Monday 20 November 2006

Cambodia - The good, the bad and the ugly



Cambodia – Nói gì về đất nước láng giềng này nhỉ? Phải chăng nên bắt đầu từ cái tên? Đó cũng đã là một câu chuyện thú vị. Hình như số phận của mỗi quốc gia đều vận vào từ những câu chuyện truyền thuyết. Những gì được sử sách viết lại thông thường đều bị điều chỉnh theo các cách mà thế lực cầm quyền ở thời đại muốn nó phải thế. Nhưng huyền sử dân gian thì không lưu lại như vậy. Những câu chuyện dân gian đôi lúc có vẻ hoang đường, phi hiện thực nhưng qua hàng ngàn năm, nếu không phải là hơn, nó phản ánh được những điều sâu thẳm nhất mà dân tộc đó gửi gắm, truyền lại cho đời sau với mong muốn con cháu họ không được quên. Truyền thuyết về sự ra đời của Cambodia gợi đến số phận của đất nước này. Đó là số phận của một nền văn hóa đã từng vô cùng rực rỡ trong lịch sử, nhưng lại phải hứng chịu sự giằng xé của những thế lực nước ngoài có sức mạnh chiến đấu lớn hơn nhiều. Huyền sử kể rằng, có thanh niên người nước ngoài (cụ thể là một người Ấn Độ theo đạo Bà La Môn) tên Kaundinya vào một ngày nọ, đang phiêu du trên một con thuyền tới một xứ sở có nhiều kênh rạch, sông ngòi thì có một nàng công chúa đến chào. Nàng vốn là con gái của vị vua rồng trị vì xứ sở này. Tất nhiên là đang đi thuyền dạo mát trên sông mà gặp phải một con rồng đến đong đưa, mà nhất là rồng cái Image  thì chẳng thú vị quái gì nên chàng trai người Ấn mới rút một mũi tên ra bắn vào cô nàng một phát. Dè đâu, theo phong tục ở xứ này, như thế có nghĩa là một lời cầu hôn. Được một anh giai ngoại quốc xin cưới thì còn gì thích bằng, chị em mình nhỉ Image, thế là cô gái xấu xí nọ gật đầu cái rụp. Anh giai nọ tá hoảng, nhưng mũi tên đã bắn ra thì sao rút lại được. Vả lại đây là sân nhà của nàng, định giở bài quất ngựa truy phong thì chạy đâu cho thoát khỏi móng vuốt của ông già vợ (rồng mà!). Câu chuyện về sau này thì chắc anh em cũng đoán được.  Để làm của hồi môn cho đám cưới, ông bố vợ đã uống cạn nước trên xứ sở mình và trao cho Kaundinya cai quản. Từ đó, vương quốc được đặt tên là Kambuja.


Câu chuyện folklore trên được giải mã bằng mối quan hệ về tôn giáo, vương triều và truyền thống thành văn của đất nước Cambodia với tiểu lục địa Ấn Độ láng giềng. Ở đây nhiều đồng chí sẽ thắc mắc là Ấn Độ làm sao lại là láng giềng của Cambodia được. Còn cách nhau Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh cơ mà. Xin kính mời đồng chí đến Thư Viện Quốc Gia, địa chỉ 31 Tràng Thi (gần cái quán cà phê ca nhạc gì mình quên tên rồi, đâu như Thế Kỷ Mới gì đó ý), tầng 2, xem lại bản đồ Châu Á thời thế kỷ 12, 13 sẽ hình dung được vương quốc Angkor thời đó rộng lớn thế nào. 


