Sunday 1 October 2006

Dã sử vỉa hè - hay là câu chuyện về cái Tháp Rùa



''Theo cuốn Từ điển Địa danh Lịch sử Văn hoá Việt Nam (NXB Văn hoá Thông tin 1998), trang 1107, tháp Rùa không có giá trị gì về mặt kiến trúc và lịch sử''.


''Tháp Rùa ấy à? Nếu nói nghiêm túc thì nên đập béng nó đi''. Một anh bạn hoạ sĩ trẻ và cũng là tay chơi đồ cổ bảo tôi thế. Cái ý nghĩ đập tháp rùa, kể đã có mấy chục năm, truyền mấy thế hệ. Lạ thật.


Tôi thử gọi với tổng đài 1088 xem ý kiến dư luận thế nào. Anh nhân viên tổng đài tra tài liệu, nói: ''Nguyên ông Bá Kim chánh tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, Hà Nội, theo Thiên chúa nên thuê người xây tháp kiểu nhà thờ, định đưa di hài bố ông ta ra chôn, vì cho rằng chỗ ấy vương phát anh ạ. Việc bại lộ, không thành''. 1088 nhận định giá trị tháp Rùa thế nào? Anh nhân viên tổng đài: ''Theo cuốn Từ điển Địa danh Lịch sử Văn hoá Việt Nam (NXB Văn hoá Thông tin 1998), trang 1107, tháp Rùa không có giá trị gì về mặt kiến trúc và lịch sử''.


Nếu tháp Rùa đúng thế thật thì tốn phí bao nhiêu là tranh ảnh nhạc và thơ.


Tôi xin ý kiến của một người viết nhiều về Hà Nội, nhà văn Băng Sơn. Ông nói: ''Tháp Rùa ấy à?! Phá đi cũng không được, xây thêm cũng không xong đâu. Quen mắt rồi. Nhạc với thơ nhiều rồi. Thử tưởng tượng bây giờ hồ Gươm không có tháp Rùa thì thiên hạ sẽ thế nào? Nhưng mà, nói thật nhé, nhìn kỹ thì xấu lắm. Chả thế 40 năm trước nhà văn Chu Hà đã phát biểu nên đập nó đi''.


Nhà văn nói với tôi bằng tinh thần ''nói thật nhá'', tâm sự ấy mà, chứ đập với đánh gì nữa: ''Đảo Ngọc ít nhất cũng nổi danh từ thời Trần, đến nhà Lê làm cung Thụy Khánh, bây giờ là đền Ngọc Sơn. Lịch sử như thế! Chứ chỗ tháp Rùa ấy mà, ngày xưa chỉ là cái gò hoang. Cuối thế kỷ 19 Bá Kim mới dựng tháp lên chứ lâu la gì. Dựng lên để chôn bố, thế thôi. Lịch sử và ý nghĩa, có thấm tháp gì''. Im lặng một lúc. Từ đầy dây bên kia truyền thêm một câu điện tín: ''Nước mình nhiều cái cũng đau lòng ra phết''.


''Ông trời cũng không xác định được chính xác tháng năm nào dựng tháp Rùa'' - ông Nguyễn Vinh Phúc - người được gọi là ''nhà Hà Nội học'' nói như thế.


Theo lệ, những cái có giá trị ở ta thường kèm một vật, ấy là bia đá. ông Bá Kim tuy giàu sang lừng danh đấy, tôi không dám chắc ông phải là một trong số những nguyên mẫu làm nên Số đỏ của Vũ Trọng Phụng không, nhưng điều chắc chắn là ông không dám để lại chữ trên đá. Ông được thực dân cấp phép xây dựng tháp, nhưng bia thì hẵng đợi đấy, còn xem lòng dân nữa. Ông ta đã hiểu rõ như thế.


''Có lẽ tháp Rùa được làm khoảng trong những năm 1883-1888. Từ những năm 1888 thấy nhiều ảnh chụp hồ Gươm, tháp Rùa - ông Nguyễn Vinh Phúc đoán như vậy.


