Monday 27 April 2009

Vụ kiện mở đường cho luật chơi về cạnh tranh

Vụ kiện mở đường cho luật chơi về cạnh tranh

Vụ kiện giữa Jetstar và Vinapco là vụ kiện đầu tiên được Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia đưa ra giải quyết về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh.
Máy bay của hãng hàng không Jetstar.
 
Kết quả là Vinapco đã bị phạt 3 tỉ đồng vì vi phạm và kèm theo đó, Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia đã chấp thuận ý kiến của Jetstar kiến nghị với các cơ quan liên quan để tách Vinapco khỏi Vietnam Airlines.

Từ một vụ kiện mới và lạ

Vụ kiện phát sinh từ việc Vinapco ngưng cung cấp xăng cho các máy bay của Jetstar vào ngày 1/4/2008 dẫn đến hậu quả hàng loạt máy bay của Jetstar phải “nằm sân” còn hành khách của Jetstar thì phải “nằm vạ nằm vật” tại các sân bay do hoãn, hủy chuyến.

Vụ án này lạ bởi phương thức giải quyết và hệ quả từ vụ kiện. Đây là một tranh chấp thương mại và có thể giải quyết bằng nhiều cách thức. Cách truyền thống là kiện ra tòa để giải quyết theo hợp đồng mua bán xăng giữa hai bên.

Tuy nhiên, nếu khởi kiện bằng một vụ án kinh tế thông thường, khả năng thắng lợi của Jetstar là không chắc chắn vì Vinapco cũng có lý khi Jetstar vẫn còn nợ tiền mua xăng của Vinapco. Hơn nữa, để chứng minh thiệt hại từ việc hủy chuyến bay, từ sự thiệt hại về uy tín... là điều rất khó đối với Jetstar.

Điều quan trọng là nếu đi theo hướng tranh chấp hợp đồng thông thường, ngay cả khi Jetstar thắng kiện, nguyên nhân căn bản của vụ tranh chấp vẫn còn: Jetstar sẽ vẫn phải mua xăng của Vinapco vì Vinapco vẫn độc quyền bán xăng tại các sân bay.

Vì vậy, kiện tại Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia theo Luật Cạnh tranh là một chọn lựa thông minh. Vinapco sẽ chứng minh thế nào khi mà từ trước đến nay, chỉ có Vinapco một mình một chợ bán xăng tại các sân bay Việt Nam.

Vị trí độc quyền của Vinapco là khá rõ ràng. Hơn nữa, Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia còn có thể xóa bỏ vị thế độc quyền của Vinapco trong việc phân phối xăng tại các sân bay khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác thâm nhập thị trường này.

Phân tích kết quả vụ kiện trên, ta nhận thấy rằng thiệt hại của Vinapco không chỉ là số tiền phạt 3 tỉ đồng mà quan trọng là khả năng bị tách ra khỏi “bầu sữa” Vietnam Airlines và phải tự đương đầu với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trong tương lai.

Phán quyết này đánh thẳng vào vị thế độc quyền của Vinapco - nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp. Đấy mới là thiệt hại to lớn nhất mà Vinapco phải gánh chịu từ vụ kiện.

Nhưng với Jetstar, thắng lợi không được tính bằng 3 tỉ đồng mà Vinapco bị phạt (vì số tiền này sẽ nộp cho Nhà nước chứ Jetstar không hưởng được đồng nào) mà là phá được thế độc quyền của Vinapco trong việc cung cấp xăng cho máy bay.

Khi Vinapco không có được độc quyền nữa, Jetstar sẽ có cơ hội chọn nhà cung cấp xăng cho mình, chứ không còn bị lệ thuộc hoàn toàn vào Vinapco theo kiểu “không có xăng thì đố máy bay bay được”.

Suy rộng hơn, thị trường phân phối xăng cho máy bay đã được mở ra cho các doanh nghiệp tiềm năng muốn thâm nhập thị trường này. Hành khách cũng có quyền hy vọng giá vé sẽ giảm khi mà giá xăng giảm do sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.

Đến khả năng bảo vệ doanh nghiệp nhỏ trong cạnh tranh

Đã có thời kỳ khi tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp nghĩ ngay đến việc nhờ sự can thiệp của cơ quan công an. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại và dân chủ, quyền hạn của cơ quan công an khi can thiệp vào các tranh chấp dân sự (trong đó có tranh chấp thương mại) là rất hạn chế. Doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu tòa án xét xử tranh chấp của mình. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng tại tòa án khá cứng và mất thời gian.

Gần đây, với sự ra đời của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại, doanh nghiệp đã biết thỏa thuận với nhau để giải quyết tranh chấp của mình tại trung tâm trọng tài hoặc trọng tài vụ việc do các bên tự lập nên. Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp trên đây đều có thể áp dụng cho từng hoàn cảnh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua vụ kiện giữa Jetstar và Vinapco, doanh nghiệp nhận ra một cách thức giải quyết tranh chấp mới: kiện tại Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia theo Luật Cạnh tranh. Mặc dù cách thức kiện này là khá mới ở Việt Nam nhưng nó có thể giúp doanh nghiệp giải quyết những vấn đề mà các cách giải quyết tranh chấp khác không đạt được.

Đã có lần chúng ta nghe nhắc đến tranh chấp giữa hãng bia T với một đại lý độc quyền C khi hãng bia T ngăn cản đại lý C bán bia của một hãng khác. Hãng bia T đã thắng cả trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm do hãng bia T, căn theo hợp đồng đại lý độc quyền đã ký, chứng minh được đại lý đã vi phạm nghĩa vụ “độc quyền” - chỉ được quyền bán bia của hãng T.

Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ Luật Cạnh tranh, hợp đồng đại lý độc quyền đã ngăn cản sự thâm nhập thị trường của một hãng bia khác. Người tiêu dùng, mặc dù rất muốn uống bia của hãng bia mới này nhưng vẫn phải dùng bia của hãng T vì không còn chọn lựa nào khác.

Hợp đồng đại lý độc quyền đã hạn chế quyền tự do chọn lựa hàng hóa/dịch vụ của người tiêu dùng. Do vậy, nếu vụ tranh chấp được giải quyết theo Luật Cạnh tranh, chưa thể khẳng định được khả năng thắng lợi của hãng bia T khi mà hợp đồng đại lý độc quyền có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Quay trở lại vụ Jetstar - Vinapco, kết quả vụ kiện này mở ra một tiền lệ cho việc giải quyết các tranh chấp về cạnh tranh và chống độc quyền. Hơn nữa, nó thức tỉnh nhận thức của doanh nghiệp về một công cụ pháp luật mới để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhằm chống lại các doanh nghiệp độc quyền, nhất là trong giai đoạn thâm nhập vào thị trường.

Đây có thể là công cụ hữu hiệu của doanh nghiệp nhỏ trong quá trình kinh doanh nếu doanh nghiệp nhận biết và sử dụng được biện pháp tự vệ này. Hơn nữa, các doanh nghiệp độc quyền hoặc độc quyền nhóm sẽ phải cẩn thận hơn trong hoạt động kinh doanh của mình để tránh bị kiện theo Luật Cạnh tranh.

Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ có cơ hội chọn lựa các hàng hóa, dịch vụ tốt với giá hợp lý là kết quả từ quá trình cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà cung cấp.

Theo Trần Thanh Tùng
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

No comments:

Post a Comment