu bạn mà nghe được những chuyện đó thì có lẽ sẽ thấy rằng tôi chào hỏi lễ phép quá mức đối với những người cảnh sát đó. Nếu nghĩ rằng một đứa con trai mà lại đi nói chuyện thân thiện với những người đang định bắt cha mình thì ngay cả tôi cũng cảm thấy là có vẻ như hơi không bình thường.

Cũng có lần khi đi học về, tôi nhìn thấy cha tôi và những người cảnh sát đó đang ngồi vòng tròn trò chuyện gì đó trên bãi cỏ của khu nhà tập thể phía trước nhà tôi. Có lẽ hàng xóm láng giềng mà trông vào cảnh tượng đó thì sẽ thấy rất thú vị, nhưng nếu đứng từ vị trí của vị quan chức đã phái những người cảnh sát đó thì hẳn là ông ta sẽ làm cho đến nơi đến chốn. Còn đối với tôi, hình ảnh đó của cha thực sự là rất tuyệt vời. Về sau này khi được học một môn gọi là chính sách cảnh sát, khi được nghe giải thích là “đối với những tội phạm về tư tưởng thì phải cho vào biệt giam”, tự dưng tôi lại nhớ đến thời đó và không khỏi bật cười.

3. Cha trở thành một người nổi tiếng

Công việc của cha có thay đổi ra sao chăng nữa thì cuộc sống của tôi cũng không có gì thay đổi. Bị bắt giam theo điều luật cấm người thứ ba có mặt tại hiện trường cuộc đình công của công nhân nhà máy đóng tàu Daewoo, rồi được thả ra sau 20 ngày ngồi tù, đến tháng 12 sau khi cha nhận được lệnh đóng cửa văn phòng luật sư, cha được tổng thống tiền nhiệm Kim Young Sam mời tham gia chính giới. Vào thời điểm đó, cha phải đối mặt với rất nhiều sự kiện được cho bước ngoặt trong cuộc đời, còn tôi thì cứ học hết năm thứ 2 trung học là tiếp lên năm thứ 3 thôi.

Năm 1988, lúc đó tôi đang là học sinh năm thứ 3 trung học thì mùa xuân năm đó diễn ra cuộc tổng tuyển cử, cha trở thành ứng cử viên của khu bầu cử phía Đông Pusan. Tuyển cử thời đó diễn ra dưới bầu không khí không thể nói là ôn hòa được. Tại văn phòng bầu cử, luôn có những thanh gậy vuông hoặc gậy đánh bóng chày, thiết bị cứu hỏa nhằm đề phòng bất trắc, cha đi đâu cũng luôn có hai người vệ sĩ đi cùng. Cũng có người đã bị những người ủng hộ cho phe đối phương vây đánh đến chảy máu, thực tế con trai của luật sư Kim Gwang Il, người ra ứng cử ở khu bầu cử Trung đã bị bắt cóc. Mẹ tôi rất muốn có người bảo vệ tôi và em gái, nhưng cha chỉ nói vẻn vẹn một câu là không cần thiết, vậy là thôi. Thực ra, tôi nghĩ rằng vì tôi mà đi học cùng với một người vệ sĩ là một chuyện khó coi nên cha đã không cho làm như vậy.

Năm 1988, ngay sau khi cha trúng cử tại khu Đông Pusan trong kỳ tổng tuyển cử quốc hội lần thứ 13, mẹ tôi liền chuẩn bị cho việc cả nhà chuyển lên Seoul (đôi khi cũng có người cho rằng nghị sỹ trúng cử ở nơi nào thì phải sống ở nơi đó, nhưng thực tế điều đó rất khó). Từ đó trở về sau, cha trở thành một người nổi tiếng.

Tại lớp học của trường tôi mới chuyển đến có trang bị TV. Sau ngày quốc hội khai mạc, vì bị cuốn vào bầu không khí nóng bỏng của các cuộc tranh luận tại quốc hội, thày giáo, một người rất quan tâm đến chuyện đó, thường xuyên cho học sinh theo dõi các cuộc tranh luận tại quốc hội ngay trong giờ học. Có một hôm, cả lớp chúng tôi đang theo dõi kỳ họp trong giờ học, thì cha tôi xuất hiện trên TV. Vào đúng khoảng khắc đó, chẳng nói chẳng rằng, cả thày giáo và cả lớp đều dồn ánh mắt về phía tôi. Lúc đó tôi cảm thấy ngượng vô cùng!

Trong số các độc giả của bài viết này hẳn có nhiều người nhớ đến các cuộc tranh luận tại quốc hội, nhưng cũng có thể có nhiều người không được chứng kiến, nhưng dầu sao chăng nữa, từ cuộc tranh luận đó mà cha tôi trở nên rất nổi tiếng. Thực ra ngay cả đến bây giờ, mọi người trong gia đình tôi vẫn thường nghĩ là nếu cha mà không trở nên nổi tiếng thì sao nhỉ? Đúng là từ khi cha tôi thành người nổi tiếng, gia đình tôi ngày càng gặp nhiều chuyện phiền phức nhưng đó chỉ là một chuyện không đáng kể, và để vượt qua được nó cũng không cần một sự huấn luyện đáng kể nào.

Sau khi cha tôi trở thành người nổi tiếng, tôi cho rằng mình cảm nhận được tác dụng phụ của điều đó một cách rõ ràng nhất là vào khoảng tháng 12 năm 1988. Lúc đó cha đang diễn thuyết trước công đoàn của nhà máy công nghiệp nặng Hyundai tại Ulsan, trên các tin đưa ở báo chí có những câu diễn thuyết như là “Nếu có hai mươi người như tôi, có thể làm lay chuyển cả quốc hội” hay “Tôi có thể trúng cử dù có ra ứng cử tại bất cứ đâu trên đất nước Đại Hàn Dân Quốc này”. Khi bài báo này gặp vấn đề, tôi được ngồi cạnh xem cha tôi cùng với một số người trợ lý mấy lần kiểm tra lại băng ghi âm xem cha tôi có phát ngôn những điều như vậy không. Nội dung cha nói lúc đó là “Nếu có thể đưa 20 đại biểu của giới công nhân vào quốc hội, thì có lẽ tôi cũng cảm thấy thoải mái dễ chịu phần nào” và “(tại khu bầu cử Đông Ulsan này) Xin hãy bầu cho một người là đại diện cho giới lao động. Nếu như tôi dù có đi bất cứ nơi nào khác thì đó chẳng phải cũng là một điều tốt hay sao?”.

