Saturday, 9 December 2006

Vài suy nghĩ nhỏ về phát triển kinh tế

Mùa hè đỏ lửa năm 2002 tôi đã sống gần 1 tháng ở vùng miền cao giáp ranh giữa huyện Mỹ Đức – Hà Tây (xã An Phú) và tỉnh Hòa Bình, nơi phần đông dân cư là đồng bào dân tộc Mường, và cũng là địa phương có thu nhập bình quân thuộc loại thấp nhất cả nước, khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/năm (theo số liệu bác Bí thư xã ủy cung cấp). Thật trớ trêu khi tên xã lại trái ngược với sự cùng khổ của người dân nơi đây. Cứ nghĩ đến con số đó tôi lại thấy thật băn khoăn vì chính mình đã từng có nhiều bữa ăn uống có hóa đơn trên đầu người lớn hơn con số đó. Nhà tôi ở nhờ lại nằm ở thôn Bơ Môi thuộc loại nghèo nhất của xã. Một tháng sống trên vùng rừng thiêng nước độc này là một trong những quãng thời gian có ý nghĩa nhất đối với tôi khi tôi ở tuổi 20. Có ý nghĩa không phải vì tôi đã tận mắt nhìn thấy món lá ngón, và không phải cứ ăn lá ngón không là có thể tự kết liễu cuộc đời được, mà phải có chút rượu đưa đẩy. Rượu và lá ngón kết hợp với nhau sẽ xé tan ruột, gây mất máu trầm trọng, dẫn đến tử vong. Cũng không phải là do tôi đã biết được con gái Mường sử dụng bùa ngải để chài người mình yêu làm cho anh ta trở nên lú lẫn không còn tỉnh táo mà cứ lao vào cô ta như con thiêu thân trước ánh đèn. Càng không phải là những truyền thuyết và sự thật liên quan đến những ông thầy mo, thầy cúng. Chúng tôi đã góp phần nhỏ bé mang đến cho em nhỏ nơi đây những điều hoàn toàn mới mẻ với các em, dù thật bình thường đối với trẻ em thành thị. Chúng tôi đã cùng thanh niên xã cải tạo một số cơ sở hạ tầng như mương, điện, sửa sang nhà văn hóa,..., hướng dẫn bà con một số kiến thức nông nghiệp mà chúng tôi cũng chỉ vừa mới được đọc qua sách. Chúng tôi đã trao đổi với bà con xem nên làm gì để thoát nghèo, nên trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với thổ nhưỡng ở đây để có thể bán được ra thành phố, cách vay vốn ngân hàng, cách tính toán giá thành, chi phí, lợi nhuận, ... sao cho có hiệu quả. Thật ra, những việc chúng tôi làm hoàn toàn chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, không thay đổi được gì nhiều cuộc sống của bà con nhưng ngược lại, chúng tôi đã học được rất nhiều điều mà không một trường Đại học nào của Việt Nam dạy.


Hì hì, tự dưng chợt nhớ đến một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết đó nên tôi thử google search xem nơi mình đã từng trải nghiệm có hiện diện trên mạng lưới điện tử toàn cầu không thì thấy ấm lòng khi thấy 1 bài báo đăng trên website của Ủy Ban Dân Tộc nói về những đổi thay của xã An Phú trong vài năm gần đây:


http://www.cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=2880


(toàn văn bài viết xem trong phần comment)


