Thursday 14 June 2007

Entry for June 14, 2007

Trưa nay đi ăn cùng hội Phan An, Atula, Janus - đều là những tay hào kiệt đất Bắc Hà. Chỉ nội trong bữa trưa thôi mà mấy anh em say sưa bàn luận bao chuyện về lịch sử, tôn giáo, du hí. Từ những câu chuyện thật là thú vị và rất đời của đức Phật (được chép trong Kinh hẳn hoi), đến những nghi vấn về sự mâu thuẫn giữa Kinh Tân Ước và Cựu Ước trong Ki-tô giáo; rồi lại đàm luận về xã hội Việt Nam thời những giáo sỹ Tây phương đầu tiên đến truyền đạo, về những nhân vật lịch sử gây tranh cãi,... Mấy anh em toàn những kẻ từng rảo bước tới nhiều vùng đất xa ngái lại được dịp trao đổi với nhau về kinh nghiệm ngao du nơi xứ Phật Ấn Độ, Tây Tạng; đất nước Triệu Voi hay xứ Ba Tư đằm thắm... Nhưng trước mắt, theo sự giới thiệu của Nút, mấy anh em sẽ thu xếp qua con đường ngoại giao một chuyến đi đảo xa Quan Lạn - nơi mà hàng trăm năm thời gian và chiến tranh dường như không chạm tới - để mục kích những công trình kiến trúc không thể nói là tầm thường. Atula đã ngay lập tức ngoại suy rằng, nếu ở nơi đảo xa mà người Việt ta đã làm được như vậy thì nơi bản địa đô thành các vị tiền nhân hẳn đã từng dựng xây nên những công trình vật chất còn hoành tráng hơn nhiều.

Kết thúc bữa trưa, mấy anh em kéo nhau ra cửa hàng Madam Hoa nhặt nhạnh sách mới. Dưới đây là những cuốn mình tha lôi về để làm lương khô gặm dần cho tháng 6:

1. THƯỢNG CHI VĂN TẬP - Phạm Quỳnh

Bộ sách Thượng Chi văn tập của Phạm Quỳnh vừa được tái bản sau lần xuất bản đầu tiên vào 1943. Khác với lần in cách đây 63 năm của NXB Alexandre de Rhodes với năm quyển, lần này toàn bộ trước tác được NXB Văn Học in trọn trong một tập, dày 1.129 trang.

Bộ Thượng Chi văn tập (Tập văn của Thượng Chi - bút hiệu của Phạm Quỳnh) bao gồm các bài viết về các đề tài: triết học, khái niệm làm báo, tư tưởng đông Tây, văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam, một số câu chuyện cá nhân...
Đây là những tác phẩm quan trọng của Phạm Quỳnh - một nhân vật lịch sử đặc biệt. Bấy lâu người ta vốn dè dặt khi nhắc đến Phạm Quỳnh bởi ông làm việc cho Pháp, làm báo tiếng Pháp, cộng sự với Pháp suốt trong thời Pháp thuộc đầu thế kỷ 20. Nhiều người biết đến Phạm Quỳnh qua tạp chí Nam Phong do ông làm chủ bút từ 1917-1932 và qua câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.MT(Theo TTO)

2. VIỆT NAM THỜI TÂY SƠN - LỊCH SỬ NỘI CHIẾN 1771 - 1802 (Tạ Chí Đại Trường)

Nội dung:
Phần 1: Sự tan rã ở Nam Hà (1771 - 1785).

Chương 1: Các lực lượng trong và ngoài nước đến khoảng năm 1775.

Chương 2: Gia Định, đất tranh chiếm quyết liệt.
Phần 2: Sự tan rã ở Bắc Hà và phản ứng dội ngược khi Tây Sơn bành trướng (1786 - 1789).

Chương 3: Chiến tranh Bắc Hà.

Chương 4: Họ Nguyễn trung hưng.
Phần 3: Giai đoạn thanh toán Nguyễn - Tây Sơn (1789 - 1802).