Hãy tạm gác chuyện cha tôi đã nói những gì, hay tại sao báo chí lại đưa những tin đầy ác ý như vậy, điều phiền phức là gia đình tôi đã nhận được vô số các cú điện thoại hăm dọa. Lúc đó tôi đang đứng trước kỳ thi vào trung học, vì cũng giống như những người khác ở tuổi 16, tức là một thời điểm rất nhạy cảm, nên quả thực là tôi đã không thể nào chịu đựng được những cú điện thoại kiểu như thế. Tôi hoàn toàn không phải là người có thể nhẫn nhục chịu đựng những cú điện thoại nặc danh chửi rủa cha mình. Phần lớn các cú điện thoại vừa định chửi bới là tôi dập ngay lập tức, tôi hết sức tức giận và khóc nức nở. Thô bạo hơn cả là những người với giọng điệu cực kỳ mềm dẻo, nói chuyển điện thoại cho cha tôi, tôi vừa trả lời một cách hết sức nghiêm túc là lúc này cha không có nhà, họ liền tuôn ra một tràng những từ bẩn thỉu không thể kể ra đây được.

Bởi vì chuyện đó, nên gia đình tôi cố gắng tránh không nghe điện thoại, và đến tận bây giờ vẫn ghét sử dụng điện thoại, dù có điện thoại gọi tới mọi người cũng nhìn nhau ngầm nhắc rằng không ra nhấc máy. Cũng vì them chuyện đó mà tôi trở nên không có cảm tình với báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Tất nhiên, thời gian gần đây tất cả mọi người trong gia đình đã có thể miễn dịch được, nên dù chuyện có khá ầm ĩ chăng nữa thì cũng chẳng ai lấy làm ngạc nhiên cả, nhưng quả là nghĩ lại thời gian đó, mọi chuyện cứ giống như một giấc mơ (?!) vậy.

4. Người cha không vào hang cọp

Đã có rất nhiều sự kiện xảy ra kể từ khi cha tôi trở thành một ngôi sao trên diễn đàn tranh luận tại quốc hội. Báo chí hay đưa tin về những vấn đề như là từ chức nghị sĩ quốc hội, hay là sự kiện cha tôi ném thẻ tên nghị sĩ,… Những lúc như vậy, ở trường tôi thường nhận được những ánh mắt thiện cảm của những người xung quanh. Mọi người thường không biết được rằng phần lớn những chuyện có liên quan đến cha tôi biết được là nhờ báo chí hay các phương tiện truyền thông đại chúng, chứ không thể được nghe trực tiếp từ cha. Bởi vì ngay cả đến bây giờ hầu như cha cũng không kể về các sự kiện đó nên bao giờ những người trong gia đình chúng tôi cũng biết chuyện về cha chậm hơn những người khác.

Vào năm 1990, khi tổng thống tiền nhiệm Kim Young Sam tuyên bố “Không vào hang cọp không bắt được cọp con” và thúc đẩy sự thống nhất 3 đảng, cha tôi phản đối rất kịch liệt, rốt cuộc cha cùng với vài người khác lựa chọn việc ở lại. Trong chương trình “Thời đại Kim (Young) Sam” vừa được phát trên truyền hình, tôi được trông thấy hình dáng của cha đang phản đối việc thống nhất 3 đảng, quả tình là cha đã cười một cách khổ sở. Dù cha có lớn tiếng phản đối “Không có sự bàn bạc nào hết, không có thỏa thuận nào cả…”, tôi không nghe rõ phần sau, nhưng ông đã bị vài người ở phía sau túm lại, kéo về phía sau.

Tôi nhớ là trên thực tế thì vào thời điểm thống nhất ba đảng sự tình khác phần lớn các sự kiện xảy ra trước đó, không có những ý kiến bất đồng nào của mẹ tôi cả. Thực ra trước đó, có nhiều chuyện giữa làm cho mẹ tôi không đồng ý với cha. Thế nhưng trong sự kiện thống nhất ba đảng thì cả cha và mẹ tôi đều không nói gì và để cho mọi chuyện diễn ra một cách bình lặng. Thời gian gần đây mẹ tôi có nói thế này “Nếu có làm gì đi chăng nữa thì cũng đâu có thể thay đổi được cha con đâu”

Sau khi ba đảng thống nhất, năm 1992 tôi vào đại học, cũng là năm cha thất bại trong cuộc tổng tuyển cử quốc hội, rồi sau đó liên tiếp thất bại tại cuộc bầu cử thị trưởng thành phố Pusan, và cả bầu cử ở khu Juro (thủ đô Seoul). Suốt từ đó cho đến năm 1998, lúc thắng cử tại cuộc bầu cử bổ sung của khu Juro, trong vòng 7 năm, cha hoạt động ngoài quốc hội. Thời gian gần đây, xung quanh việc ra ứng cử tại khu Giang Tây thành phố Pusan, cha có vẻ hối tiếc với những người xấu (ra ứng cử) với ý đồ chính trị. Tất nhiên, không phải ra ứng cử ở Pusan mà không có mục tiêu chính trị, nhưng một người mà trong 7 năm liền không thể vào được quốc hội thì cũng đã có những lúc tôi muốn hỏi xem là có phải chỉ vì thế mà thực lòng nghĩ đến việc ra đua tranh ở một nơi tử địa như thế không?

Bất kể là mọi chuyện ra sao chăng nữa, tháng 3 năm 1993 tôi vào quân đội. Tôi cũng sợ phải nhập ngũ nhưng tôi chưa bao giờ có những ý nghĩ như là dù không đi cũng chẳng sao hay là có thể được đến những nơi thú vị cả. Kiểm tra sức khỏe tôi vừa vặn trúng tuyển. Chán việc học hành ở trường đại học, rồi lại có nhiều chuyện buồn phiền nên vào năm thứ nhất tôi đã nộp đơn xin nhập ngũ trước những người khác, vừa uống rượu vừa chờ đợi thì vào tháng ba giấy gọi nhập ngũ đến, thế là tôi vào đoàn bộ binh đóng ở Chun Cheong.

