Tuesday, 26 September 2006

Memoirs of my first time in Japan

(Hôm nay lại lục máy tính được bài viết này mình  giới thiệu cho website mới của Japanese Study Center - Osaka University of Foreign Studies cách đây gần 4 năm. Tớ vẫn giữ nguyên bản original coi như là để nhớ lại những ngày đầu tiên tập tành viết văn tiếng Nhật Image)

これからセンターのホームページができて、本当にいいことだと思います。現在、日本語センターに通っている学生のみならず、既に卒業した学生もどこにいてもセンターの活動を知ることができ、メッセジーを交わしたり、思い出を浮かべたりできるのは何よりです。一年間センターに通っている僕は提示版に載せるため文章を書いてくださいと言われて、ちょっと困っているんです。困難するのは文章の内容がないわけではありません。逆に思い出いっぱいあるので、どんなことを選んで書いて良いのか戸惑ってしまいました。しかも、僕なんて母語で文章を書くのも苦手で、日本語で書くのは絶対うまくできないと思います。それ故に、書く途中、何を思い出すのか、順番なしに、そのまま移そうと考えております。


                                


僕にとって, 日本に留学するのは最初の長期海外進出のことです。向こうで3年間ぐらい日本語を学んでいたけれど日本に到着するまでに日本での生活とか殆ど知りませんでした。しかも、家族と離れ始まり、炊事とか洗濯など今まであまりやったことのない僕には、実は簡単なことではありません。とはいえ、一週間を経て段々なれてきました。だけどもっとコワイなことが発生しました。それは、能力検定テストでした。テストの日の昨夜寝られぬまで凄くドキドキしました。当日、その気持ちで試験場に行ったが、先生方々が安心させてくださった、ほっとしまして、自分の能力を生かすことができ、結果も悪くはありませんでした。


                                


今年の日研生(日本語・日本文化の研究生)の人数が前年より結構増えてきたと先生方々がおっしゃいました。世界のいろいろの国の人からやってきて、文化・習慣が違って、日本語能力もさまざまだったが、僕は驚くほど皆非常に仲良くしています。やはり日本語を始め、日本の有様を勉強するだけではなく、授業とか生活などを通して、お互いの文化・言葉・国民性も教われます。ちょっと自慢なことなんですが、今僕は他国の友達の教えてくれたお陰で五つ以上の言語の簡単な挨拶ができました。


                                


日研生というのは、学校で日本語・日本文化を勉強することにとどまらず、見学旅行を通じてアチコチに行って、実際のニッポンを見ることができるようにセンターがクラキュラムに用意して頂きました。福井県・石川県・香川県・淡路島・広島県・トヨタ工業・明治村・浪速など全て勉強になった旅でした。間違いなく「百聞は一見に如かず」。しかも、そのたびをきっかけに僕らは先生方々とセンターの事務担当者と全く気取りのない親しみ雰囲気で過ごせました。皆一緒にお酒を酌み交わしたり、盛り上がるほど踊ったり、笑い話をしたりして、びっくりするほどぜんぜん気づかないまま、いつの間にか日本文化を身に付きました。その旅行の思い出は僕の頭にはいっぱい、いっぱい・・・


                                


800文字で書いてくださいと言われましたが、言いたいことは数え切れぬほど多く残っているですが、もう1000文字を越えたから終わらせてもらいます。皆さん、是非、内のセンターのホームページをご覧頂ければ幸甚です。



Thursday, 21 September 2006

Thầy Ánh

<Ôn lại chuyện thời học sinh một chút nhân dịp tối hôm qua vừa ngồi uống cà phê với ông bạn cấp 2 T.T.Đ. Tuấn vừa từ Đức Quốc về thăm nhà sau hơn 4 năm lưu lạc. Luôn tâm niệm một mong muốn Thầy Ánh của chúng tôi luôn mạnh khỏe để chứng kiến các thế hệ học sinh của thầy trưởng thành>



THẦY ÁNH




Chắc chắn Thầy Lê Ngọc Ánh là một trong những người thầy ấn tượng nhất đối với tất cả các thế hệ học sinh chuyên Toán cấp 2 Trưng Nhị Hà Nội. Không phải vì Thầy là trưởng bộ môn Toán, cũng không hẳn là vì rất nhiều học trò các lứa của thầy từng đạt thành tích cao trong thi cử và thành đạt trong cuộc sống. Mà đó là vì phong cách sư phạm của Thầy.


Lứa học sinh 1992-1996 chúng tôi là lớp cuối cùng Thầy làm chủ nhiệm trước khi thầy về hưu. Thầy đã nói với chúng tôi ngay từ hồi lớp 7 rằng Thầy chẳng hy vọng gì ở cái lớp này giành giải này giải nọ, và quả thật trong số chúng tôi chả có ai có khả năng xuất chúng hẳn về Toán để có thể bon chen làm ứng cử viên thi IMO vài ba năm sau cả. Vì thế, Thầy sắp xếp cho chúng tôi học Toán với một lượng thời gian tương đối khiêm tốn so với các khóa trước, “chỉ có” 3/5 ngày trong tuần, mỗi ngày 5 tiết, để chúng tôi có thời gian học các môn khác. Được Thầy chuẩn bị tâm lý không nặng nề chuyện thi cử như vậy, nên chúng tôi học rất thoải mái, không chịu nhiều áp lực thành tích dù năm nào cũng cắp bút đi thi học sinh giỏi. Phải mào đầu dài dòng như vậy để giải thích rằng hồi đó chúng tôi không hề thấy Thầy “kinh hoàng” như lời các anh chị khóa trước kể lại. Thầy có “biệt tài” mắng học sinh. Thầy có thể mắng chúng tôi, từng đứa một,  từ tiết 1 cho đến hết tiết 4, còn tiết cuối dành cho chữa bài tập, rồi cả lớp đi về. Các bài mắng của Thầy thì vô cùng đa dạng, từ việc gán ghép cho chúng tôi tên những nhân vật trong truyện chưởng như Âm Ty Công Chúa, Tiểu Ma Nữ,...cho đến những bài văn vần thày tự sáng tác như đoạn này chẳng hạn: “Thằng mọi cà răng căng tai, ma cà bông, ma cà bui, lúi dúi đầu đường. Bảy phần ma ba phần hồn, chín khỉ một người, đá một phát dính vào tường mưa tầm tã bảy ngày lấy xà beng cậy không ra”. (câu này nếu trí nhớ không phụ bạc mình thì hình như rất hay được dành cho Hải Hấp - tức Âm Ty Công Chúa)