''Chúng ta thấy tượng vua Lê, đúng là ông vua Việt Nam, nhưng lại đứng trên cái cột Hy Lạp. Tượng dựng cùng thời với tháp đấy, cũng trong quần thể hồ Gươm. Điều đó nói với chúng ta rằng, bắt đầu thời điểm Âu hoá, người bản địa và người Pháp cố gắng kết hợp hai nền kiến trúc với nhau trong các công trình mới'', ông Nguyễn Vinh Phúc nói tiếp. ''Thử nghiệm này là thất bại. Mặc dù tháp nằm giữa trung tâm đất nước nhưng cho đến nay, chả nơi nào bắt chước làm tháp Rùa''.


Văn hoá Đông - Tây rất cần được hợp lưu. Nhưng cuộc tao ngộ đã không diễn ra dưới hình thức một Festival. Những lắp ghép gượng gạo, đôi khi vô cùng kệch cỡm, tràn ngập khắp nơi, vẫn nhắc người ta rằng cuộc sống và tình yêu không thể sản sinh từ trấn áp, kèm theo những lời tự tán dương.


Những suy nghĩ tản mạn về tháp Rùa không phải tự than nó và tự cái vị trí nó nằm. Nó đã mọc lên giữa một nơi mà người ta mến, người ta kính. Cái mến cái kính ấy vốn cũng là cái bâng quơ, man mác.


Giáo sư Trần Quốc Vượng rất thích hai câu thơ cổ cảm tác Hồ Gươm: Lý Trần thiên tải phồn hoa địa! Lưu tại hồ đầu nhất dạng thu/ Còn lại một bên hồ một dáng thu.''Mùa thu Hà Nội đẹp lắm!'' - dây điện thoại như rung theo tiếng cảm thán của Giáo sư Trần Quốc Vượng.


''Nhất trản chung phù địa nghĩa là một gò đất nổi trong chén. Cụ nghè Vũ Tông Phan viết như thế đấy - Giáo sư Trần Quốc Vượng - xưa làm gì có tháp. Đấy là chỗ rùa lên nằm phơi nắng''. Cái cảnh rùa, cảnh thu như thế, đúng là ''nay còn đâu''?. Ngàn vàng mua được vài toà nhà cá mập thôi.


''Hồi tôi đang trong chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nội, có ý kiến bảo đập cái tháp Rùa đi, xây tượng vua Lê cầm gươm chỉ xuống nước. Tôi với Nguyễn Tuân gạt đi'' - Giáo sư Trần Quốc Vượng kể. Thay tháp bằng một công trình minh hoạ cụ thể như thế thì chả còn chỗ cho óc tưởng tượng nữa.


Thế là tháp Rùa còn đến bây giờ. Giáo sư Trần Quốc Vượng: ''Tháp Rùa giờ đã thành cái gì của con người mất rồi! Đi vào nhạc vào thơ mất rồi ông ạ!''. Giáo sư bảo thêm: ''Dù sao nó cũng đánh dấu một cái gì đó của lúc giao thời giữa văn hoá Việt Nam và Văn hoá Pháp. Tôi không đồng ý việc đập tháp''.


Thần thiêng nên bộ hạ cũng được thiêng theo. Cái u u minh minh, cái dở dở dang dang, nó cũng như sương sớm hồ Gươm bàng bạc có lẽ còn che đỡ cho tháp Rùa nằm trong mùa thu, nằm trong sự tôn kính của người Việt Nam.


Chứ ''nói chẻ hoe ra'', chùa Một Cột có dời lên Sóc Sơn thì người người đến tham quan vẫn thế, không khéo còn đông hơn, chứ tháp Rùa mà đem đặt trong cái ao cá các cụ đâu bên Đông Anh thôi, chắc chắn chả nhiếp ảnh gia nào tìm đến làm gì, với mô-típ ''nhà nổi'' sao bằng chụp đảo Ngọc, chùa Thầy.