Chương 5: Sự củng cố đôi bên ở thế giằng co.

Chương 6: Gia Định và Phú Xuân đối đầu.

Chương kết.

Phụ lục

Thật thú vị là NXB CAND là nơi cho ra đời cuốn sách này!

3. LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO - Edward Conze
Đôi nét về Edward Conze:

EDWARD CONZE - MỘT DỊCH GIẢ PHẬT GIÁO VĨ ĐẠI Ở PHƯƠNG TÂY
Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng


Tiến sĩ Edward Conze (1904-1979) là một trong những học giả, dịch giả Phật Giáo vĩ đại nhất ở Tây Phương. Là nhà nghiên cứu đứng đầu trong tất cả các tông phái Phật Giáo, ông thông thạo những ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ và Nhật Bản. Trong hơn ba mươi năm, ông là giảng viên tâm lý học ở đại học... (toàn văn bài giới thiệu này xin đăng ở entry khác)

4, 5. Tiểu thuyết mới nhất của Hồ Anh Thái và được trông đợi nhất hiện nay: "ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI", cộng thêm "TIẾNG THỞ DÀI QUA RỪNG KIM TƯỚC" trong series về Ấn Độ và Phật giáo.
Chắc không cần nói nhiều về HAT và 2 cuốn này.

6,7. Bộ 2 cuốn của Lý Nhuệ: "CHỐN XƯA" và "NGÂN THÀNH CỐ SỰ".

Mấy bài giới thiệu về 2 cuốn này:
“Chốn xưa” và nỗi đau ám ảnh

“Chốn xưa”, một tên sách quá bình dị mà chứa đựng đầy sức nặng trong từng trang viết, với cái nhìn thẳm sâu về lịch sử Trung Quốc thế kỷ hai mươi, một thế kỷ của sự đổi thay và thảm họa.

Nhà văn Lý Nhuệ sinh năm 1950 tại Bắc Kinh, là một trong những cột trụ lớn nhất của văn học Trung Quốc đương đại.
Với Chốn xưa, độc giả bị day dứt, ám ảnh về các con số cứ giở đi lật lại: cuộc bạo động của nông dân 5 huyện thuộc Ngân Thành tháng 12 năm 1927, hơn 3.800 người nông dân bị bắn chết và chém cổ bêu đầu, 57 Đảng viên bị chém và bêu đầu cho tới khi nhìn thấy 57 bộ xương sọ.
Ngày 14 tháng 12 năm 1951, tức ngày hai mươi bốn tháng Chín âm lịch, đúng tiết sương giáng - 108 người bị hành hình tại đại hội trấn áp phản cách mạng... Mỗi mốc thời gian đó thường được nhắc lại vài lần một cách có chủ ý, khiến người đọc lập tức bị thuyết phục bởi tính chân thực bên trong câu chuyện.