Hồi học lớp 7, bọn chúng tôi đã vô cùng khiếp sợ mỗi khi đến giờ của Thầy. Cái gì Thầy cũng mắng. Từ không làm bài tập ở nhà, giải toán sai, bị cô giáo dạy Anh ghét cho cả lớp điểm sinh hoạt O, cho đến trốn chào cờ hay chuyện lặt vặt kiểu như bỏ học đi đá bóng thế mà cũng bị mắng!!! Nhưng đến lớp 8, lớp 9 thì bọn trẻ đã bắt đầu quá quen thuộc với việc này, nên không còn cảm thấy sợ nữa. Ngược lại là đằng khác. Chúng tôi luôn mong ngóng đến giờ học Toán để được nghe Thầy “đọc thơ” và không phải lên bảng chữa bài. Đối với chúng tôi thì việc lên bảng chữa bài tập Toán là một trong những màn “tra tấn tinh thần” mà chắc không đứa nào có thể quên. Chú nào lên bảng mà chả cóng như bắt phải hát dân ca quan họ trên New thì chớ mà Thầy ở dưới cứ comment liên tục làm cho càng cà cuống. Càng cuống thì càng dễ nhầm. Càng nhầm thì càng phải đứng trên bảng lâu. Cứ đứng làm bài, tẩy đi xóa lại thôi. Khi nào xong mới được về chỗ ngồi dù cho để giải một bài toán có thể mất cả tiếng đồng hồ loay hoay. Bây giờ nghĩ lại, mới thấy cái thái độ tự tin bây giờ của nhiều bạn lớp 9A xưa khi diễn thuyết trước đám đông (kể cả trước truyền hình hay cử tọa hàng trăm người - bạn nào không tin thì kính chuyển đồng chí Triệu Trần Đức chứng nhận cho cái nhỉ!) phải chăng cũng có phần là kết quả của những ngày đứng trên bảng “cãi nhau” với thầy Ánh và cả lớp về một bài toán khó thuở thiếu thời?


Hihi, chỗ này em Tuấn học trò cưng của Cô Chung dạy văn phải xin Cô lượng thứ nhưng những kiến thức về văn chương bọn em có được từ thầy Ánh còn nhiều hơn là từ chương trình Văn của Bộ Giáo Dục Việt Nam mà cô buộc phải dạy theo (dù chúng em biết chắc chắn là cô không thích thú gì với mớ kiến thức đó khi luôn cho điểm cao những bài văn phá cách và có những ý tưởng khác lạ). Đối với bất kỳ chủ đề gì Thầy Ánh cũng có thể nói chuyện về nó trong ít nhất 1 tiết học. Ví dụ như Thủy bịp hồi đó thích nhất đội tuyển Đức và tiền đạo cắm Rudi Voeller thì một hôm đẹp giời nhân dịp bạn Thủy giải được bài toán khó Thầy đã tặng cho bạn và cả lớp một bài diễn thuyết khéo phải mất đến gần 2 tiếng về nước Đức, người Đức và ngôn ngữ Đức! (Hihi, phải thế chăng mà giờ đây Tiến Sĩ Hóa Học Hoàng Cẩm Thủy dù đang sống Phú Lãng Sa vẫn kiên định tình yêu đối với nước Đức và nền bóng đá Đức, theo như thông tin tình báo mới thu thập được) Hay bạn Lê Tuấn Nhã thích truyện chưởng thì Thầy bảo đến nhà, Thầy cho mượn một cơ số trong cả ngàn cuốn chưởng đủ loại từ Kim Dung, Cổ Long cho đến chưởng nội made in Vietnam trên giá sách của Thầy. Bạn Văn Đức thích vật lý thì Thầy kể chuyện Vật Lý Vui của bác gì mà kô kô có râu quai nón người Nga quên xừ nó mất rồi, Shevchenko thì phải, cho mà nghe. Có bạn nào biết nick YM của Tiến sĩ Vật Lý Nguyễn Văn Đức thì nhắn bạn ấy vào đây còn phơm phát nhỉ? Bạn Lan Anh thần tượng Michael Corleone từ hồi lớp 8 và coi “Đắc Nhân Tâm” của lão gì mà thất nghiệp xin vào chỗ nào cũng không xong bèn quay ra viết sách tự an ủi bản thân làm sách gối đầu giường thì được Thầy giảng cho trọn bộ 3 tập "The Godfather" kèm tặng thêm cuốn "Mafia Đặc sản Huê Kỳ".