 
Cũng nằm trong mạch suy nghĩ nhẩn nha, tôi lại nghĩ đến kết quả cuộc bình chọn 60 Years of Heroes của tuần báo Times xuất bản tại châu Âu hồi tháng trước. Trong số 17 người được phong Anh Hùng theo tiêu chí “Inspirations and Explorers” có Mẹ Theresa. Có lẽ những lời ca ngợi thêm nữa về vị nữ tu này là không cần thiết. Bà đã được Nhà thờ Công giáo phong Thánh ngay sau khi qua đời vì tấm lòng và những nỗ lực không mệt mỏi suốt đời vì người nghèo ở Ấn Độ và truyền “inspirations” cho những người đồng chí hướng hoạt động nhân đạo. Hình như ở cái xứ sở phát tích đạo Phật này thời nào cũng sản sinh ra những vị thánh, những con người mà tấm lòng từ bi bác ái của họ đã làm lay động triệu triệu trái tim có lương tri trên hành tinh này. Mahatma Gandhi là người như thế. Ông đấu tranh cho một nền độc lập của Ấn Độ khỏi thực dân Anh bằng chủ trương bất bạo động, bằng sự cảm hóa, bằng tuyệt thực, … Người cũng là một lãnh tụ thực thụ, nhưng nếu Người sống ở thời đại ngày nay, liệu những làn sóng toàn cầu hóa, sự chuyển dịch lao động, những lời hăm dọa bằng vũ khí nguyên tử, sự sụp đổ của hệ thống tài chính – thị trường chứng khoán, sự xung đột của các nền văn minh, có ai sẽ nghe theo Người để cất lên tiếng nói của mình bằng sự im lặng, sự hiền từ đức độ hay không? Tôi rất ngưỡng mộ Mẹ Theresa, Người đã bằng tấm lòng và uy tín của mình quyên góp từ các nhà hảo tâm giúp đỡ cho hàng trăm nghìn người nghèo bị gạt ra khỏi lề xã hội Ấn Độ và các nước kém phát triển khác. Người đã cho họ miếng bánh mỳ, tấm áo lành, đôi dép cho trẻ đến trường,… Người đã làm hết sức mình. Nhưng lại là chuyện con cá và chiếc cần câu. Thực lòng, những người tôi khâm phục hơn là nhà kinh tế Muhammad Yunus người Bangladesh (Giải Nobel Hòa bình 2006) với hệ thống tín dụng siêu nhỏ hỗ trợ tài chính cho người nghèo tìm cách làm ăn thoát cảnh đói nghèo; hay Nandan Nilekani, CEO Tập đoàn Infosys (Ấn Độ), người mà mỗi phát ngôn đều được chính phủ và giới doanh nhân Ấn Độ lắng nghe bởi ông chính là người đã định vị được hướng đi của đất nước này trong một Thế giới Phẳng qua nền công nghiệp Công nghệ thông tin. Đó là cách mà người Ấn Độ, sau hàng chục năm loay hoay với các chiến lược thay thế nhập khẩu hay Cách mạng xanh, vươn lên trở thành một back-office của thế giới Âu – Mỹ.


… Một trong những tranh luận thường xuyên của các nhà kinh tế và policy makers là nên phân bổ các nguồn lực như thế nào trong phát triển kinh tế. Phát triển đồng đều tất cả các vùng miền, nhóm dân số để đều đạt tốc độ phát triển như nhau, hay là tập trung phát triển một số vùng, một số nhóm để đủ lực vươn lên, cạnh tranh với thế giới, có sự phát triển ở mức cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, rồi phân phối lại thu nhập từ đó để đầu tư cho những nơi kém thuận lợi hơn. Thật là một bài toán khó, vì không thể chỉ đưa yếu tố kinh tế đơn thuần vào hàm số này được.


...Thôi, chủ đề này tạm thế đã. Lại một đợt gió mùa Đông Bắc nữa tràn về...Image

2 comments:

  1. Tiềm năng và thách thức ở một miền quê

    An Phú là xã dân tộc miền núi thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Mỹ Đức – Tỉnh Hà Tây với diện tích đất tự nhiên 2227 ha, trong đó diện tích đất canh tác gieo trồng hàng năm chỉ có trên 600 ha, có nhiều cánh đồng chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Với 1500 hộ/6938 khẩu, chủ yếu là dân tộc Mường đời sống phụ thuộc vào nghề nông, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển. Đến nay xã An Phú vẫn thuộc xã nghèo của huyện Mỹ Đức và của tỉnh Hà Tây.