Sau khi kết thúc khóa huấn luyện binh sĩ mới, tôi đang chờ cơ hội được phân vào trung đoàn thì tôi nghe phong thanh có tin là những người tiểu đội trưởng không muốn tiếp nhận tôi. Mặc dù cha là người nổi tiếng nhưng lại không có sự nhờ vả gì đặc biệt, nên họ nghĩ rẳng nếu xảy ra sự việc gì thì thật là đáng sợ, nên hình như ai cũng có muốn tránh tôi. Cuối cùng thì tiểu đội trưởng pháo binh cũng nhận tôi, và thế là tôi đảm nhận khẩu pháo cự ly 60 m, và bắt đầu cuộc sống binh nghiệp thực sự. Về sau này tôi mới hiểu, vì rằng vào lúc đó tiểu đội trưởng có ý định chuẩn bị giải ngũ, vả lại nhiệm kỳ của cả trung đội trưởng và đại đội trưởng cũng không còn kéo dài lâu nữa, sắp chuyển sang đơn vị khác, tiểu đoàn trưởng cũng là người khác. Sự việc của tôi được giải quyết thế nào thì lúc đó rốt cuộc tôi cũng hiểu ra.

Thời gian ở trong quân đội là lúc mà tôi có nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ về chuyện lúc nào cũng hành quân tại đơn vị được cho là hành quân nhiều nhất. Hành quân cả ngày lẫn đêm, hành quân cả những lúc trời mưa hay lúc tuyểt rơi. Bởi vì thường xuyên đi quanh những ngọn núi bao quanh sông Chon Cheong, cho nên ngay đến cả bây giờ tôi cũng không đi tới các ngọn núi nữa. Tôi nhớ ngay từ buổi huấn luyện hành quân đầu tiên đã bị hứng chịu trời mưa, mặc dù khi ngủ tôi vẫn ngủ, nhưng sau khi đầu óc lúc nào cũng căng thẳng đến mức bực mình tôi ngủ luôn. Nếu là một chàng trai đã vào quân đội, chắc là ai cũng như tôi, tức là có thể viết những chuyện trong quân ngũ thành tiểu thuyết nhiều tập, nhưng có vẻ như nếu cứ để nguyên thế thì hay hơn.

Chẳng có chuyện gì đặc biệt cả, không thể nói là tôi đã sống thời gian trong quân đội một cách tốt đẹp, dù có thường xuyên bị nói xấu, nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chấp nhận được, dầu sao chăng nữa tôi cũng đã có thể đón ngày giải ngũ một cách bình thường như những người khác. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến những người cùng trong tiểu đội, những người đã đối xử với tôi rất tốt. Đặc biệt là với những người nhập ngũ trước, chẳng hạn nghĩ rằng chẳng mấy chốc tôi sẽ chuyển sang chỗ nhẹ nhàng hơn, nên ban đầu ít nhiều có đối xử lạnh nhạt với tôi nhưng cùng sinh hoạt với nhau dần dần mọi chuyện cũng tốt đẹp hơn. Có phải vì tôi không thì không biết nhưng trong tiểu đội của tôi hầu như không có những chuyện bạo lực. Theo kinh nghiệm của tôi, để có thể trừ bỏ được vấn đề bạo lực trong quân đội, nên chăng gửi con trai của những người hơi nổi tiếng một chút vào các tiểu đội?

Trong thời gian tôi ở trong quân đội, cha chỉ đến gặp tôi duy nhất một lần. Đó đúng vào ngày diễn ra lễ hoàn thành khóa huấn luyện binh sĩ mới. Từ hôm đó về sau, cha không lần nào đến gặp tôi, hay thậm chí là viết thư cho tôi. Nếu cha không làm như vậy, thì chắc hẳn là đơn vị sẽ cảm thấy phải có trách nhiệm đối với tôi cũng nên.

Thay vào đó, tôi vẫn còn nhớ là trước khi tôi nhập ngũ, cha đã nói rất nhiều chuyện với tôi, đến bây giờ có những chuyện đã trở thành châm ngôn đối với tôi. “Đồng tiền luôn luôn có hai mặt. Bây giờ con vào quân đội có vẻ là lãng phí thời gian, phải nhận những công việc mà mình không thích, nhưng nhất định không phải toàn là chuyện không tốt. Rốt cuộc, vì tất cả mọi chuyện trong thế gian này đều có cả mặt tốt và mặt xấu, nên con phải vui vẻ mà vượt qua những điều không thể tránh khỏi”.

5. Người cha hướng tới chức tổng thống

Trong thời gian tôi ở trong quân đội là lúc cha tôi đang nếm trải vị đắng sau cuộc bầu cử thị trưởng thành phố Pusan. Sau mấy lần thất cử, cha có ý định mở lại văn phòng luật sư, nhưng có vẻ như là với thời gian 10 năm gác bỏ công việc luật sư, công việc không hoàn toàn là điều đơn giản. Tôi giải ngũ vào tháng 5 năm 1995, thì vào năm 1996, cha giương cao lá cờ của đảng Dân chủ mini, ra ứng cử nhưng lại thất bại ở khu vực bầu cử Chon no. Năm 1997 chuyển nhà đến sống ở khu Chon No, dường như cha tôi có ý định cắm rễ ở khu Chon No. Mặc dù đúng là cha tôi đã hoạt động chính trị trong một thời gian dài, nhưng thời gian làm nghị sĩ chưa được lâu, cả ở Pusan và Seoul, không đâu có vẻ là nơi cha kiểm soát được nên cha đã dành được sự yêu mến mạnh mẽ ở khu Chon No.