Thầy ghét nhất những trò ma giáo như quay cóp. Có đứa trốn chào cờ, cả lớp nghe mắng. Bị điểm sinh hoạt kém, bà giáo Sinh vật (hồi cấp 2 mình ghét nhất bà này) phàn nàn lớp mất trật tự, cả lớp cũng chỉ bị mắng là cùng. Nhưng nếu bị phản ánh quay cóp trên diện rộng (nhất là mấy môn Sinh Sự) thì cứ đến giờ Toán là cả lớp ngồi chơi cả tuần luôn, không học hành gì cả. Đấy mới là hình phạt đáng sợ nhất đối với chúng tôi hồi đó.


Câu nói mà Thầy rất “ưa thích” khi mắng đứa nào đó trong chúng tôi là “Đừng có mà dùng vải thưa che mắt Thánh”. Thế là chúng tôi hiểu, vì THÁNH có nghĩa là Thầy ÁNH.


-----


Tản mạn vài hàng như vậy về một trong những người Thầy đáng kính trọng nhất đối với tôi. Nhờ có Thầy mà chúng tôi có được niềm yêu thích học Toán mà không bị “lú lẫn” chỉ biết có Toán không học các môn "phụ". Thầy đã khơi nguồn cho chúng tôi khái niệm critical thinking, hay think different. Nhưng điều quan trọng nhất là Thầy đã dạy cho chúng tôi những bài học quan trọng về cách làm Người – luôn trung thành với các nguyên tắc do mình đặt ra và tự chịu trách nhiệm với tất cả các hành động của mình.


 

Iran không phải là Iraq!



Tháng 3 vừa rồi, tôi có dịp sang Iran trong vòng khoảng hơn 1 tháng. Ấn tượng chung về đất nước này quả thật rất khác so với hình dung của tôi trước khi đi. (Anh Tuấn) <Bài này tôi viết vào hồi tháng 4 và đã gửi đăng trên VnExpress: http://vnexpress.net/Vietnam/Ban-doc-viet/The-gioi/2006/04/3B9E90C2/>


Về văn hoá, người dân Iran hết sức tự hào vì là chủ nhân của một trong những nền văn minh lâu đời trên thế giới - văn minh Ba Tư. Nền văn minh này đã từng có lãnh thổ ảnh hưởng bao trùm lên toàn bộ vùng Trung Á, sang đến Ai Cập và xuống đến vùng phía Tây Ấn Độ.


Hẳn ít người Việt Nam nào mà lại chưa từng biết đến một nàng Seheradaz xinh đẹp bằng trí thông minh của mình đã chinh phục trái tim vị quốc vương khó tính trong Bộ truyện Nghìn lẻ một đêm, hay chuyện chàng Aladdin với cây đèn thần và Tấm thảm bay,... Tất cả đều bắt nguồn từ nền văn minh hơn 3500 năm lịch sử này.

Về cuộc sống hiện tại, cũng như nhiều quốc gia Hồi giáo khác, Iran rất may mắn được làm chủ một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá là dầu mỏ. Họ cho rằng, dầu mỏ chính là món quà mà Thánh Allah ban cho người Hồi giáo. Không chỉ sống dựa vào dầu mỏ, các ngành công nghiệp của đất nước này cũng rất phát triển.


Một ví dụ là ngành công nghiệp ôtô: Hãng xe Iran Khodro là hãng xe có số lượng xe bán ra đứng thứ 10 thế giới, mỗi năm chỉ tính riêng lượng xuất khẩu sang các nước thuộc khối Arab đã là khoảng 6-7 triệu chiếc (theo Iran Daily). Liên kết với hãng xe Peugeot, Iran Khodro cũng chiếm thị phần gần như tuyệt đối ở thị trường nội địa. Một con số thế này để bạn đọc dễ hình dung: thủ đô Tehran có 12-13 triệu dân thì có khoảng 3-4 triệu chiếc ôtô thường xuyên chạy trên đường. Chắc là con số này cũng đủ nói lên nhiều điều nếu so sánh với lượng xe hơi bán ra hàng thàng chưa đến 2000 của các doanh nghiệp thuộc Vama. Tất nhiên là về chất lượng thì còn phải bàn nhiều. Có lẽ là do giá xăng ở đất nước này quá rẻ (tính ra tiền Việt chỉ có 1500 đồng/lít) nên họ có vẻ không chú trọng nhiều đến yếu tố tiết kiệm nhiên liệu chăng và mức độ ô nhiễm ở thủ đô Tehran thì xấp xỉ mức báo động!

Người dân Iran trước năm 1979 có phong cách sống không khác gì người phương Tây, nhưng sau cuộc Cách mạng Hồi giáo của Giáo chủ Khomeni thì người dân buộc phải tuân thủ các giáo luật của đạo Hồi Shiite. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Hồi giáo Shiite luôn bị che lấp dưới cái bóng quá lớn của dòng Sunni và Cách mạng năm 1979 đánh dấu bước ngoặt lớn của Hồi giáo khi người Shiite kiểm soát được một trong những quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới cả về tiềm lực quân sự, kinh tế.

Trong thời gian ở Iran, tôi nhận thấy là người dân nước này rất có cảm tình với người Việt Nam. Họ được giáo dục ở trường khá nhiều về cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta và điều thú vị là rất nhiều người trong số họ biết khá rõ về những chiến sỹ Bắc Việt thời trước 1975.

Qua cảm nhận thực tế của tôi, có lẽ các bên đang tranh cãi nhau về vấn đề Iran cần ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một giải pháp phi quân sự. Nếu nước Mỹ tấn công Iran, họ sẽ khó có được một chiến thắng dễ dàng như ở Iraq, và chắc chắn sẽ làm vạc dầu Trung Đông bùng nổ và không biết thế giới sẽ đi về đâu. Iran thì cũng đang vấp phải nhiều vấn đề nội tại, như tình trạng thiếu hụt nhân lực lao động, năng lượng sắp cạn kiệt, trình độ công nghệ tương đối chậm theo kịp các nước phát triển, một chính phủ bị tôn giáo chi phối quá nhiều,… và theo tôi, người dân cũng không muốn xảy ra chiến tranh như những gì chính phủ lớn tiếng. Các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả Pháp, Đức cũng đều có những mối ràng buộc kinh tế rất lớn với đất nước rộng 1,5 triệu km2 này.