    Thực hiện nghị quyết Đảng bộ lần thứ XIX (2000-2004), những năm qua An Phú đã tận dụng những tiềm năng của địa phương cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và phát huy nội lực trong nhân dân để thúc đẩy phát triển nền kinh tế – xã hội của địa phương. Về trồng trọt và chăn nuôi, An Phú đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giống mới có năng suất cao vào trong trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2004 và vụ chiêm xuân 2005, xã đã tiến hành gieo cấy được trên 500 ha bằng các giống lúa Khang dân và Q5 cho năng suất bình quân 51 tạ/ha, nâng tổng sản lượng lương thực năm 2004 lên gần 3.000 tấn. Trong sản xuất lâm nghiệp, nhân dân trong xã đã tổ chức chăm sóc 76 ha rừng theo chương trình 327 và trồng mới được 141 ha cây rừng theo chương trình 661, tổ chức khoanh nuôi bảo vệ 708 ha rừng tự nhiên ở các khu vực núi đồi thuộc địa bàn của các thôn Đồng Chiêm, ái Nàng, Nam Thanh Hà. Một số hộ gia đình đã đưa vào trồng thử cây ăn quả như cây mơ, cây cam… trên đồi vườn nhà theo hướng cải tạo vườn tạp và phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Trong chăn nuôi, tính đến năm 2004 tổng đàn trâu bò có 830 con tăng trên 130 con so với năm 2000, hiện nay nhân dân trong xã đã và đang phát huy lợi thế của vùng núi, vùng đồi gò để phát triển đàn dê, năm 2000 toàn xã có trên 300 con, đến năm 2004 đàn dê đã lên đến 1370 con. Ngoài ra, dân địa phương còn chú ý phát triển đàn gia cầm và nuôi mèo… Tận dụng nguồn nước ở các dòng sông, ao hồ, mương máng bước đầu đã có vài chục hộ dân nuôi cá lồng, đến nay toàn xã có trên 70 lồng cá, sản lượng đạt gần 100 tấn cá năm… Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, một bộ phận nhân dân trong xã tập trung chủ yếu khai thác đá và sản xuất gạch ngói tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, hàng năm sản xuất bình quân từ 50-80 nghìn m3 đá các loại và từ 300.000-400.000 viên gạch ngói… lương bình quân từ 500-600 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài ra một số hộ gia đình còn làm nghề gia công sắt, trồng nấm… Song song với việc sản xuất nông lâm nghiệp và phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, An Phú cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương, kêu gọi các dự án, các nguồn đầu tư, các nhà tài trợ… nên 5 năm qua, địa phương đã xây dựng được ba ngôi trường mầm non ở ba thôn: ái Nàng, Dộc éo và Bơ Môi, sửa chữa trạm y tế xã, xây dựng đường điện cho thôn ái Nàng, Bơ Môi, Nam Hưng và Thanh Hà, xây 5 nhà văn hoá thôn và nhà làm việc của các ngành trong xã. Được sự giúp đỡ của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, xã đã nâng cấp được mạng lưới truyền thanh (từ hữu tuyến lên vô tuyến), nâng cấp và tu bổ một số đoạn đường chắn lũ và 6 trạm bơn phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp… Tổng giá trị xây dựng cơ bản từ năm 2000-2004 lên đến trên 10 tỷ đồng.

    Nhìn vào tổng thể phát triển kinh tế – xã hội xã An Phú những năm qua đã có những bước tiến triển theo chiều hướng xã hội hoá, cơ cấu nông lâm nghiệp có những bước chuyển dịch tốt, dịch vụ có chiều hướng phát triển khá, nâng mức thu nhập bình quân lên 2.150.000 đồng/người/năm, giảm số hộ nghèo từ trên 20% xuống còn 8,5% (theo tiêu chí cũ). Đời sống đồng bào ngày được cải thiện. Tuy nhiên cơ cấu kinh tế của địa phương còn nhiều bất cập. Từ việc lập qui hoạch đến việc xây dựng các mô hình kinh tế, như nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, đạt tỉ lệ thấp (6%). Riêng dịch vụ và thu nhập khác đạt khá (24%), song thực tế cơ cấu này không bền vững vì thu nhập khác của năm 2004, nhiều hộ gia đình đạt ở mức cao do được đền bù đất giải phóng mặt b

    ReplyDelete