Như một thói quen, hôm nào anh cũng ăn sáng kèm theo 2 tờ nhật báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Sáng nay cũng vậy. Khi đọc được tin cây cầu bắc qua đoạn sông Mekong nối liền giữa 2 tỉnh Savannakhet (Lào) với Mukhdahan (Thái Lan) bằng nguồn vốn viện trợ ODA của Chính phủ Nhật đã chính thức khánh thành ngày hôm qua, một cảm giác vui vui chợt đến với anh. Một năm rưỡi trước đây, trước mắt anh, cây cầu này mới chỉ hoàn thành được 70% khối lượng, và anh còn nhớ tấm biển giới thiệu nó còn ghi là sẽ khánh thành vào tháng 6/2006. Vậy là thực tế đã chậm mất nửa năm, nhưng dù sao nó cũng đã hoàn thành. Cây cầu này được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy kinh tế của cả vùng miền Trung 3 nước Thái – Lào – Việt với con đường Xuyên Á hướng ra biển Đông đầy tiềm năng. Từ nay, dòng sông Mekong sẽ không còn là trở ngại cho bà con sống ở 2 tỉnh này nữa. Anh đã từng nếm trải cảnh chen chúc nhau trên những chuyến phà chật chội qua lại 2 bên trong ngày hội Bum (giống như ngày rằm quê ta, nhưng họ tổ chức khá hoành tráng, có đua ghe ngo, có hội chợ,...), cũng như cảnh bát nháo trên bến dưới thuyền, không khác gì bến phà Sông Lam cách đây 15 năm nơi một năm đôi lần mình trở về thăm quê. Anh cũng không thể quên được những đêm ngồi một mình ngay rìa sông lộng gió ở phần đất Sa vẳn, nhìn sang ánh đèn lấp loáng bên kia sông nơi quê hương của đương kim hoàng đế Thái Lan, trước mặt là chai bia Lào và con cá nướng muối mặn đặc sản sông Mekong để nghĩ về đất nước Lào anh em. Chỉ có mấy ngày ở Savannakhet mà sao anh thấy vùng đất này thật thân quen, cảnh vật cũng giống như thị xã Hà Tĩnh hay Đồng Hới, Tuy Hòa. Thú vị nhất là có thể nói tiếng Việt thoải con gà mái, vì hầu như ai ở đây cũng hiểu tiếng Việt. Cộng đồng người Việt ở đây chiếm chừng 10-15% dân số, chưa kể đến những anh em dân xây dựng, thủy lợi, giao thông sang đây làm dự án. Vẫn là thói quen của một kẻ lữ khách giang hồ, qua những câu chuyện dặm đường mịt mù bụi trên chiếc săm lọ (giống xe tuktuk hay xe lam) với chú cựu lính tình nguyện chiến trường Lào người gốc Huế, qua mấy đêm dốc cạn chai Beer Lao với anh Sơn – chủ khách sạn Mekong nơi anh trú ngụ, qua buổi dự giờ một lớp học ở trường tiểu học Hòa Bình do bà con mình lập nơi, anh đã hiểu thêm về những thăng trầm của cộng đồng người Việt trong nửa thế kỷ qua ở xứ sở Lanxane (Triệu Voi)...
... Lại chợt nhớ đến những câu thơ viết về quan hệ chị em Việt – Lào, từ những câu của lãnh tụ như:
Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt – Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Đến những câu thơ dân gian vui vui kiểu:
Một vợ thì nằm giường Lèo,
Hai vợ thì nằm chèo queo,
Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm.
Chú thích ở đây là giường Lèo, tức là giường Lào, được làm từ những loại gỗ quý, ý nói ai mà chung thủy 1 vợ 1 chồng thì sẽ sung sướng, nhà cao, cửa rộng, blah blah...
Entry này xin tạm dừng ở đây, hẹn một dịp sẽ viết về 2 chủ đề, (1) Người Việt ở Lào, (2) Bia Lào (hihi, mình đặc biệt hứng thú với khoản Beerlao đấy!)
<Blog entry này dành tặng bố – một cựu binh chiến trường Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum – nhân ngày sinh nhật hôm nay >
Happy Birthday to your father! All the best wishs and wish you happy together :)
ReplyDelete