Tuy nhiên, tôi vẫn lo ngại về một cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh sẽ xảy ra như dự đoán của Giáo sư Huntington tại xứ sở Ba Tư này.

Tuesday, 19 September 2006

Bốn mùa như gió, bốn mùa như mây...



<Hôm nay xem lại đĩa phim này sau lần đầu tiên cách đây 2 năm. Một trong những bộ phim có lẽ là ấn tượng nhất với mình về những tư tưởng Phật giáo.  Phải chăng thực sự Giác Ngộ là cái cuối cùng mà tinh thần con người ta có thể đạt tới! Một bài review thật hay lấy từ yxine.com>

Cảm tác về bộ phim “ Spring, Summer, Fall, Winter and Spring” của Hàn Quốc
“Bốn mùa thay lá thay hoa thay cả đời ta. ”
Mùa xuân!
Khung cửa mở ra: mặt nước hồ mêng mang, tĩnh lặng giữa miền núi non xanh biếc chập chùng trong sương sớm mây ngàn... Một ngôi chùa nhỏ bé trôi chơ vơ giữa hồ. Nơi ấy có nhà sư già và chú tiểu nhỏ sớm chiều ngân nga tiếng kệ câu kinh. Mùa xuân khởi đầu một năm, một đời người hay khởi một vòng luân hồi trong sáu nẽo? Chú tiểu bé nhỏ ấy được nhà sư già hiền từ dưỡng nuôi giữa một cảnh giới yên bình tuyệt đẹp. Ngày ngày chú bầu bạn với thiên nhiên, với thảo dược, với thác nước, với tiếng gió reo trên mặt hồ, với những chú cá vàng, bầu bạn với bức tượng Phật cũ kỹ và với những ngọn nến lung linh toả bóng về đêm trên mặt nước ắt hẳn rằng tâm hồn chú bé phải rất đỗi thanh khiết bình an. Ánh mắt trẻ thơ trong veo như mặt nước hồ nhìn vị sư phụ chèo thuyền và nụ cười mới thơ ngây thánh thiện làm sao! Nhưng hỡi ôi, phải chăng cái ác khởi đầu ngay trong cái thiện, khổ đau bắt nguồn từ hạnh phúc, chia xa khơi mầm ngay từ những phút giây hội ngộ và trong nụ cười vui đã hàm chứa tiếng khóc bi ai? Trong mùa xuân hoa thơm cỏ lạ này có chăng cái lạnh mùa đông ngàn cây trụi lá? Chỉ qua là những trò chơi dại trẻ con là cột những viên đá vào những con cá con ếch con rắn vô tội chú bé đã học được những bài học đầu đời về nghiệp báo của thân phận con người. Sư phụ cột một tảng đá vào lưng chú bé để chú hiểu thế nào là nổi đau và yêu cầu chú bé phải giải thoát các con vật vô tội kia “nếu chúng chết thì con sẽ ân hận suốt đời”. Rồi chú bé ấy đã oà khóc nức nở khi các con vật này chết do sự nghịch ngợm của mình!

Nước mắt trên gương mặt thánh thiện trẻ thơ ấy có vơi đi chăng niềm ân hận trong tâm? Than ôi, “Nhân quả” từ đâu lại đến với một chú bé thơ ngây được lớn lên trong vòng tay nuôi nấng của nhà Phật từ bi và trong sự cưu mang của bao la trời nước núi non mùa xuân hiền hoà?

Và mùa xuân đã qua đi…

Mùa hạ!
Vẫn khung cửa gỗ mở ra trên mặt hồ…Chú bé ngày nào nay đã là một chàng trai cường tráng. Chàng đã lớn lên trong tiếng kệ câu kinh giữa miền núi non hoang vắng đẹp đến nao lòng. Tưởng rằng hai thầy trò sẽ sống mãi chuỗi ngày êm đềm nơi vùng hồ bình an xa cách cõi đời phiền trược ấy cho đến một sớm mai có hai mẹ con cô gái lên chùa chữa bệnh. Người mẹ từ giã nhà sư ra về để lại cô con gái ở lại chữa tâm bệnh tại chùa. Duyên khởi tự đâu, về đâu…Âu là lẻ thường tình trong trời đất, chàng trai-chú tiểu thơ ngây trong trắng đem lòng yêu cô gái ấy. Cơn mưa mùa hạ nào bay qua, chú tiểu thành khẩn cầm chiếc nón tre đứng che cho cô gái đang ngồi thơ thẩn nhìn mưa rơi giữa hồ. Một đôi trai gái trẻ trung xinh đẹp như thiên thần giữa đất trời mùa hạ tràn trề sức sống! Đâu là hạnh phúc, đâu là khổ đau, đâu là tình yêu đâu là thù hận đâu là tứ diệu đế thâm sâu của Phật môn? Chỉ còn đôi thân thể gái trai hoà quyện vào nhau như lẻ muôn đời của tự nhiên. “Việc ấy chỉ là bản năng”, nhà sư già đã bảo với chàng trai như thế và ông bảo cô gái nếu hết bệnh thì hãy ra về. Hỡi ôi “Có ái dục tức có đau khổ. Do sự phát sinh của ái dục, đau khổ phát sinh…” Chàng trai trẻ lẻ nào không biết đến lời dạy này của Đức Thế Tôn nhưng hỏi khắp thế gian mấy ai thoát được niềm hạnh phúc ngọt ngào và nỗi khổ đau cay đắng của nhân sinh? Trong buổi sớm mùa hạ sau khi người con gái ra đi, chàng trai đã bỏ lại sau lưng vị sư phụ già, mang theo trên vai pho tượng Phật cũ kỹ, mang cả con gà trống nuôi duy nhất của hai thầy trò vượt qua cánh cổng trên mặt hồ để tìm người yêu. Ra khỏi cánh cổng ấy là cảnh giới đầy hạnh phúc và khổ đau của loài người, chàng thả con gà trống ra để nó ngơ ngác giữa rừng, còn chàng trai, chàng có ngơ ngác và lạ lẫm với thế giới của cuộc đời này hay không?