Câu chuyện có nhiều tuyến nhân vật, mà trong đó mỗi nhân vật đều khắc đậm dấu ấn cá nhân, đều là những cái tên gợi nhiều cảm xúc.
Viên tướng Dương Sở Hùng giỏi giang, uy danh nổi khắp bốn phương, mưu trí trong những trường hợp không còn hi vọng; hai thiếu nữ xinh đẹp ở biệt thự Vườn Trúc - Thu Vân và Tử Vân; câu chuyện dài về mâu thuẫn giữa hai dòng họ Lý - Bạch; uẩn khúc sinh ly tử biệt, cải tử hoàn sinh của nhà Cửu Tư Đường; những cuộc tình giằng co trong man dại, dẫn những người họ hàng như Dương Phượng Nghi và cô em họ Liễu Quỳnh Cư trở thành kẻ thù không đợi trời chung kéo theo những án mạng oan khuất...
Có quá nhiều thứ ở Ngân Thành thay đổi. Những nét đẹp được coi là biểu tượng của thành phố lần lượt bị tàn phá bởi ý chí con người như cây hoè năm trăm tuổi, hai cổng đá uy nghiêm rốt cuộc cũng bị xô đổ, bức tường đá từng dính đầy óc trắng, máu đỏ của 108 con người...
Chốn xưa gây bàng hoàng vì không né tránh thảm khốc, lần lượt mô tả những đổ vỡ cả về tính mạng, tinh thần và cảnh sắc của Ngân Thành trong một thời đại dâng tràn chảy xiết. Nhưng chính trong cái vòng luẩn quẩn của sự tự huỷ hoại của một giai đoạn lịch sử huy hoàng và đau thương viết bằng máu người, có thể thấy rõ con người, có thể thấy rõ tinh thần và tình cảm người Trung Quốc.
Lý Nhuệ đã giải thích: “Hầu hết những nhân vật chính trong tiểu thuyết của tôi đều chết, họ không làm anh hùng để chết, họ chết trong dòng chảy của lịch sử. Không thể trốn chạy cái chết trong những năm tháng ấy, ý nghĩa của những cái chết và bao năm tháng cuộc đời mất đi khiến tôi cảm thấy sâu sắc nỗi đau của con người, vì con người”.

NGÂN THÀNH CỐ SỰ

Huỳnh Mai Liên

Để viết hơn 130.000 chữ trong "Ngân Thành cố sự", Lý Nhuệ mất tới một năm. Rồi ông lại bỏ bẵng 3 tháng trời để lao vào sửa sang. Kỳ công ấy sáng lấp lánh trong những áng văn hay, sóng sánh tình trong cảnh sắc, trong con người, và nhất là nỗi đau.
"Tính vô lý của lịch sử trở thành nhân vật chính trong hai tác phẩm của tôi. Tính vô lý của lịch sử đã dìm chết sinh mạng con người, khiến tôi thể nghiệm sâu sắc rằng lịch sử vô lý nhất lại được tạo ra từ nhân loại có lý tính nhất, con người tự tạo ra cảnh khốn cùng không thể giải thoát của mình. Đó là một bi kịch lớn, một nỗi đau vô cùng tận". (Lý Nhuệ)
Giống như Chốn xưa, cuốn sách có khoảng thời gian cách Ngân Thành cố sự 10 năm, Lý Nhuệ không thôi khắc khoải trước nhân vật mà có lẽ dù cố kìm nén, ông không khỏi thốt tên vài lần trong tác phẩm: LỊCH SỬ. Ông giãi bày suy nghĩ của mình: "Chứng kiến mọi người ra sức đi tìm cho mình lý do thiêng liêng để giết người, bạn thật sự tuyệt vọng đối với bản thân. Khi con người trao lý tính cho lịch sử, thì thường là biến lịch sử thành những lời bịp bợm có lợi cho mình. Cái gọi là "lịch sử khách quan chân thực" chớp mắt trở thành những lời dối trá về khách quan chân thực. Tất cả những lời dối trá đều coi thường sinh mạng con người. Tôi muốn vớt những sinh mạng bị chết sặc bởi những lời dối trá lên cho mọi người xem".
Ngân Thành cố sự mở đầu bằng một sọt tre máu me đầm đìa đựng những mảnh xác của viên Tri phủ của Đồng Giang – Viên Tuyết Môn. Ngay tiếp đó là những xác người không đầu với những cái đầu lấm bùn và máu lần lượt được treo trong sọt. Và suốt chiều dài của mấy trăm trang sách, cứ lúc lúc lại hình dung cảnh thịt người bầy hầy tanh tưởi. Trong đó có cái chết chất chồng của đám nông dân chưa một ngày dùng đao kiếm, có nỗi oán hận của người thợ sắt Nhạc Thiên Nghĩa bỗng dưng trở thành vị Đại Nguyên soái không biết cưỡi ngựa, có vụ tự sát dưới hầm cất giữ tiền của dòng họ Lưu danh giá, có cả những
cái chết tức thì không sao cắt nghĩa nổi của viên tướng trẻ Lưu Chấn Võ...
Dường như vì không khí tanh nồng nên có quá ít chỗ nương náu cho tình yêu. Chỉ duy nhất Lưu Lan Đình trong cơn quẫn trí lao vào người vợ đang chửa để tìm cớ giải tỏa tinh thần đang dồn nén đến kiệt quệ. Còn lại là cô gái Nhật Hideyama Hoko quỳ gối khóc than trước cái đầu thờ ơ của Âu Dương Lang Vân. Và đâu đây, giữa thế giới bọt bèo của bánh phân trâu là một tình yêu thậm chí không dám tỏa trong lòng khách trâu Vượng Tài.
Ngân Thành cố sự có nhiều đoạn miêu tả rất lắng đọng. Nó giống như thành phố hoa lệ và sầm uất trong thế giới Nghìn lẻ một đêm, qua con mắt của những người Nhật lần đầu tiên đến đây. Từ dòng sông sâu thẳm các khúc quanh của thời gian và chứng tích. Từ 30.000 chú trâu to khỏe kéo cọn nước với 1.200 nài trâu, 6.000 phụ xe thấp thoáng khắp nơi trong không gian cũ kỹ của Ngân Thành. Từ món cá Thoái Thu với cách nấu đặc biệt cầu kỳ với loài cá toàn thân trắng như tuyết, chỉ sống trong dòng nước ngầm và được coi như món ăn dành cho thần tiên. Từ biệt thự Tùng Sơn với những lầu các sánh vai nhau... Những cảnh sắc ấy điểm xuyết trong tấn bi kịch hãi hùng của Ngân Thành càng khiến câu chuyện trĩu nặng day dứt. Nó khiến người ta chẳng tránh khỏi những tiếng thở dài khi suy ngẫm về chiều sâu của lịch sử Ngân Thành.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu nhắc tới Ngân Thành cố sự mà lãng quên bốn câu thơ cổ ngâm vịnh hàng nghìn năm nay được Lý Nhuệ đưa vào làm tiêu đề cho bốn chương sách: "Hoàng Hà tuôn nước từ mây trắng/Tòa thành cô độc giữa ngàn non/Sáo Khương sao nỡ oán Dương Liễu/Gió xuân không tới ải Ngọc Môn". Giữa một câu chuyện dài với hằng hà chi tiết mà nhà văn dày công tựa như người ghi chép lịch sử; giữa một khoảnh khắc biến động với ngùn ngụt nỗi đau chất vợi - bật lên khúc bi ca muôn thuở của người Trung Quốc, khiến người ta dường như tiếp nhận tự nhiên và thấm thía hơn.