Tại cuộc bầu cử bổ sung của khu vực Chon No vào năm 1998, một lần nữa cha tôi bước vào quốc hội. Sau một thời gian ngắn sống cuộc sống nghị sĩ, bất chấp tất cả, vâng, tất cả những sự phản đối cha tôi đã tuyên bố rằng muốn ra ứng cử ở Pusan. Cả gia đình và những người trợ tá đều phản đối, bạn bè và nhóm ủng hộ cũng phản đối, đảng cũng không tán thành, cha vẫn nói rằng sẽ đi Pusan. Tại sao lại như vậy, đến bây giờ tôi vần nhớ rất rõ những chuyện xảy ra lúc đó.

Tôi cứ thử suy đoán, dường như từ cục diện của kỳ bầu cử tổng thống năm 1997 mà cha tôi quyết định đi Pusan. Một sự kiện chính trị không thể hiểu được đối với cha tôi là sự thống nhất 3 đảng, nhưng đến kỳ bầu cử tổng thống năm 2002, được dự đoán là những người hưởng lợi từ sự thống nhất 3 đảng sẽ đấu tranh nhằm giành quyền lực. Nếu như những người theo việc thống nhất 3 đảng mà thành công hơn những người không theo như cha tôi, thì tôi nghĩ rằng ngay cả chính trị và cả lịch sử nữa cũng bị thay đổi như việc thống nhất 3 đảng. Vì thế, giả sử cha tôi nếu có trúng cử ở Pusan dường như cha cho rằng ít nhất thì cũng có thể tạo được cục diện “Những người hưởng lợi từ việc thống nhất 3 đảng” và “Những người phản đối việc thống nhất 3 đảng”. Thế nhưng, thật đáng tiếc là cả việc đó cũng gặp thất bại.

Sau khi cha tôi thất bại trong cuộc bầu cử ở Pusan, có lần tôi cùng một người bạn than uống rượu tại một quán ăn Trung Hoa. Đó là một người bạn từ hồi học trung học năm thứ 2 xuất thân từ Kyon San Doo, khi được hỏi tại sao vào lúc thống nhất 3 đảng, cha tôi không theo đường lối của cựu tổng thống Kim Young Sam, lại theo tổng thống Kim Dae Jung, tôi đã hết sức sửng sốt. Ngay cả đến bây giờ cha vẫn nhất định không theo những người thuộc chính quyền đã tra tấn con người, nhưng có vẻ như lúc đó những niềm tin đã không còn mang ý nghĩa gì nữa cả.

Khi gặp gỡ mọi người, tôi thường hay dấu cha mình là người như thế nào, cũng bởi vì những người xung quanh phần lớn không mấy quan tâm đến chuyện chính trị, nên tự nhiên nói đến chuyện cuộc đời. Đúng là tôi thường nghe người ta nói xấu về các nhà chính trị,và dù nói xấu cả cha tôi nhưng tôi thường tỏ ra không biết. Tôi thường nhận thấy người ta không hay phủ định việc thống nhất 3 đảng. Dù có nói rằng tình cảm địa phương là căn bệnh mất nước, nhưng dầu sao chăng nữa có rất nhiều người tiếp nhận những tình cảm địa phương đó như là một lẽ tất nhiên. Nghĩ rằng việc cha tôi thay đổi quan điểm về việc thống nhất 3 đảng như là tiếng sét giữa trời quang nhất định không thể tha thứ được, hay trợ giúp cho tình cảm địa phương nhưng trong con mắt của những người bình thường vẫn biểu hiện một dáng vẻ tuyệt đẹp giống như một cú nhảy lên ném rổ của các vận động viên bóng rổ. Tôi không hiểu vì sao mọi người thường nhìn các nhà chính trị như những vận động viên nhưng là con trai, tôi thực sự nghĩ rằng đáng tiếc cho cha.

Bất kể ra sao chăng nữa, dù trong bầu không khí nhất định thắng lợi thì cha lại thất bại trong kỳ bầu cử ở khu Giang Tây thành phố Pusan, cha lại một lần nữa không thể trở thành nghị sĩ quốc hội. Khác với những thất bại ở các kỳ bầu cử trước, lần này cha có vẻ rất thất vọng, sự căng thẳng của mẹ, em gái và tôi cũng tăng lên. Khi cả gia đình đang dọn dẹp sau kỳ bầu cử ở Pusan, tôi đã một mình lên Seoul trước, và do đó tôi đã trông thấy một số lượng lớn khủng khiếp thư từ đến homepage của cha tôi. Quả là lúc đó tôi đã bật khóc, tôi cũng chẳng biết từ lúc nào nữa, viết lên tấm bảng thông báo để chờ hồi âm.

Tôi biết chính xác là sau khi cha tôi thất cử, một cuộc vận động mang tính tự phát có tên là Nosamo đã ra đời. Thực tế là cha tôi có rất nhiều chuyện muốn nói về Nosamo. Từ khi hoạt động chính trị đến nay, hình như cha bắt đầu cảm thấy vui sướng, được yêu mến là bắt đầu từ Nosamo. Cứ mỗi lần có sự vụ hay công việc gì là các hoạt động của Nosamo lại bùng phát, cứ mỗi lần như thế, khi nào cha về nhà là thực lòng muốn nói lời cám ơn các bạn. Những lúc như vậy thì một người chẳng mấy giúp đỡ gì được cha mình cảm thấy rất áy náy. Nhưng cũng không thể thế nào được vì cha cứ cười tôi bảo rằng chỉ cần con yên lặng theo dõi đã là giúp đỡ cha rồi.

Khi cha tôi nhậm chức bộ trưởng bộ Thủy sản - Đại dương vào tháng 8 năm 2000, người vui sướng nhất là mẹ tôi. Theo lời của mẹ thì cha tôi đã từng nói với mẹ rằng kể từ sau khi thi đỗ kỳ thi tư pháp cha mới có dịp vui như thế. Mẹ tôi nói rằng từ xưa tới nay, mẹ chỉ mong mỏi cha trở thành quan chức, nên khi cha bỏ công việc chánh án để chuyển sang làm luật sư, mẹ đã phản đối kịch liệt. Chỉ có một công việc quan chức mà mẹ không hề mong đợi, đó là chức tổng thống. Dù cha biết rằng phải là chỗ dựa cho mẹ nhưng cũng đã nhiều lần cha không làm theo những mong mỏi của mẹ.