Những gì người ta biết về Cambodia thời tiền sử là rất ít ỏi. Phần lớn vùng đất phía Đông – Nam từng là vùng vịnh mênh mông nước cạn bị ngẽn bởi phù sa từ các cửa sông Mekong, để lại một vùng đất bằng phẳng, phì nhiêu, cực kỳ thuận lợi cho nông nghiệp. Người ta đã tìm được di chỉ về những cư dân sống trong hang đá ở vùng Tây Bắc đất nước. Một số bình gốm có niên đại carbon 4200 năm cũng đã được tìm thấy, nhưng thật khó nói về một mối liên quan trực tiếp nào đó giữa người đã làm ra những chiếc bình đó với người Khmer hiện đại. Thư tịch cổ Trung Quốc ghi lại rằng người Cambodia là “xấu xí” và “da ngăm đen” và gần như ở trần. Nhưng chớ nên tin nhiều vào những tài liệu của các vương triều Trung Hoa ngày xưa đã mang sẵn tư tưởng bành trướng coi các dân tộc lân bang không ra gì. Chỗ này em nhà quê cẩn thận phải bôi đậm chữ “các vương triều Trung Hoa ngày xưa”, chứ không phải ngày nay, để khỏi ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao tốt đẹp của hai nước và chú nào pro-China khỏi ném đá hội nghị. Thử giở ra xem dân tộc Việt Nam ta bị đám thư lại Tàu viết như thế nào. Một tài liệu thường được trích dẫn là Thủy Kinh Chú viết (được cho là) về người Việt cổ: “Theo Chu Lễ, ở phía Nam có tám giống Man, xăm trán, giao ngón chân, có giống không ăn ngũ cốc”. Vậy đấy!


Kể tiếp câu chuyện lịch sử Cambodia. Những trang lịch sử thành văn của Cambodia có thể tóm tắt lại bằng tựa đề bộ phim cao bồi Viễn Tây nổi tiếng với anh kép chính Clint Eastwood “The good, the bad and the ugly”. Trước hết là “The good”. Đó là thời kỳ rực rõ của đế quốc Angkor không có đối thủ ở vùng Đông Nam Á trong 4 thế kỷ, từ năm 802 khi Vua Jayavarman II huyền thoại tuyên bố độc lập khỏi vương quốc Java, lập nên Đế chế Khmer Angkor. Đỉnh cao của nền văn minh này chính là các khu đền Angkor Wat (khởi công năm 1112), Angkor Thom (1181) mà sự hoành tráng của chúng có lẽ không bàn phím nào tả xiết! Sau đó là “The bad”, kể từ thế kỷ 13, khi đế quốc Angkor bị các dân tộc xung quanh dần chiếm phần lớn lãnh thổ. Thế kỷ 20 đánh dấu “The ugly” – bắt đầu bằng việc xứ sở này – giống như các nước Đông Dương khác – bị thực dân Pháp xâm lược. Một chi tiết nhỏ, trong 70 năm khai hóa văn minh, người Pháp chỉ lập nên 1 trường trung học duy nhất cho toàn bộ đất nước, và không có bất kỳ một trường Đại học nào! Nhưng sự kiện tồi tệ nhất không phải đến từ người Pháp mà từ 2 người Cambodia trở về sau khi du học ở Pháp có tên là Pol Pot và Ieng Sary. Không ai có thể biết được trong vòng 3 năm, 8 tháng và 21 ngày những người này và các chiến hữu đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết từ tra tấn, nhục hình, kiệt quệ vì đói, bệnh tật,… cho bao nhiêu đồng bào của họ. 3 triệu? 1 triệu? Không ai có thể biết chính xác, dù một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Yale cho biết con số đó là khoảng 2 triệu. Nghĩa là hơn ¼ dân số đất nước này tại thời điểm năm 1979! Lúc đó hầu hết cả thế giới không biết điều gì đang xảy ra tại xứ sở này.  Một số thì biết rõ, vì họ chính là người đã dựng nên the-so-called Nhà nước Cambodia Dân Chủ, hay Khmer Đỏ - cái tên do một người có tên là Norodom Sihanouk gọi chế độ đó – nhưng đó là điều họ mong muốn. Người dân Cambodia thì quá yếu đuối không biết phải làm gì, chỉ có thể đón đợi những cái chết từ từ nếu không phải ngay tức khắc đến với mình và gia đình. Tất cả, chỉ trừ người Việt Nam…


  

No comments:

Post a Comment