8 comments:

  1. Trong này tớ chỉ đọc được mỗi HAT thôi. Nhưng mà "tiếng thở dài" thì đọc rồi, làm ơn quẳng "Đức Phật" sang tớ mượn với, hehe. Lương khô nên chắc cũng chả ăn hết được 1 lúc đâu nhờ :D

    ReplyDelete
  2. Ôi, lương khô của Tuấn khó nhằn quá. Bây giờ thì tớ hiểu tại sao Tuấn lại có kiến thức xã hội rộng và sâu đến vậy.

    ReplyDelete
  3. Ui, mẹ cháu Bảo Linh nói quá rùi.
    PS: Khi nào việc kia có thông tin thì tớ sẽ nhắn nhé

    ReplyDelete
  4. @Ngọc: "Đức Phật..." là cuốn sách đáng mua hơn là mượn đọc rất nhiều đấy. Hehe
    @Felix: Thanks

    ReplyDelete
  5. :), thay trong list cua minh co hidetoshi lai co' avatar la gai' thay bat ngo qua'. Vao xem thu thi hoa' ra BNAT :D. Van khoe chu', van doc sach dien cuong the ah

    ReplyDelete
  6. oa!đồng chí anh đọc nhiều thứ ghê!Xin chúc mừng bạn Hằng mình vậy!

    ReplyDelete