Trong chùa, nhà sư già đã thức giấc tự lúc đệ tử ra đi nhưng ông không hề ngăn cản. Ông chỉ lặng lẻ ngồi kiết già trước bệ thờ trống không. “Chính nghiệp đã dẫn dắt thế gian này”, đã đưa cô gái đến đây và đẩy chàng trai biền biệt ra đi. Nhà sư già vẫn tiếp tục khe khẻ tụng kinh. Trên tường cao thấp thoáng hồi quang một hình bóng Đức Thích Ca trầm mặc.

Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ….ngoài kia gió ngàn đang reo, và dưới mặt hồ mây trắng nào vẫn bay mãi giữa trời xanh?

Mùa thu!
Khung cửa gỗ lại mở ra trên mặt hồ. Lá đỏ, lá vàng thấp thoáng ẩn hiện trong khói sương hư ảo. Mặt hồ thu đìu hiu phẳng lặng như một tấm gương phản chiếu sắc trời. Nhà sư giờ đây có vẻ già yếu lắm. Ông đang chèo chiếc thuyền nhỏ về chùa. Mở tờ báo gói lương khô ra ăn ông tình cờ đọc được mẫu tin “ người đàn ông 30 tuổi giết vợ và bỏ trốn”. Đó chính là đệ tử ông, chàng trai ngày nào, người đã từng được dưỡng nuôi và lớn lên trong nhân thiện lành của Phật môn! Gương mặt phúc hậu bình an nhà sư vẫn không hề biến đổi nhưng dường như ông đang cố nén một tiếng thở dài thật khẻ khàng. Ông chỉ từ tốn ngước nhìn chiếc chuông gió đang đong đưa trong nắng thu vàng. Từng cơn sóng nhỏ lăn tăng thật nhẹ trên mặt khói hồ thu và chiếc chuông gió bé tý ngân nga dưới mái hiên chùa…Ngôn ngữ điện ảnh quả đạt đến mức vô cùng tinh tế! Hỡi ôi, hỡi ôi… Trong lòng nhà sư già ấy có trùng trùng sóng gió hay chăng một khi ông đã liễu nghĩa viên mãn lẽ sắc không vô thường của vạn pháp?

Khói trời, khói sóng và tơ sương mùa thu như lắng đọng khắp không gian. Đứa con của ngôi chùa nhỏ lại tìm về nương náu chốn xưa. Còn đâu chàng trai trong trắng thơ ngây ngày nào? Gương mặt chàng giờ đây đượm đầy vẻ phong sương khắc khổ. Đón chàng về vẫn là người thầy già bình thản. “Hãy kể cho ta nghe về cuộc sống của con trong thế giới những người đàn ông” nhà sư hỏi chàng. Đáp lời thầy, chàng trai đau khổ hận thù gào thét :”Thầy không thấy rằng con đang rất đau khổ hay sao?”. “ Điều gì làm con đau khổ? Đôi khi người ta phải biết bỏ những cái mình thích vì sẽ có những người thích những cái như mình!” - Nhà sư bảo người đệ tử. “Có ái dục tức có đau khổ”. Làm sao chàng trai với tâm hồn chất chứa khổ đau và thù hận kia nguôi ngoai! Chàng yêu vợ mình xiết bao mà nàng lại bỏ chàng đi theo người khác! Kính cẩn đặt lại bức tượng Phật năm xưa lên bệ thờ rồi chàng cầm con dao giết vợ dính đầy máu đâm mãi xuống sàn gỗ, chàng định tự vẫn. Nhà sư đã đánh đòn chàng thật đau “ dù con có chết thì tâm con vẫn đầy hận thù và đau khổ!”. Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn….Nhà sư già ngồi lặng lẻ viết bài Bát Nhã Ba la mật đa tâm kinh trên sàn gỗ và bảo chàng trai dùng con dao vấy đầy máu tươi khắc bài tâm kinh ấy. Tiếng chuông gió vẫn ngân nga trong nắng vàng và lòng thù hận khổ đau của chàng trai kia có vơi đi chăng theo từng nhát khắc thật mạnh, thật sâu trên sàn gỗ?