Dầu sao chăng nữa, khi suy nghĩ về thời gian làm bộ trưởng, tôi cảm thấy có vẻ như cha rất có hứng thú với công việc. Cha làm việc bận đến nỗi hầu như chúng tôi không có lần nào được gặp cha. Thỉnh thoảng trên báo chí có đăng những bài viết nói về cha kiểu như rằng cha quan tâm đến những vấn đề mang tính chính trị, hay là cha đang chịu đựng công việc của một bộ trưởng chẳng hạn, thì cha thường biểu lộ những phản ứng hoàn toàn không thể lý giải nổi. Nếu nhìn từ chuyện là sau khi cha từ chức bộ trưởng, cha rất hay nói một cách tự hào với tôi là trong thời gian làm bộ trưởng, cha đã thực sự cố gắng hết sức mình (những chuyện mà cha hay kể đầy tự hào như vậy là rất hiếm hoi) thì có thể hiểu được rằng là cha tôi không thể chấp nhận được những bài báo kiểu như vậy.

Từ sau khi cha từ chức bộ trưởng, ngoài vụ những bài báo đó ra hầu như tôi cũng không nhớ chuyện gì đáng kể xảy ra cả. Chỉ cần là một người có quan tâm đến chuyện chính trị một chút thôi, thì có lẽ sẽ hiểu được rõ ràng, nhưng ngoài chuyện nỗ lực để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử bổ sung, thì cũng không có chuyện gì đặc biệt cả. Từ trước tới nay, trong gia đình tôi rất ít khi nói đến chuyện chính trị, mà dù có khi nào nói đến chăng nữa, thì chuyện người trong gia đình cũng không có gì khác với chuyện của người khác cả, tức là rất hiếm những chuyện chỉ riêng mình tôi biết, hay là các gì đó gọi là bí mật cả.

Tôi viết bài này vào thời điểm tháng 1 năm 2002. Vài ngày trước đó người ta đã xác định được phương thức của cuộc bầu cử dự bị đảng Dân Chủ, tôi đã đọc trên báo tin là sẽ thực hiện triệt để thể chế bầu cử dự bị. Lần này cha có giành thắng lợi trong cuộc bầu cử dự bị không, và nếu giả sử có qua được cuộc bầu cử này thì có thể chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống hay không, tôi hoàn toàn không thể biết được. Tôi chỉ hy vọng rằng cha sẽ làm tốt công việc hiện tại, tôi cũng hơi là nếu như kết quả không tốt, thì sau đó cha sẽ làm gì đây.

Thực ra, khi tôi được yêu cầu viết bài này, ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi là, đây là một việc quá sức. Hoặc là, vì lý do chính trị gì đó cha bảo tôi viết bài này, tôi lại lo rằng mình có hiểu sai điều gì đó không. Thế nhưng, lý do tôi viết bài này, chẳng phải vì là con trai của một nhà chính trị nào đó cả, chỉ là một người con trai kính trọng và tự hào về người cha mình nên thử viết những chuyện về cha mình mà thôi.

Tôi vốn viết văn kém, trí nhớ lại cũng chẳng được bao nhiêu, thử viết chuyện này chuyện kia, những chuyện viết được chưa ra đâu vào đâu, mà có vẻ như đã hết chuyện để nói rồi. Giả sử rằng câu chuyện này có chỗ nào đó gây hiểu lầm, hay là đã mạo muội, tôi hiểu rõ rằng đó là lỗi của tôi. Và thành thật xin được thứ lỗi trước vì những điều đó. Xin mọi người hãy rộng lượng hiểu cho và tha thứ cho tôi.

Tiểu sử của Roh Moo Hyun

1946: Sinh tại Kinkai, Sinei (ngoại ô Pusan)

1959: Tốt nghiệp tiểu học Taisho (Kinkai, Sinei)

1963: Tốt nghiệp trung học(tương đương với Trung học cơ sở của VN) Kinkai, Sinei

1966: Tốt nghiệp cao đẳng thương nghiệp

1968: Gia nhập quân đội

1971: Hoàn thành nghĩa vụ quân sự

1975: Thi đỗ kỳ thi sát hạch tư pháp lần thứ 17

1977: Nhậm chức thẩm phán toà án địa phương Taida

1978: Từ chức thẩm phán, mở văn phòng luật sư

1981: Qua việc bào chữa trong sự kiện Pusan, sau đó hoạt động với vai trò là luật sư của phong trào nhân quyền

1985: Nhậm chức ủy viên thường vụ Hiệp hội Dân chủ nhân dân thành phố Pusan

1987: Ủy viên chấp hành thường vụ vùng phân khu Pusan của Cuộc vận động nhân dân đấu tranh cho Hiến pháp Dân chủ

1988: Trúng cử nghị sĩ quốc hội khóa 13 (khu Đông Pusan)

1988: Ủy viên của Ủy ban điều tra các hoạt động không trong sạch của nền cộng hòa thứ 5.

Trở thành một ngôi sao tại diễn đàn tranh luận quốc hội

1990: Khi đảng Tự do dân chủ ra đời, phản đối sự thành lập đảng đó, thành lập nên Đảng Dân chủ

1992: Thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 14

1993: Ủy viên tối cao Đảng Dân chủ thống nhất (người ít tuổi nhất)

1993: Thành lập tổ chức xã hội có tên là văn phòng nghiên cứu các vấn đề địa phương

1997: Phó chủ tịch Hội nghị chính trị nhân dân mới (Chủ tịch là Kim Dae Jung)

1998: Thắng cử tại cuộc bầu cử quốc hội bổ sung (khu Chonno thành phố Seoul)

2000: Thất bại trong cuộc bầu cử nghị sĩ quốc hội khóa 15 tại Pusan

2000: Fan Club đầu tiên của giới chính trị được thành lập (Nosamo)

2000: Tháng 8, nhậm chức Bộ trưởng Bộ Thủy sản Hải dương

2001: Cố vấn thường vụ Đảng Dân chủ Thiên niên kỷ mới

2002: Tháng 4 Tranh cử vào vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Thiên niên kỉ mới

2002: Tháng 11 Đăng ký ứng cử viên tổng thống với tư cách là ứng cử viên của liên minh cầm quyền

Friday 22 May 2009

Nghị viện Anh

1. Ngày 7 tháng 3 năm 1695, Sir John Trevor (1637-1717), lúc đó là Chủ tịch Hạ viện Anh (Speaker of the House of Commons) bị cáo buộc nhận khoản hối lộ 1000 ghi-nê (trị giá tương đương với 2 triệu USD thời điểm 2009) từ chính quyền thành phố Luân Đôn để giúp thông qua một đạo luật có lợi cho thành phố này. Hành động đó được cho là "tội nghiêm trọng" và Sir Trevor đã phải từ chức và bị bãi miễn vị trí Nghị viên, dù cho lúc đầu ông phản đối với lý do sức khỏe kém (??). Tuy nhiên, số tiền nhận hối lộ đã không bị truy hồi.