Một bậc đàn anh của tôi, biết tôi viết bài về đề tài này, bảo: Có nên viết không? Viết lên đăng lên rồi chẳng giải quyết được gì. Viết làm gì?''. Không chỉ bài này, mà hầu hết những bài viết khác, tôi cũng ngẫm nghĩ như thế: ''Viết làm gì''. Viết để làm gì? Nghĩ về một hư danh ký sinh trong hồ Gươm, trong lòng người để làm gì nhỉ? Đúng là tôi cũng không biết.



Lúc tháp Rùa mới xuất hiện trong hồ Gươm, nó không được chiêm ngưỡng như bây giờ. Bá Kim thế lực, chơi với nhà cầm quyền. Phá tháp Rùa không dễ. Giáo sư Trần Quốc Vượng: ''Bá Kim chờ đến đêm mới lẻn đem cốt bố ông ta ra tháp đặt. Có người đã rình ông ta vừa quay vào thì lập tức ra đào lên vứt đi đâu không ai biết''. Ông Băng Sơn có một câu chuyện khác: ''Hôm táng, đêm tối nhá nhem, đám thợ sau khi đã hoàn thành công việc, lẻn quay trở lại vứt cốt ông lão xuống hồ rồi''. Ông Nguyễn Vinh Phúc cân nhắc hơn: ''Tôi không dám khẳng định cốt trên gò còn không, nhưng theo dư luận nhân dân thì người Hà Nội đã đào vứt đi ngay. Nhưng đấy là dư luận''. Anh Bảo, một nghệ sĩ sống ở Hàng Đào cũng từng bảo tôi: ''Tôi nghe bố tôi kể, sau đêm cải táng bố Bá Kim, sáng hôm sau cốt đã bị đào đi mất tích''.


Câu chuyện phá cốt nhà Bá Kim trên gò Rùa là như thế. Một câu chuyện rất hay của người Hà Nội. Cái lá thuốc đắp lên vết thương.


Bây giờ tháp Rùa đã trở thành cái gì đó trang nghiêm bất khả xâm phạm ngay cả với người biết rõ chân tướng của nó. Còn câu chuyện phá cốt Bá Kim lại như một thứ dã sử vỉa hè. Bằng sự từng trải của mình, bậc đàn anh của tôi không hứng thú lắm với câu chuyện tháp Rùa. Anh nói đúng. Tôi cũng biết thế. Nhưng tôi vẫn thích những anh chàng thợ xây vô danh đêm đó, họ có thật, trong lòng người. Tôi thích họ, và tôi thích nghe lại những câu chuyện dã sử bên vỉa hè lịch sử, trong những quán nước chè.


(Theo Tiền Phong)

4 comments:

  1. Bạn ạ, nếu bỏ qua yếu tố lịch sử, kiến trúc mà chỉ bàn trên bình diện tâm lý, thật sự nó đã ở đó, đủ để chúng kiến Hà Nội từ buổi đầu nó đươc dựng lên ở cái gò đó, cho đến nay cũng đủ để cho những ai là người Hà Nội mà đi xa để nhớ " quê hương là chùm khế ngọt...." Ấy, đó là cái gọi là là là văn hoá ... chả thế mà dù lịch sử có lục lọi bản thân nó tới đâu thì nó vẫn là tình cảm của mỗi người những ai đã từng sinh ra và lớn lện ở Hà Nội cùng chứng kiến những ngày thanh niên Hà Nội ra chiến trường chống Mỹ.. những người bậc cha anh chúng ta... cũng như những bài hát , thi ca thường nhắc tới vì nó đã vào lòng người Hà Nội bất chấp lịch sử. Bạn thân mến ! tôi rất yêu Hà Nội. Cứ mỗi lần trở về Hà Nội, tôi vẫn thích uống cà phê ở "kem bốn mùa cũ"và mặc sức thả dòng suy nghĩ theo hồ và ngắm cầu đỏ ( tôi tự đặt tên) rồi ngắm mọi người qua lại... Nếu bạn đang ở Hà Nội hãy giúp tôi một viêc là Ra đó uống một thức uống nào đó mà bạn thích và thưởng thức nơi đó giùm tôi. Nếu ai chưa xa Hà Nội hẳn chưa hiểu được nối nhớ da diết là như thế nào? Cái Hạnh phúc nhất thường bắt đầu từ cái giản dị nhất. Vậy mà tôi cũng không có, bạn ạ. Tôi rất thích đươc biết những điều này. Nhưng tôi yêu Hà Nội lắm vì vậy tôi cũng rất thích cái tháp rùa đó.Nếu bây giờ phá nó đi không biết gì sẽ xảy ra nhỉ? !!!!! Rất cảm ơn bạn , nhờ có bài viết này mà tôi được bộc lộ tình cảm của mình . Cảm ơn bạn rất nhiều.