Nhưng ngôi chùa nhỏ giữa hồ trên núi cao này nào đâu phải là chốn ẩn thân cho những kẻ đã gây ra tội nghiệt nơi trần thế? Hai người cảnh sát đã truy nã đến nơi và nhà sư già đã chèo thuyền đón họ vào chùa. Chàng trai đang khắc gỗ liền giương dao toan chống cự và hai người cảnh sát đã rút súng ra. Không gian mùa thu vô vàn tĩnh lặng nơi đây giờ như khuấy động bởi những sát khí của cuộc đời! “ Con làm gì đấy, hãy tiếp tục khắc đi!”- Nhà sư quát chàng trai và ông xin hai người cảnh sát hãy chờ cho chàng khắng xong bài kinh cho đến sáng mai. Hai người cảnh sát ấy đã nhận lời. Chàng trai đã quỳ khắc mãi khắc mãi khi đêm về. Trong đêm thu người cảnh sát đã cầm ngọn nến để soi cho chàng trai khắc bài tâm kinh. Từng câu chữ sắc không ẩn mật muôn đời hiện sâu trên sàn gỗ dưới ánh nến lung linh huyền ảo! Mật nghĩa uyên nguyên nào của bài tâm kinh kia đã khiến cho chàng trai-kẻ tội nhân đầy đau khổ và người cảnh sát- kẻ thi hành công lý của cuộc đời trong đêm ấy lại sát cánh bên nhau khắc trọn bài kinh trên sàn chùa? Khi ánh sớm mai ló dạng là lúc chàng trai nằm lăn ra ngủ sau khi khắc xong chữ cuối cùng. Nhà sư già đã cùng hai người cảnh sát đã dung sơn chế từ vỏ sò vỏ trai mà sơn hết những chữ của bài kinh trên san gỗ. Đã đến giờ phải ra đi! Nhà sư đánh thức chàng dậy. Trong ánh nắng sớm thu chàng trai ngỡ ngàng nhìn bài kinh đã được sơn màu ngũ sắc trên sàn chùa. Bái biệt người thầy già thân yêu chàng trai theo hai người cảnh sát xuống chiếc thuyền con. Nhà sư già đứng lặng người nhìn theo lưng người đệ tử. Ánh mắt ông dường như ẩn chứa bao điều muốn nói và trong một sát na khởi một niệm đột nhiên chiếc thuyền con liền dừng lại giữa hồ! Trong sự kinh hoàng của viên cảnh sát chàng trai quay lại nhìn thầy mình đang vẫy tay. “ Đi qua, đi qua đến bờ bên kia…” chiếc thuyền lại trôi đi trong những câu bát nhã tâm kinh nào tụng niệm giữa không gian…

Cũng đã đến lúc nhà sư già yếu về nơi vĩnh hằng. Khi chiếc thuyền con chở di thể hoả táng của nhà sư chìm dần xuống nước thì một con rắn bò ra. Con rắn ấy (nàga) phải chăng là một ẩn dụ cho trí huệ minh triết, cho thể phách tinh anh của người thầy già.

Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ! Sinh tử như mây bay, đi về như nước chảy…và mùa thu cũng qua đi…qua đi…


Mùa đông!
Khung cửa gỗ mở ra. Chàng trai trẻ ngày nao bây giờ đã là người đàn ông đứng tuổi trở về. Ông kính cẩn đảnh lễ trước tăng y và tràng hạt của thầy. Một lần nữa con rắn tượng trưng cho trí huệ lại nằm cuộn tròn trong di y của nhà sư. Trong cái giá lạnh buốt của mùa đông người đàn ông lại đi đục tìm những viên xá lợi từ thân xác của thầy mình vùi chôn dưới mặt hồ đầy băng tuyết. Từ đâu bỗng có người đàn bà bịt mặt đem một đứa bé đến chùa…Trong đêm lạnh giá người đàn bà lại quày quả ra đi để lại đứa bé ở chùa.

Và để trả nghiệp báo cho những con vật nhỏ bị mình cột đá ngày xưa, người đàn ông lại cột vào người mình một tảng đá to hình tròn như một bánh xe luân hồi và ôm vác tượng Phật Quán Thế Âm lên núi cao. Bức tượng Quan Âm tọa vị trên cao nhìn xuống thế gian bên dưới chìm trong tuyết trắng, nhìn xuống mặt hồ đóng băng và ngôi chùa nhỏ bé lênh đênh….

Bốn mùa như “mộng huyễn bào ảnh, như giọt sương ánh chớp” đã qua đi và mùa xuân lại về!

Rồi Mùa xuân!
Khung cửa mở ra: mặt nước hồ mêng mang, tĩnh lặng giữa miền núi non xanh biếc chập chùng trong sương sớm mây ngàn... Muôn hoa lá rực rỡ khoe màu giữa sắc xuân của trời đất. Người đàn ông bây giờ lại là nhà sư già và chú bé lại là chú tiểu tiếp tục luân khởi một vòng duyên nghiệp…

Bức tượng Quán Thế Âm trên núi cao vẫn muôn thuở “từ nhản thị chúng sinh”, an nhiên nhìn xuống mặt hồ xanh biếc và ngôi chùa nhỏ bé chơi vơi, an nhiên nhìn chú tiểu bé con đang diễn những trò chơi dại với những con vật nhỏ bé hiền lành…

Bốn mùa như gió, bốn mùa như mây, bốn mùa qua đi và chỉ còn dấu vết để lại như những tấn tuồng ảo hóa…


South Korea/Germany, 2003
U.S. Release Date: 4/2/04 (limited)
Running Length: 1:43
MPAA Classification: R (Sex)
Theatrical Aspect Ratio: 1.85:1

Cast: Oh Young-Soo, Kim Jong-ho, Seo Jae-kyeong, Kim Young-min, Kim Ki-duk, Ha Yeo-jin
Director: Kim Ki-duk
Producers: Lee Seung-jae, Karl Baumgartner
Screenplay: Kim Ki-duk
Cinematography: Baek Dong-hyeon
U.S. Distributor: Sony Pictures Classics
In Korean with subtitles

Tuesday, 12 September 2006

Book Review: Lịch sử Nhật Bản



Không giống những cuốn sách sử thông thường, ''A History of Japan'' đề cập không chỉ đến những sự kiện chính trị mà xuyên suốt vài trăm trang sách là vô số các câu chuyện về văn hóa và xã hội Nhật Bản. Độc giả cũng thật khó có thể hình dung mình đã tiếp thu một khối lượng kiến thức nhiều như vậy...


Trong 30 năm nay, tên tuổi của R.H.P Mason và J.G Caiger[1] đã trở nên không hề xa lạ với giới nghiên cứu lịch sử Nhật Bản qua cuốn sách A History of Japan với bản chỉnh sửa gần đây nhất vào năm 1997 (NXB Tuttle Publishing). Cuốn sách không dày, đặc biệt là đối với một cuốn sách sử bao quát từ thời lịch sử cổ đại khi mới lập quốc (thế kỷ 6) cho tới những cuộc bão táp chính trị - kinh tế thập niên 90 của thế kỷ 20. Nguyên bản tiếng Anh chỉ vỏn vẹn 408 trang, không thể so sánh với những bộ như Nihonshi (Nhật Bản sử) ba bốn chục cuốn với tổng số hàng vạn trang, và dĩ nhiên, nó cũng không thể là cuốn mỏng nhất. Nhưng trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi có thể nhận định rằng: đây là một trong những cuốn sách hay nhất về lịch sử Nhật Bản, xét theo nhiều khía cạnh.
  
  Không giống những cuốn sách sử thông thường, A History of Japan đề cập không chỉ đến những sự kiện chính trị mà xuyên suốt vài trăm trang sách là vô số các câu chuyện về văn hóa và xã hội Nhật Bản. Độc giả cũng thật khó có thể hình dung mình đã tiếp thu một khối lượng kiến thức nhiều như vậy về 2.000 năm văn minh Nhật Bản qua có hơn 370 trang sách khổ trung bình. Các sự kiện đều có những sợi dây liên kết chặt chẽ và người đọc như bị cuốn mình vào cuộc hành trình vô tận của lịch sử, với những kiến giải vô cùng súc tích, mạch lạc về các nhân vật, địa danh và thời điểm lịch sử. Một mở ngoặc nhỏ: các tác giả đã thể hiện tình cảm của mình cho tiến trình phát triển về các môn nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca, vì thế cuốn sách còn khơi gợi được những giá trị thẩm mỹ sâu xa hơn nhiều so với chỉ cung cấp những thông tin lịch sử đơn thuần. Tất nhiên, nó trước hết vẫn là một cuốn sách sử, vì thế 2/3 số chương là về chính trị và lịch sử nói chung, còn 1/3 đề cập đến những vấn đề tôn giáo và văn hóa.
  
  Nếu phải chỉ ra một điều mong muốn cuốn sách đầy đủ hơn thì đó là các tác giả đã đi hơi lướt qua một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong lịch sử Nhật Bản là thời Chiến quốc (sengoku jidai) thế kỷ 16. Đó là thời kỳ đã làm thay đổi toàn diện cơ cấu chính trị của Nhật Bản, theo đó chiến thắng của Hideyoshi Toyotomi (1536-1598) đã thiết lập quyền lực tối cao của vị thống soái - quan nhiếp chính (kanpaku), và sau đó là taiko, dưới danh nghĩa là tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Thiên hoàng.
  
  Thật vui mừng, trong một lần lang thang trên phố Nguyễn Xí một ngày đầu tháng 6, tôi chợt bắt gặp trên hiệu sách vỉa hè một cuốn sách có tên Lịch sử Nhật Bản với hàng chữ tác giả là R.H.P Mason & J.G Caiger, cùng dòng chữ mờ "A History of Japan". Chưa được hân hạnh biết tiếng dịch giả Nguyễn Văn Sĩ, nhưng tôi cảm thấy biết ơn ông đã đưa cuốn sách này đến với đông đảo bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là trong hoàn cảnh sách vở về Nhật Bản tại Việt Nam thiếu thốn một cách đáng kinh ngạc, nếu so với hằng hà sa số sách dịch Trung Quốc. Độc giả Việt Nam hầu như chỉ biết đến văn hóa Nhật qua mấy cuốn truyện Kawabata Yasunari, Akutagawa Ryunosuke, một Đèn không hắt bóng, qua một Shogun, một Geisha. Chấm... gần hết. À, tất nhiên cũng còn có một ít Banana Yoshimoto, một ít Murakami Haruki.... Bao giờ thì J-literature mới có chỗ đứng không quá thấp bên cạnh những Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện,... trên các giá sách Việt Nam nhỉ?
  
  Trong bối cảnh đó, Lịch sử Nhật Bản - NXB Lao Động 2003 (liên kết cùng với ty Văn hóa Minh Trí- NS Văn Lang) là cố gắng góp phần đưa đến cho độc giả những kiến thức cơ bản, tương đối toàn diện và đáng tin cậy về lịch sử, văn hóa, xã hội Nhật Bản. Theo tôi, đây là một cuốn sách đáng giá hơn nhiều so với giá bìa 70.000đ.
  __________
  
  Chú thích:
  
  [1] Richard Mason: tốt nghiệp ĐH Cambridge. Nhận bằng Ph.D tại ĐHTH Quốc Gia Australia. Là giáo sư lịch sử Nhật Bản tại khoa Nghiên cứu châu Á trong hơn 30 năm. Đã nghỉ hưu, đang sống và làm việc ở Canberra. Một số tác phẩm: Quốc hội Nhật Bản thời kỳ ban đầu (1890 - 1905): Cấu trúc, Vấn đề và Xu hướng; Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Nhật Bản - 1890,...
  