2. Ngày 19 tháng 5 năm 2009, tức 314 năm sau, Hạ viện Anh (và toàn thể dân chúng) mới chứng kiến vị Chủ tịch đương nhiệm từ nhiệm. Michael Martin chỉ mất 33 giây để đọc bài diễn văn lịch sử: "Kể từ ngày tôi được bầu vào Hạ viện đến nay cách đây 30 năm, tôi luôn cảm thấy rằng Hạ viện chỉ hoạt động tốt nhất khi có sự đoàn kết. Để giữ gìn sự đoàn kết này, tôi quyết định rằng sẽ từ chức Chủ tịch Hạ viện vào ngày Chúa nhật 21 tháng 6 tới. Điều này sẽ cho phép Hạ viện tiến hành thủ tục bầu Chủ tịch mới vào ngày thứ Hai, 22 tháng 6. Đó là tất cả những điều tôi cần nói về việc này"

3. Nước Anh vẫn thường tự hào là nơi ra đời đầu tiên của chế độ Nghị viện. Năm 1066, dưới chế độ phong kiến của vua William xứ Normandy, mỗi khi luật được ban ra đều có sự tham vấn của hội đồng các lãnh chúa và giám mục. Năm 1215, hội đồng này đã có thực quyền hơn rất nhiều khi Vua John ban hành Đại Hiến chương nước Anh (aka Magna Carta), theo đó nhà vua không được thu bất kỳ loại thuế nào mà không có sự đồng thuận của hội đồng hoàng gia. Dần dà, hội đồng này phát triển thành Nghị viện (gồm Hạ viện và Nghị viện) như ngày nay.

4. Xin nhắc lại, Hiến pháp Mỹ ra đời năm 1787 và 2 năm sau, Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp ra đời năm 1789.

5. Năm 1989, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã mời Margaret Thatcher tham dự lễ kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp. Với phong cách quen thuộc, nữ Thủ tướng Anh đã tới Paris với thái độ thiếu khiêm tốn, chẳng coi ngày Bastille làm trọng.
Điểm chính của bài phát biểu của bà là nền dân chủ vương quốc Anh không dựa vào duy nhất một sự biến rung chuyển xã hội như sự kiện 1789. Nó được xây đắp từ những nền tảng vững chãi hơn rất nhiều nhờ vào sự thông thái và luật tục được tích lũy tự ngàn năm. Và là một nhà chính trị, bà đầm thép đã thừa khôn ngoan khi không nhắc gì đến một người có tên là Oliver Cromwell cả.

6. Michael Martin từ chức trong bối cảnh Hạ viện nước này đang nằm trong tâm điểm chỉ trích của công luận sau khi tờ báo Telegraph và một số báo khác đưa tin về sự tiêu xài lãng phí tiền thuế của người dân vào những mục đích cá nhân. Một số ông nghị bị lỗ nặng do đầu tư nhà cửa trước thời điểm khủng hoảng nên kê khai để được tăng trợ cấp. Một số ông/bà nghị nhận trợ cấp để mua tivi màn hình plasma. Bản thân Martin cũng kê khai khoản đâu đó hơn 1000 bảng tiền tài xế đưa đi đón về để xem bóng đá tại sân đội nhà Celtic. Nếu vào trang www.theyworkforyou.com người đóng thuế sẽ có được mọi thông tin về vị dân biểu của mình: tiểu sử chi tiết, ông/bà ta chi tiêu bao nhiêu, ông/bà ta đã bỏ phiếu thuận hay chống trong các dự luật thế nào, tất cả những phát ngôn của ông/bà ta tại nghị viện,...

7. Người dân Anh cũng đã bắt đầu đặt câu hỏi về sự chi tiêu của Nữ hoàng và Gia đình Hoàng gia. Bây giờ thì hai cậu ấm William và Henry tự ý đi ngoài phố chơi với bồ chưa chắc đã được an ninh bảo vệ vòng trong vòng ngoài như trước nữa. Phải cắt giảm chi tiêu thôi, biết sao giờ, độ tín nhiệm của ngân khố quốc gia còn mới bị S&P giảm từ "ổn định" xuống "tiêu cực" kia mà. Ở Thái Lan, một nước cựu bán thuộc địa của Anh có mô hình quân chủ lập hiến sao chép từ mẫu quốc thì hoàn toàn khác. Người ta có thể bị tống giam 20 năm nếu vẽ tranh biếm họa Đức Vua Bu-mi-bon A-đu-la-dệt. Margaret Thatcher có lẽ đúng...

8. Phillip Stephens, ký giả của tờ Thời báo Tài chính, đưa tin rằng: Ngay buổi tối một trong những ngày tệ hại nhất của lịch sử nghị viện Anh đó, người ta đã được nghe Chủ tịch Martin nói tại một hội từ thiện là "I'm happy to be going".

