Tối nay trước khi đi ăn lẩu - kem với vợ chồng nhà Hiếu - Mai, Nga - Thông, có chút việc dừng chân ở trước cổng trường tiểu học Điện Biên trên đường Quán Sứ chợt bắt gặp hình ảnh hai em bé học sinh lớp 2 trong lúc chờ bố mẹ đến đón về, lấy vở ra tập viết thật là dễ thương. Chợt nhớ lại hình ảnh của chính mình gần 20 năm về trước. Gần trọn mấy năm cấp 1, chiều tối nào sau khi tan học mình cũng bó gối ngồi ở cổng trường Tây Sơn đợi phụ huynh như thế. Thông thường, giờ học kết thúc lúc 4 rưỡi 5 giờ chiều, nhưng ở cái thời bao cấp đó gia đình công chức nhà nước nào chả khó khăn. Mẹ thường xuyên đi công tác miền Nam, có thời điểm phải đi suốt gần năm trời. Lúc ở nhà thì cũng hay phải kiếm thêm tiền bằng việc dán bìa carton, đan len hay nuôi lợn, gà. (Sao lợn với gà hợp với nhau thế nhỉ, mình tuổi gà nhất định phải yêu em tuổi lợn mới được ) Bố thì đi học tiếng Anh buổi tối để chuẩn bị được cử đi tu nghiệp nước ngoài. Vậy là thằng bé học cách xa nhà 5km phải đợi ở trường cho đến khi bố hoặc mẹ cùng chiếc xe đạp nhãn hiệu gì đó cũng khá nổi tiếng mua mất 5 chỉ mình quên mất rồi mà nhất định không phải là Phượng Hoàng đến đón về, thông thường là khoảng 7 giờ tối. Những hôm nào được đón về sớm hơn - gọi là sớm thì bỏ rẻ cũng phải đợi bét ra là 1 tiếng, anh em chắc cũng biết 1 tiếng đối với một đứa trẻ con nó dài như thế nào - thằng bé thường được cho ăn quẩy nóng hoặc ngô nướng. Đến bây giờ, nó vẫn nhớ như in giấc mơ thủa ấu thơ là khi nào lớn lên, có tiền nhất định nó sẽ mua hết cả chảo quẩy ăn cho đã. Hihi, ở đây chú thích thêm là giấc mơ đó đã trở thành hiện thực vào năm lớp 7, học cùng thằng bạn nhà làm quẩy bán cho hàng phở, thế là thằng bé mua với giá gốc được cả một rổ quẩy nóng ăn một trận đã đời. Chỉ có điều từ đó về sau thằng bé chán luôn chả mấy khi ăn món này nữa. Hết chú thích!
Thằng bé lớp 2 vẫn nhớ nhiều lần, thường vào mùa hè, được chú Nam đón về. Ông chú vốn gốc lính khu Tư mới chuyển về Quân khu Thủ đô lại là một dân nhậu có hạng, thường lôi nó đi uống bia với đồng đội chiến hữu. Và không ai phải dạy, thằng bé thường chỉ uống có 2 vại 1/2 lít thôi. Và chỉ trong 2 hơi là xong. Hic, hơi ngượng là gần 20 năm sau thì tửu lượng thằng bé vẫn không lên được bao nhiêu. Vẫn chỉ 2 vại mà thôi!
Đấy là vài chuyện về buổi chiều tối. Giờ học hành trên lớp là buổi chiều nên như tất cả các lớp học ở quê mình, chả có vị gì đáng nói cả. Còn một buổi sáng điển hình của thằng bé là mẹ đưa đến nhà trọ, để nó đấy, đi làm và giao nó cho gia đình chủ nhà. Do đi học khá xa nhà, nên ngay từ năm lớp 1 đến suốt gần tiểu học mình đều trọ học. Chỗ ở đầu tiên chính là gia đình bác Thảo nhà ở gần lớp học của trường Tây Sơn ở phố Nguyễn Du. Đương nhiên là một thằng bé học sinh lớp 1 thì chưa ý thức được gì nhiều về những gì xung quanh. Chỉ nhớ là gia đình bác chủ nhà có 3 anh con trai cũng lớn rồi. Không biết là lớn đến mức độ nào, nhưng hồi đấy mình thấy họ lớn lắm! Hihi, lại chuyện nọ xọ chuyện kia, chợt nhớ hồi mình học lớp 2 sao mà thấy các anh chị lớp 3 làm Phụ trách đội eo ôi sao mà các anh chị ý giỏi xế, nào là dạy hát, dạy múa, dạy xếp hình,... Bao giờ lên lớp 3 mình có được như các anh chị ấy không nhỉ? Vậy thì chắc là mấy anh con trai vợ chồng bác chủ nhà chắc cũng chỉ là học sinh cấp 2, cấp 3 là cùng. Đến khi mình học những năm cuối cấp 2, thì biết được gia đình bác ý vẫn ở đó, và mở hàng rửa xe máy, ô-tô. Chắc là bây giờ cũng khá rồi! Còn điểm trường Tây Sơn ở phố Nguyễn Du ngày xưa thì bây giờ là một điểm ăn chơi chỉ dành cho các thương gia Nhật level cao cao đến Hà Nội. Cái tên Chagall chắc chẳng gợi ra điều gì với dân chơi Việt, nhưng đó là quán đầu tiên ở miền Bắc Việt phục vụ theo cách của người Nhật. Mãi mấy năm gần đây, từ khi có làn sóng đầu tư của Nhật thì ở khu vực Triệu Việt Vương, Bà Triệu,... mới có thêm nào là các thể loại Mizuho, Jun, Casablanca,... củ đậu gì đó.
Lan man quá, xin kể tiếp chuyện thằng bé trọ học. Đến năm lớp 2 thì thằng bé được gửi vào một nhà ở gần cuối phố Liên Trì cạnh đó. Ngày xưa Liên Trì không "hoành tráng" như bây giờ, nhưng xét về khía cạnh tương đối thì cũng chả kém cạnh gì đâu. Bạn nào không biết ngõ Liên Trì nổi tiếng về cái gì thì tự ráng mà chịu nhé, tớ không nói ra đâu! Vậy mà thằng bé ngây thơ lại được gửi vào ngay một nhà chuyên gầy sòng tổ tôm tam cúc, đứng đầu chính là vợ chồng bà già chủ nhà. Còn mấy anh chị con đẻ con rể nhà đó chắc chắn cũng không phải là thành phần bình thường trong xã hội bao cấp. Lúc đó mình không biết gì, chỉ thấy trên người cậu thanh niên con rể xăm chằng chịt hình một con rồng từ cổ xuống đến chân và suốt ngày bật nhạc vàng ỉ eo những gì mà "Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng,..." suốt cả ngày điếc cả tai. Dần dần cũng biết được hồi đó tay thanh niên này mới từ Hướng Coỏng về lấy con gái bà chủ nhà. Chắc cũng không giải thích gì nhiều, dân trại HongKong về với hình xăm rồng là đủ biết thuộc loại có số có má thế nào. Vậy mà hai năm liền thằng bé sống trong môi trường như thế nhưng không hề hé răng nửa lời với bố mẹ. Đến năm học lớp 9, lớp 10 gì đó khi kể chuyện, hai cụ nhà mình mới giật mình, và đã cực kỳ lo lắng không biết trong môi trường như thế thì thằng bé có học được thói xấu nào không. Hihi, khoe phát là từ bé chí lớn mình chưa bao giờ thả một con lô đề hay bóng bánh nào đấy ạ. Cùng lắm thì chỉ có đánh nhau thôi. Mà hồi bé, con trai thằng nào mà chẳng oánh nhau nhể!
...Oái, lúc đầu chỉ định viết entry vài dòng đầu thôi mà ngồi typing một lúc nó lại ra dài dài thế này nhỉ. Thôi thì thi thoảng dăm bữa nửa tháng cũng nên viết lại những kỷ niệm nho nhỏ để bạn bè đọc cho vui. Tất nhiên là không thể viết hoành tá tràng được như hồi ký của 2 ông bạn thân Georgi Konstantinovic Zhukov ("Nhớ lại và suy nghĩ") hay Gabriel Garcia Marquez ("Sống để kể lại") mà mình vốn rất thích, nhưng cũng gọi là "Mua vui cũng được một vài entry".
Saturday, 28 October 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment