Sunday, 5 November 2006

Tản mạn về Judoka



Đó chắc chắn là một trong những bức hình đẹp nhất về Inoue Kosei, vào thời khắc anh đánh bại Nicholas Gills - judoka người Canada bằng đòn sở trường Uchi-mata sau 31 giây thi đấu trong trận chung kết Judo hạng 100kg tại Olympic Sydney 2000.  Một chiếc HCV Olympic - nếu so về mặt chuyên môn thì cũng ngang ngửa với những chức vô địch mà anh giành được ở các giải VĐTG (3 lần liên tiếp 1999, 2001, 2003), VĐ tuyệt đối toàn Nhật Bản (3 lần liên tiếp 2001, 2002, 2003), VĐ hạng cân 100kg toàn Nhật Bản (2000, 2001, 2004) và chắc chắn là không thể bằng chức Vô địch Cúp Jigoro Kano năm 2005 - một giải đấu của các nhà VĐTG mọi hạng cân. Nhưng hình ảnh về anh gây ấn tượng nhất đối với tôi không phải là những cú ra đòn Uchimata hay Ouchi gari nhanh khủng khiếp mà là thái độ của anh trước thất bại tại Athens 2004. Năm đó, anh được trao trọng trách là đội trưởng của toàn bộ các đội tuyển thể thao Nhật Bản tham gia đấu trường lớn nhất hành tinh, kèm theo là kỳ vọng của cả đất nước Nhật Bản vào chức vô địch hạng 100kg. Không phải là hy vọng mà gần như ai cũng tin rằng chiếc HCV đã nắm chắc trong tay judoka huyền thoại đương đại này trong thời điểm anh đang ở đỉnh cao phong độ. Vậy mà anh đã thất bại. Anh đã thua ở cả trận tứ kết và trận tranh giải ...4. Một thất bại khiến người Nhật không thể tin được. Dù tại giải này đội tuyển Nhật đã hoàn toàn áp đảo với 8 HCV + 2 HCB/14 bộ HC nhưng họ đã cực kỳ sốc khi nghe tin đứa con cưng của mình chỉ dành vị trí thứ 5. Những tưởng judoka 5 đẳng Kodokan (đẳng cấp cao nhất của Judo hiện đại) sinh năm 1978 này sẽ khó có thể đứng vững tiếp ở đỉnh cao sau sự kiện Athens này. Tuy nhiên, anh đã trả lời, chỉ 1 năm sau đó, bằng chức Vô địch giải Jigoro Kano vô cùng khắc nghiệt... Một kết cục hoàn hảo trước khi anh rời khỏi đấu trường chuyên nghiệp để tiếp tục sự nghiệp học hành (anh đang làm luận văn Tiến Sĩ ngành Tâm Lý Học trường ĐH Tokai).

Lại chuyện về một judoka khác. Trận chung kết Judo toàn Saint Peterburg tại nước Nga năm 1970. Một chàng Sinh viên Khoa Luật gặp ĐKVĐ Châu Âu. Anh SV chiếm ưu thế rõ ràng bằng các đòn đáng ra phải được điểm Yuko. Nhưng các trọng tài không nghĩ thế. Người ta không thể chấp nhận một nhà VĐ Châu Âu thúc thủ trước một gã vô danh. Chàng SV không đoạt được chức Vô địch thành phố 25 năm sau đã trở thành người đứng đầu nước Cộng hòa Liên Bang Nga. Còn nhà vô địch nọ, thật không may, lại lãnh trọn cả băng đạn của các Bratva có liên hệ với Mafia giữa đường phố sau những trận chiến giành lãnh địa làm ăn.

Chợt liên tưởng đến các judoka Việt Nam. Sau những thành công tại đấu trường châu lục và khu vực, Cao Ngọc Phương Trinh trở về làm HLV, nhưng lại vướng vào chuyện sân si và phải chịu đôi điều tiếng thị phi của người đời. Nguyễn Linh Sơn, Văn Ngọc Tú, Lê Việt Dũng và nhiều người khác thường xuyên phải vật lộn với những chấn thương dai dẳng khắp người và với nền tảng kiến thức, kỹ năng của một VĐV thể thao, họ không dễ nhảy ra đua tranh với đời nếu không làm việc gì liên quan đến Judo. Dù sao, vẫn hơn một vài VĐV Judo đã giải nghệ mà tôi quen biết, người làm bảo vệ, người làm lái xe,... nói chung phần lớn anh em không phải thuộc loại có thể đua tranh với đời được. VĐV như thế, còn Liên Đoàn Judo Việt Nam cũng không làm được gì nhiều cho anh em VĐV mà chỉ lo đấu đá nhau là giỏi.

Đối với cá nhân mình, Judo là một môn thể thao tuyệt vời. Nhưng chỉ là để xem thi đấu và tập luyện nghiệp dư thôi. Không nên (và cũng không thể) trở thành Judoka chuyên nghiệp ở Việt Nam! Image

No comments:

Post a Comment