Tuesday 19 May 2009

A transatlantic love affair


Blog của bác Nguyên đầu bạc mới đăng loạt bài dịch các bức thư tình của Simone de Beauvoir gửi Nelson Algren hay quá làm mình nhảy ngay vào Amazon đặt mua cuốn này. Hì hì, 560 trang, giá 2.59 bảng cộng ship từ US 2.75 bảng nữa, nhưng chắc phải đợi 2 tuần mới nhận được sách.
----
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng Giêng 1947, khi Simone de Beauvoir (1908 - 1986), nữ văn sĩ Pháp nổi tiếng, vợ nhà triết học lớn Jean-Paul Sartre, đến Mỹ theo lời mời của một số trường đại học. Trong thời gian lưu lại ở Chicago, theo lời khuyên của một cô bạn người New York, bà đã có cuộc gặp nhà văn Nelson Algren (1909 - 1981). Ông đã dẫn bà đi thăm khắp thành phố, chỉ cho bà thấy khu "dưới đáy" của Chicago, đến thăm khu phố Ba Lan, nơi ông lớn lên. Chiều ngày hôm sau bà rời đi Los Angeles, nhưng trái tim đã để lại Chicago. Họ yêu nhau nồng nàn, say đắm, nhưng không được sống bên nhau, bởi rời Chicago cuộc đời Algren mất hết ý nghĩa, cũng như Simone không thể từ bỏ Paris. Suốt mười bảy năm (1947 -1964), ngoài những lần gặp gỡ hiếm hoi, mối tình xuyên Đại Tây dương của họ chở nặng trên những cánh thư. Cuộc tình chấm dứt khi cuốn hồi ký "Sức mạnh đồ vật" của Simone de Beauvoir ra đời (1963). "Em hy vọng anh sẽ hài lòng với những trang viết về anh, em đã đặt vào đấy tất cả trái tim mình" - bà viết cho Algren. Nhưng phản ứng của nhà văn Mỹ thật bất ngờ, gay gắt. Ông đã xỉ vả thậm tệ cuốn sách trên báo chí và cho đến tận lúc chết cũng không có ý định nối lại mối quan hệ bị gián đoạn với nữ văn sĩ Pháp. Ông mất trong cảnh cô độc tại nhà riêng của mình ở Chicago, không có ai bên cạnh lo việc tang ma. Sau khi Algren mất, Simone sửng sốt khi được biết rằng mặc dù nguyền rủa bà công khai như vậy, nhưng ông vẫn cất giữ các bức thư của bà. Chúng đã được đem bán đấu giá và một trường đại học ở bang Ohio đã được quyền sở hữu. ít lâu sau họ xin phép bà cho công bố các bức thư đó. Vị tất khi được viết ra chúng đã nhằm để công bố, bởi chúng mang đầy những lời bộc bạch rất riêng tư. Nhưng đối với Simone de Beauvoir sự tự khám phá bản thân, thậm chí có gây xốc chăng nữa, vẫn là một trong những phương châm có tính nguyên tắc: nhà văn khi kể về mình cũng là giúp cho sự tự nhận thức của nhân loại, nhà văn không thể có điều gì bí mật che giấu người đương thời và hậu thế. Bà cho phép công bố với điều kiện là tự bà chuẩn bị các bức thư đem in và dịch chúng sang tiếng Pháp. Năm 1986 Simone de Beauvoir mất, chưa kịp hoàn thành công việc này. Con gái bà là Sylvi Le Bone de Beauvoir đã làm tiếp phần việc dở dang của mẹ và cho ra mắt cuốn sách "Lettres à Nelson Algren. Un amour transatlantique" ("Thư gửi Nelson Algren. Mối tình xuyên Đại Tây dương") tại Pháp năm 1997. Trong mười bảy năm, Simone de Beauvoir đã gửi cho Nelson Algren tất cả 304 bức thư. Dưới đây tôi trích dịch một số.

Mời đọc tiếp ở blog của bác Nguyên:

Friday 15 May 2009

VAMA

Chưa đầy hai tuần sau khi các số liệu về tình hình bán hàng của tháng 4/2009 được công bố, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất xin hoãn thuế tiêu thụ đặc biệt đến hết năm với lý do doanh số của dòng xe SUV sụt giảm mạnh. Theo tin báo đưa, công văn này được gửi đi khắp nơi, từ UBTV Quốc hội, Thủ tướng, các Bộ liên quan (Tài chính – Công thương) và HĐND TP HN, HCM. VAMA còn kiến nghị là nếu đến hết năm, thị trường chưa phục hồi thì tiếp tục hoãn đến khi tình hình sáng sủa hơn. Funny vãi.

Có thể nói VAMA là nhóm lợi ích được tổ chức bài bản cả về chiến lược và chiến thuật nhất hiện nay. Thị trường ô tô Việt Nam là một trường hợp méo mó điển hình khi các nhà sản xuất được bảo hộ bằng tầng tầng lớp lớp thuế quan và nhiều chính sách ưu đãi. Đổi lại thì những lời hứa hẹn về một ngành công nghiệp ô tô nội địa với tỷ lệ nội địa hóa x% (x=30% tới năm 2001, 2002 gì đó và x=60% tới năm 2010) không bao giờ thành hiện thực. Tệ hơn nữa là giá xe bị một nhóm oligopoly bắt tay nhau thông đồng. Hãy nhớ lại khi Honda có kế hoạch đặt giá vừa phải khi tham gia thị trường với xe Civic đã bị oánh hội đồng như thế nào (nhưng bây giờ thì Honda lại là một trong những chú tham gia nhiệt tình nhất trong nhóm, xem thêm ở đây, blog của VAMA). Lợi nhuận siêu ngạch được chuyển về chính quốc thông qua trò chuyển giá, còn phần thiệt hại thì người tiêu dùng và xã hội chịu.

Ước mơ có một ngành công nghiệp ô tô là đáng quý và cần thiết (hãy xem chính quyền Obama hay Merkel đã dành bao nhiêu thời gian và tiền đóng thuế của nhân dân để cứu giúp ngành này thì rõ). Ai chả được quyền mơ. Bảo hộ là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải tạo động lực và không gian để những doanh nghiệp được bảo hộ cạnh tranh với nhau và cạnh tranh được ở tầm quốc tế, đến khi nó tạm đủ sức thì phải vứt nó ra gió để tự tồn tại. Chính vì không có sự cạnh tranh cần thiết nên tập đoàn lợi ích này chỉ chăm chăm lắp ráp từ phụ tùng nhập ngoại để bán được cái nào hay cái đó (cũng phải nhắc tới nguyên nhân là chính sách thuế đối với ô tô của Việt Nam quá ư là hoành tráng, nửa năm có thay đổi lớn, một quý có vài thay đổi nhỏ làm cho bố thằng nào biết để lên kế hoạch kinh doanh sản xuất). Thế nên vài năm trước đây ở một công ty ô tô (miễn nêu tên nhưng hãng mẹ của nó là một trong 3 đại gia hàng đầu thế giới) còn có hoạt cảnh các bạn công nhân lắp ráp linh kiện được đặt trong mấy thùng bìa carton nham nhở.

Xin nhắc một câu chuyện mà Ha-joon Chang kể trong cuốn Các Mạnh Thường Quân tệ (Bad Samaritans) thế này. Ngày xửa ngày xưa, có một nhà sản xuất ô tô của một nước đang phát triển xuất khẩu lô xe con đầu tiên vào nước Mỹ. Tới ngày đó, cái công ty nhỏ đó chỉ mới làm ra những sản phẩm chất lượng kém nhái của các nước phát triển. Chiếc xe chẳng có gì phức tạp (có thể gọi là “bốn bánh cộng thêm cái gạt tàn”). Nhưng đó là thời điểm đáng để cho nước kia và công ty nọ tự hào.

Tiếc thay, sản phẩm đã thất bại thảm hại. Hầu hết người tiêu dùng Mỹ đều chẳng thèm đoái hoài bỏ tiền ra rước cái thứ sản phẩm hạng hai đó. Lô xe bị rút khỏi thị trường Mỹ. Và thất bại đó tạo nên một làn sóng tranh luận ở nước kia. Rất nhiều người lập luận rằng công ty nọ nên chú tâm vào ngành kinh doanh chính của nó là sản xuất máy dệt giản đơn. Tới thời điểm bấy giờ, mặt hàng xuất khẩu chính của nước kia vẫn là vải lụa kia mà. Sau 25 năm cố gắng sản xuất ra một cái ô tô ngon lành mà không thành công thì hẳn là sẽ chẳng có vị gì nữa trong tương lai. Chính phủ đã cấp cho nhà sản xuất ô tô mọi cơ hội để thành công. Nó đã được đảm bảo mức lợi nhuận cao ở trong nước bằng mọi hàng rào thuế quan và kiểm soát chặt chẽ đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp ô tô. Chỉ mới cách đó chưa đầy 10 năm, chính phủ còn rót tiền để cứu công ty nọ khỏi phá sản. Vì thế, những người lên tiếng chỉ trích cho rằng, cần cho xe ngoại được nhập thoải mái và các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, những người đã bị đá đít 20 năm trước, được mở lại nhà xưởng.

Những người khác không đồng ý như vậy. Họ lập luận rằng không có nước nào phát triển được mà không có các ngành công nghiệp “nghiêm túc” như sản xuất ô tô. Điều họ cần là thêm thời gian để sản xuất ra những chiếc xe có thể thuyết phục được mọi người.

Thời điểm đó là năm 1958, và tên nước đó là Nhật Bản. Công ty nọ tên là Toyota, và chiếc xe mang tên Toyopet. Toyota ban đầu vốn là một nhà sản xuất máy dệt (Toyoda Automatic Loom) và chuyển sang ngành công nghiệp ô tô từ năm 1933. Năm 1939, chính phủ Nhật đá đít General Motors và Ford. Năm 1949, Ngân hàng trung ương Nhật đã bảo lãnh Toyota khỏi phá sản. Ngày nay, ô tô Nhật là cái gì đó đồng nghĩa với cá hồi Scotland hay vang Pháp, nhưng chưa đầy nửa thế kỷ trước thôi, hầu hết mọi người, kể cả người Nhật, không tin vào sự tồn tại của nó.

Nửa thế kỷ sau cuộc tranh cãi về Toyopet, xe Lexus của Toyota trở thành một cái gì đó đồng nghĩa với toàn cầu hóa, nhờ cuốn sách gì mà của Friedman khi nhà báo này đến thăm nhà máy của Lexus. Trên đường về, Friedman tình cờ giở một trang báo nói về tình hình bất ổn ở Trung Đông và bất giác cảm thương cho những người giờ này vẫn còn choảng nhau xem ai là chủ của cái cây olive nào.

Theo Friedman, nước nào mà không thi hành gói chính sách gọi là Golden Straitjacket (giới academic gọi là Washington Concensus): tư nhân hóa các công ty nhà nước, giữ lạm phát thấp, giảm quy mô nhà nước, cân bằng ngân sách (nếu thặng dư được thì ngon), tự do hóa thương mại, nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài và thị trường vốn, thả nổi đồng tiền, giảm tham nhũng và tư nhân hóa các quỹ phúc lợi thì truyền kiếp vẫn chỉ đi hái olive mà đừng hòng có mơ ngồi Lexus. Friedman gói gọn lại thế này: “Unfortunately, this Goldenn Straitjactket is pretty much “one size fits all”...It is not always pretty or gentle or comfortable. But it’s here and it’s the only model on the rack this historical season.”

Nếu chính phủ Nhật mà nghe theo lời các nhà kinh tế gia theo chủ trương tự do thương mại hồi đầu thập niên 1960, thì họ không thể có xe Lexus và Toyota may ra thì bây giờ chỉ là nhà cung cấp phụ tùng cho các hãng xe Âu châu nếu không bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Nếu áp dụng công thức của Friedman, nước Nhật giờ cũng chỉ là nước công nghiệp hạng ba, cùng hạng với Chile, Argentina và Nam Phi (như thập kỷ 60), một nước mà năm 1964, khi Tổng lý Đại thần Hayato Ikeda (tức Thủ tướng) viếng thăm Pháp đã được Charles De Gaulle gọi là “gã tiếp thị đài bán dẫn”. (!!!)

Bảo hộ là tốt, nhưng bảo hộ để có một ngành công nghiệp của quốc gia, chứ không phải là bảo hộ để các công ty nước ngoài thu được lợi nhuận siêu ngạch từ người tiêu dùng và xã hội rồi để lại những nhà xưởng hoang tàn và mấy chú công nhân lắp ráp ốc vít khi họ rút ra khỏi thị trường.