  John Caiger: sinh ở Nhật, tốt nghiệp ĐH Sydney, nghiên cứu lịch sử ở ĐH London. Nhận bằng Ph.D tại ĐHTH QG Australia, bắt đầu giảng dạy ở Khoa Nghiên cứu châu Á từ năm 1966.
  
  [2] Có thể mua sách tại vỉa hè phố Nguyễn Xí với giá 56 000đ, giảm 20%
  
  Tên sách: Lịch sử Nhật Bản
  Tác giả: R.H.P. Mason và J.G. Caiger
  Nguyên tác tiếng Anh: A History of Japan
  Người dịch: Nguyễn Văn Sĩ
  
  NXB Lao Động liên kết với Cty văn hóa Minh Trí - Nhà Sách Văn Lang, 2003
  450 trang, giá bìa 70.000đồng (**)
  __________
  
  Mục lục:
  
  Phần I. Nhật Bản thời xưa
  Chương 1: Môi trường và vấn đề định cư ngày đầu
  Chương 2: Yamato
  
  Phần II: Nhật Bản cổ đại
  Chương 3: Sáng lập một nhà nước thống nhất
  Chương 4: Nền văn hóa thời kỳ Nara
  Chương 5: Chính quyền trong thời kỳ Heian
  Chương 6: Văn học thời Heian
  Chương 7: Tôn giáo trong thời kỳ Heian
  Chương 8: Kiến trúc và nghệ thuật trong thời kỳ Heian
  
  Phần III: Nhật Bản thời trung cổ
  Chương 9: Quyền lực về tay những nhà quân sự
  Chương 10: Thất bại quyền lực của nhà Ashikaga.
  Chương 11: Phật giáo trong thời kỳ Kamakura và Muromachi
  
  Phần IV: Nhật Bản những năm đầu thời hiện đại
  Chương 12: Nhật Bản thế kỷ 16
  Chương 13: Sự cai trị dưới thời Tokugawa
  Chương 14: Xã hội và văn hóa thời kỳ đầu Nhật Bản hiện đại
  
  Phần V. Nhật Bản hiện đại
  Chương 15: Thời đại Minh Trị và Những chính sách hiện đại hóa
  Chương 16: Từ đồng thuận đến khủng hoảng 1912-1937
  Chương 17: Giải quyết bằng vũ lực

Sunday, 10 September 2006

TẢN MẠN THỜI TÔI SỐNG

<Sa'ng cho*'m la.nh trong lo`ng Ha` No^.i... Ti`nh co*` ddo.c ddu*o*.c ba`i tho* hay...>Image
 
Nguyễn Trọng Tạo
TẢN MẠN THỜI TÔI SỐNG

I

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Như thời đã qua như thời rồi sẽ đến

Nhưng cái thời tôi sống
Hẳn khác xưa
Trong bài hát thêm bom rơi và súng
Anh yêu em – anh phải đi ra trận
Vợ yêu chồng - biết chờ đợi nuôi con
Đất yêu người - đất nhận làm lá chắn
Ba mươi năm không nguôi lửa chiến trường

Ba mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn
Khăn tang bay người sống trắng mái đầu
Đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ
Chiến tranh hết rồi mà nào có tin đâu

II

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Nhưng màu hoa thời tôi thì có khác
Xe đến công trường bụi bay mù cát
Mùa hoa thường lấm bụi suốt mùa khô

Lúa ngậm đòng bão đến xô bồ
Nhà đang dựng thiếu xi măng thiếu gạch
Bao đám cưới chưa có phòng hạnh phúc
Mây ngổn ngang lam lũ những dáng người

Anh nhớ em nhớ về phía cuối trời
Nơi đất mới khai hoang chân em dầm trong đất
Em nhớ anh nhớ về nơi bóng giặc
Cứ rập rình nơi cột mốc đêm đêm

Gió thì thào như chẳng thể ngồi yên
Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán
Con phe sục khắp tàu ghe bến cảng
Giá chợ đen ngoảng mặt với đồng lương

Có bao người ước cuộc sống bình thường
Như một thuở xa xôi mình đã có
Thuở miếng ăn không phải bàn cãi nữa
Thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình

Có bao người bạc bẽo với quê hương
Thả số phận bập bềnh vào biển tối
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi

III

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Chỉ vết thương rồi thời gian làm sẹo
Vầng trăng mọc vào thơ mỗi ngày đường đổi mới
Người lo toan vầng trăng chẳng yên tròn

Tôi sống thời không thể quay lưng
Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được
Bờ thẳng hơn những cánh đồng hợp tác
Đê sông Hồng sau mùa lũ thêm cao

Tàu ngoài khơi vừa phát hiện mỏ dầu
Đập thủy điện dông Đà đang xây nóng
Tờ báo đẫm mồ hôi bỗng sang dòng tin ngắn
Nhà máy giấy Bãi Bằng vừa ra mẻ đầu tiên

Thời đã qua sẽ chẳng khỏi ngạc nhiên
Nếu trở lại bây giờ vẫn quần nâu dạo phố
Thời tôi sống cả đến bầy em nhỏ
Diện quần bò nhảy theo điệu nhạc vui

Đài thêm nhiều những bài hát yêu nhau
Những điệu múa Ba-lê hồng hào thêm sân khấu
Cái mới đến
ngỡ ngàng
rồi nhập cuộc
Báo bớt trang báo thêm chút thơ tình

Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng
Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi

IV

Khi đang đắm say yêu có tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn

Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá
Thời tôi sống thêm một lần súng nổ
Trái tim đau đang rỏ máu dọc biên thùy!

V

Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi
Ai sau tôi ở vào thời sắp đến
Thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng
Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày.
Bạn hãy quên vất vả những hàng ngày
Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc
Chỉ Hi vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực

Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa…