"Một quan điểm sinh thái học về lịch sử - Văn minh Nhật Bản trong bối cảnh thế giới"
Lời giới thiệu
Tokyo, tháng Tám 2006
Kenichi Ohno
Diễn đàn Phát triển Việt Nam/GRIPS
Khi nghiên cứu lịch sử hiện đại Nhật Bản, chắc chắn câu hỏi then chốt đối với một nhà nghiên cứu sẽ là: Tại sao Nhật Bản, một quốc gia vào đầu thế kỷ 19 dường như rất lạc hậu xét trên mọi khía cạnh, lại có thể thành công một cách nhanh chóng và ngoạn mục như vậy trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa hơn tất cả các nước đang phát triển không thuộc phương Tây?
Sau hơn hai thế kỷ thi hành chính sách đóng cửa với nước ngoài, Nhật Bản bắt đầu mở lại các hải cảng cho giao thương với phương Tây vào năm 1854. Dù bị sức ép của toàn cầu hóa và chủ nghĩa thực dân, Nhật Bản không chỉ tránh khỏi bị phương Tây xâm lược mà còn tiếp thu được công nghệ mới, xây dựng các ngành công nghiệp hiện đại và, đến đầu thế kỷ 20, đã vượt qua Vương quốc Anh để trở thành nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Nhật Bản chỉ mất nửa thế kỷ để đạt được kỳ tích này và gia nhập nhóm Big Five, nhóm nước quyền lực nhất vào thập niên 1920. Cần phải nhắc lại rằng điều này được thực hiện hơn một thế kỷ trước, khi không hề có những khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành để trợ giúp cho các nước kém phát triển. Tất cả chi phí, bao gồm những mức lương cao dành cho cố vấn nước ngoài và giáo viên, đều do người Nhật chi trả.
Gần đây hơn, nước Nhật lại làm cho cả thế giới ngạc nhiên với sự phát triển thần kỳ trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Sau khi bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn vào năm 1945, nước Nhật đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào khoảng năm 1970. Dù sau đó có những bước thăng trầm trong môi trường kinh doanh, nước Nhật vẫn luôn duy trì được vị thế của một quốc gia hàng đầu về công nghệ cao. Các sản phẩm của Nhật như ô tô, xe máy và đồ điện tử gia dụng vẫn nổi tiếng toàn cầu về chất lượng cao.
Một câu hỏi có liên quan là, tại sao nước Nhật là quốc gia duy nhất ở Đông Á từng đi xâm chiếm các nước khác và xây dựng các thuộc địa riêng ở thế kỷ trước, trong khi các nước khác trong vùng, kể cả Việt Nam, lại thuộc về phía bị xâm lược và thực dân hóa? Rõ ràng là chủ nghĩa bành trướng quân phiệt Nhật đạt đỉnh điểm vào thập niên 1930 và 1940 phải có gì đó liên hệ chặt chẽ với khả năng kinh tế vượt trội của nó.
Việt Nam cũng là một thành viên trong vùng Đông Á có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản. Đất nước này có địa hình kéo dài và đường bờ biển dài. Gạo và cá là thức ăn chính. Mật độ dân cư cao. Cộng đồng làng xã đóng một vai trò quan trọng tạo nên bản sắc quốc gia. Phật giáo và ảnh hưởng của Trung Quốc thể hiện rõ trong văn hóa. Nhân dân thì nổi tiếng lao động chăm chỉ và ham mê kiến thức. Nhưng lịch sử hiện đại của Việt Nam lại rất khác so với Nhật Bản. Việt Nam trở thành thuộc địa vào năm 1887 và đã phải chiến đấu trong một chiến đấu kéo dài và cam go để dành lại độc lập khỏi người Pháp và người Mỹ. Việt Nam mới chỉ mở cửa nền kinh tế với phương Tây gần đây, vào đầu thập niên 1990, và bắt đầu nâng cấp công nghệ và các ngành với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các nhà tài trợ khác. Việt Nam đặt mục tiêu về cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020. Nhưng không thể phủ nhận rằng hiện tại Việt Nam đang cách xa Nhật Bản về mức thu nhập cũng như về công nghệ. Tại sao hai nước chúng ta lại có những bước đi lịch sử khác nhau đến như vậy dù điểm khởi đầu dường như tương tự nhau? Phải chăng đó là do vận may, hoặc có những lý do nào đó sâu sắc hơn?
Có lẽ những câu hỏi này là quá lớn đối với những người phải bận rộn với cuộc sống hàng ngày hoặc những viên chức luôn phải thực thi những nhiệm vụ ngắn hạn. Nhưng khía cạnh lịch sử to lớn đôi khi lại có ích và rất cần thiết khi một người mong muốn chỉ ra định hướng của đất nước cho những thế hệ kế tiếp. Khi Việt Nam gia nhập WTO và bắt đầu đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, nên chăng cần dừng lại một chút và lắng nghe lời lẽ của các học giả có sự quan tâm rộng hơn. Tôi tin rằng những ý tưởng của Tiến sỹ Tadao Umesao không chỉ thú vị ở góc độ học thuật mà còn khơi gợi cho việc trả lời những câu hỏi lớn như chúng ta đặt ra ở trên. Lý thuyết của ông được trình bày rõ ràng trong cuốn sách và không cần thiết phải nhắc lại ở đây. Tôi thành thật hy vọng rằng độc giả Việt Nam sẽ mở rộng tầm nhìn khi tiếp xúc với nhãn quan về thế giới độc đáo, kỳ thú nhưng giàu sức thuyết phục của Tiến sỹ Umesao.
Dự án dịch cuốn sách của Tiến sỹ Umesao sang tiếng Việt do Nguyễn Đức Thành, một sinh viên Tiến sỹ của tôi tại Học Viện Nghiên Cứu Chính Sách Quốc Gia (National Graduate Institute for Policy Studies – GRIPS) ở Tokyo, đề xuất. Hàng năm, trong buổi lên lớp đầu tiên khóa học về Phát triển Kinh tế Nhật Bản, tôi đều thảo luận quan điểm về thế giới của TS. Umesao với vai trò là kiến thức nền tảng hữu dụng nhất trong việc tìm hiểu những thành tựu của Nhật Bản từ thời Edo đến thời Heisei (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 21). Nguyễn Đức Thành rất ấn tượng với quan điểm này và mong muốn chia sẻ với mọi người ở đất nước anh. ABCD cũng tham gia vào nhóm dự án. Cả bản tiếng Anh và bản tiếng Nhật đều được tham khảo vào đối chiếu, trong đó bản tiếng Anh được lấy làm bản gốc để chuyển ngữ. Giáo sư Nguyễn Văn Kim (trường Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà nghiên cứu Nhật Bản hàng đầu ở Việt Nam, đã kiểm tra toàn bộ bản dịch với bản gốc một cách nghiêm túc về sự chính xác của nội dung và thuật ngữ. Ông cũng đã viết thư trực tiếp cho TS. Umesao để đảm bảo chất lượng của bản dịch.
Với sự kính trọng cao nhất, tôi xin được gửi lời cám ơn TS. Umesao đã cho phép chuyển ngữ công trình lớn của ông sang tiếng Việt, GS. Kim với sự hỗ trợ chuyên môn tuyệt vời, và hai dịch giả vì nỗ lực và niềm mê say của họ. Tôi cũng biết ơn trường Đại học GRIPS nơi tôi làm việc, đã hỗ trợ tài chính cho bản dịch.
Hay lắm, đây đúng là vấn đề mà mình quan tâm. Lúc nào xuất bản thì thông báo nhé!
ReplyDelete