http://laodong.vn/Home/ldcuoituan/2007/12/68784.laodong
|
Vì sao nền văn minh Nhật Bản lại có những nét tương đồng với văn minh Tây Âu? Vì sao các quốc gia Tây Âu và Nhật Bản đã trải qua những hiện tượng song song trong lịch sử, mà không phải quốc gia Châu Á nào khác?
Nhật Bản là hiện tượng kỳ lạ trong lịch sử Châu Á, là nước duy nhất thành công một cách nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chỉ mất nửa thế kỷ để trở thành một trong ngũ cường gồm các nước phương Tây từ thập niên 1920.
Và trong các thế kỷ trước, Nhật là quốc gia duy nhất ở Đông Á từng đi xâm chiếm các nước khác và xây dựng thuộc địa riêng. Umesao lý giải: "Sự song hành giữa các nền văn minh Nhật Bản và Tây Âu là do cấu trúc sinh thái của toàn bộ lục địa Á-Âu".
Ông Tadao chia cựu thế giới thành 2 vùng: Vùng 1 và vùng 2. Các nước vùng 1 gồm Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản; vùng 2: Từ Nga, đến Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nam Tư, Morocco (các vùng đang phát triển).
Đức và Nhật tuy cách xa về địa lý, nhưng con đường của hai nước giống nhau lạ lùng, cả hai đứng dậy sau tro tàn thất trận, trong chiến tranh đều do chính quyền phátxít cai trị.
Anh và Pháp cũng đều có thái độ hiếu chiến đế quốc và xây dựng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Còn vùng 2 là các nước thuộc địa, hoặc nửa thuộc địa trước chiến tranh, hoặc chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn. Trong quá khứ, đã từng có một số đế quốc lớn ở vùng 2.
Một số nước, như nước Nga dưới thời Sa hoàng, đã thực hiện những cuộc xâm lăng kiểu đế quốc chủ nghĩa, nhưng vì các nước này không có trụ đỡ của chủ nghĩa tư bản nên điều kiện của họ khác xa so với những cường quốc đế quốc chủ nghĩa trong vùng 1.
Rất nhiều cuộc cách mạng diễn ra ở các nước vùng 2, từ cách mạng dân tộc Trung Quốc đến cách mạng Ai Cập, cách mạng vô sản Nga..., trong khi không một nước vùng 1 nào trải qua cách mạng trong suốt 30 năm ấy. Giữa vùng 1, vùng 2 có những dị biệt lớn.
Tadao chỉ ra rằng: "Chủ nghĩa tư bản hiện đại là hệ thống kinh tế đặc thù của các nước vùng 1. Họ có giới tư sản phát triển sớm và mạnh mẽ. Tất cả các nước này đều trải qua thời kỳ phong kiến. Nhưng vùng 2 thể hiện một kịch bản trái nghịch: Hệ thống tư bản chủ nghĩa kém phát triển.
Cách mạng thường đưa đến sự trỗi dậy của nền độc tài, chứ không phải trao quyền cho giới tư sản. Hệ thống đặc thù của các nước vùng 2 trước cách mạng không phải là chế độ phong kiến, mà là chế độ chuyên chế hay thực dân. Dưới những điều kiện này, giới tư sản thật khó lòng phát triển".
Tính khai mở của công trình là ở chỗ, giáo sư Umesao đã sáng tạo ra một khái niệm mới - Trung phương (Mediant) nổi tiếng. Trong đó có văn minh Ấn Độ, văn minh Lưỡng Hà, văn minh Arab - thế giới của Hồi giáo.
Trung phương cũng là cái nôi sáng tạo và nuôi dưỡng những tôn giáo lớn nhất thế giới. Quan điểm về sự tồn tại của thế giới Trung phương và những đóng góp vĩ đại của nó đã thay đổi cách nhìn về "Thuyết hai thế giới" (tức chỉ thừa nhận phương Đông, phương Tây). Đồng thời, ông phát hiện thấy xã hội vùng Trung phương còn ẩn chứa nhiều thách thức và cả những vấn đề nan giải. Ông lưu ý rằng không thể coi Nhật Bản là một bộ phận của Tây Âu.
Theo dòng mạch tư duy đó, ông phê phán quan niệm hướng về lục địa của một số thể chế Nhật Bản và khuyên chính phủ nước này cần có tầm nhìn về đại dương. Cũng theo đó, Nhật Bản không thể là mô hình hiện đại hoá cho các quốc gia Châu Á.
Ông cho rằng, bản lĩnh của một dân tộc là phải biết tiếp nhận những giá trị khác biệt và tái điều chỉnh. Trong sách còn có những phân tích độc đáo về một số quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Umesao Tadao là một nhân vật kiệt xuất trong giới trí thức Nhật, không chỉ trong giới nhân chủng học, mà trong giới trí thức hàng đầu. Sinh năm 1920, ông từng đi khắp nước Nhật, sau đó ở Châu Phi và nhiều nước Châu Á..., đã có tuyển tập gồm 23 cuốn sách có giá trị. Ông dạy ở các trường đại học, sau đó làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học 1974, kiến dựng bảo tàng Dân tộc học quốc gia, được trao nhiều huy chương, huân chương, giải Cành cọ Hàn lâm về học thuật của Pháp.
No comments:
Post a Comment