    ReplyDelete
  2. Bạn ah. Rất vui được làm quen với bạn.
    Mình cũng là một người rất yêu Hà Nội. Mình cũng có những quãng thời gian khá lâu rời xa Hà Nội. Có lẽ nếu chúng ta bước đi tới những nơi xa hơn và nhìn lại quê hương mình thì sẽ có được cái nhìn xác đáng hơn chăng? Có những điều mà hồi còn trẻ (nghĩa là trẻ hơn thời hiện tại - vì bây giờ tôi vẫn còn trẻ mà. ^_^)tôi đã nghĩ rằng tại sao Hà Nội của chúng ta lại có những nghịch lý như vậy. Nhưng bây giờ thì tôi cũng phần nào có thể tự lý giải được. Bạn có thể tìm đọc thêm chủ đề này trong một tập tiểu luận mới rất hay của Hồ Anh Thái: Hà Nội, con thuyền, phù sa.

    ReplyDelete
  3. Khi gửi cho cho vài dòng lần truớc xong tôi cảm nhận một nỗi xót xa cho cái hồ gươm. Giá mà có một luận án nào đó cho cái tháp rùa ấy. Có đủ sức thuyết phục để sửa nó lại văn hoá hơn và ý nghĩa hơn. truyền lại lịch sử ở những thế kỷ sau nhưng công của thế kỷ này. Cái sai mà không sửa thì còn có lỗi nhịèu hơn cái mà chúng ta đang nhớ nhung nó. Thế hệ truớc chúng ta và cả chúng đang có lỗi với lịch sử đó. Bạn thấy thế nào?( Với tôi nhìn nhận ở góc độ bản chất lịch sử , sẽ phải xem xét ở nhịèu góc độ khác nhau). Mong sao hồ gươm của chúng ta sẽ được trau chuốt lại sao cho đúng với cái tên của nó. Tinh tuý hơn, văn hoá hơn

    ReplyDelete
  4. Khi gửi cho cho vài dòng lần truớc xong, tôi cảm nhận một nỗi xót xa khi nghĩ tới hồ gươm. Giá mà có một luận án nào đó cho cái tháp rùa ấy. Có đủ sức thuyết phục để sửa nó lại văn hoá hơn và ý nghĩa hơn. truyền lại lịch sử ở những thế kỷ sau nhưng công của thế kỷ này. Cái sai mà không sửa thì còn có lỗi nhịèu hơn cái mà chúng ta đang nhớ nhung nó. Thế hệ truớc chúng ta và cả chúng đang có lỗi với lịch sử đó. Bạn thấy thế nào?( Với tôi nhìn nhận ở góc độ bản chất lịch sử , sẽ phải xem xét ở nhịèu góc độ khác nhau). Mong sao hồ gươm của chúng ta sẽ được trau chuốt lại sao cho đúng với cái tên của nó. Tinh tuý hơn, văn hoá hơn . Chào nhé. HHạnh

    ReplyDelete