ATLAS SHRUGGED – AYN RAND VS. KARL MARX
Atlas Shrugged là cuốn tiểu thuyết thứ 4, cuối cùng và cũng là cuốn dài nhất của Ayn Rand (gần 1400 trang – theo bản in đầu tiên năm 1957). Bà này là ai thì chắc cũng không phải dài dòng, nội việc Alan Greenspan thừa nhận chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất về tư tưởng là đủ nói lên nhiều điều (Xem The Age of Turbulences). Chính cuốn này, chứ không phải The Fountainhead (đã được nhóm Phan Việt dịch ra tiếng Việt) được chính Rand coi đó là magnum opus của mình. (“Atlas Shrugged was the climax and completion of the goal I had set for myself at the age of nine. It expressed everything that I wanted of fiction writing.”). Một trong những sự kiện lớn trong năm cái năm Rand lên 9 tuổi khi ấp ủ viết một cuốn sách triết học về xã hội Mỹ (1911 – bà sinh năm 1905) là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một tập đoàn lớn là Standard Oil đã bị Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tuyên án độc quyền“một cách bất hợp lý”chiểu theo Luật Chống độc quyền Sherman ban hành từ trước đó hơn 20 năm. Phán quyết này đã buộc Standard Oil phải chia tách thành nhiều công ty con để hạn chế tổn thất phúc lợi xã hội có được từ vị thế độc quyền. Đó là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa nhà nước, nhà tư bản và xã hội trong thế giới tư bản với bối cảnh là sự ra đời của một thể chế đối trọng với tư bản chủ nghĩa mang tên Liên bang Xô Viết, vì thế đương nhiên là nó ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Mỹ. Nhưng cũng thật kỳ lạ là một bé gái 9 tuổi lại chớm có ý tưởng viết sách về những rạn nứt, mâu thuẫn trong xã hội. Điều này chắc chỉ có ở phương Tây, và chắc thế giới đến nay cũng chỉ có Rand.
Nội dung cuốn sách tả về một xã hội Mỹ địa ngục (chữ của Rand là dystopian – ngược lại với xã hội lý tưởng utopia của Thomas Moore) khi các nhà công nghiệp và doanh nhân không chấp nhận để chính phủ “bóc lột” lao động của họ vì “điều tốt cho xã hội”. Nhân vật chính, Dagny Taggart, chứng kiến xã hội sụp đổ xung quanh khi chính phủ gia tăng quyền kiểm soát đối với tất cả các ngành công nghiệp, trong khi những công dân có năng suất cao nhất trong xã hội, do John Galt làm đại diện, ngày càng ít đi.
Atlas Shrugged thể hiện rõ tư tưởng triết học khách quan chủ nghĩa (Objectivism) của Rand về sự tự do của mỗi cá nhân, duy lý, về vai trò của kinh tế thị trường và sự thất bại của nhà nước.
Khi mới ra đời cách đây hơn 50 năm, cuốn sách không được đánh giá cao lắm (xem http://www.noblesoul.com/orc/books/rand/atlas/) nhưng kể từ sự nổi lên của chủ nghĩa thị trường tự do trong các chính phủ Anh – Mỹ thời thập kỷ 70 tới nay (bắt đầu từ thời kỳ Reagan – Thatcher), sức ảnh hưởng của cuốn sách nói riêng và Rand ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt kể từ khi thế giới rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng từ năm 2008, số bản in của Atlas Shrugged tăng đột biến, theo The Economist và The New York Times. Đến tháng 1/2009, cuốn tiểu thuyết xếp thứ #33 trong danh sách sách bán chạy nhất của Amazon.com. 3 tháng sau, đến đầu tháng 4/2009, nó đứng thứ #15 và Amazon xếp nó thứ nhất trong thể loại sách văn học.
Và bây giờ, chúng ta hãy xem một số liệu khác, những người dùng internet trên thế giới đang đọc gì trong mối tương quan với Ayn Rand khi đã biết là hiện tại cuốn sách hơn 50 tuổi của bà đứng vị trí thứ nhất. Công cụ Google Insight cho ta một bức tranh tổng thể.
Hai đường thể hiện xu hướng tìm kiếm trong 12 tháng qua với 2 từ khóa “Ayn Rand” (đỏ) và “Karl Marx” (xanh). Số liệu được quy chuẩn, với 100 là con số lớn nhất. Marx được tìm kiếm nhiều hơn nhiều. Đặc biệt tại một số thời điểm có các tin sau:
B: Nhà văn được giải Nobel Saramago phát biểu: “Karl Marx was never so right”
D: Khi nền kinh tế suy sụp, người Đức chuyển sang đọc “Tư bản luận” của Marx, và nhà xuất bản lời to
Cả hai tin này đều đưa vào hồi tháng 10/2008.
Một tin mới nhất là tin A: Cách đây vài ngày (cuối tháng 4/2009), Liên minh các nhà kinh tế Azerbaijan tổ chức hội nghị nhân kỷ niệm 150 năm ngày ra đời cuốn Tư bản luận.
Người dân ở đâu quan tâm đến tác giả nào nhất? Bản đồ dưới đây cho ta biết (vẫn Marx xanh Rand đỏ)
Người dân các nước đang phát triển vẫn tìm kiếm Marx nhiều nhất và chẳng mấy quan tâm đến Rand (trừ ở Phillippines). Ở Mỹ và Ấn Độ, Rand chỉ hơn Marx có chút xíu. Ở Gia Nã Đại, Na Uy, Tân Tây Lan thì Marx thắng Rand.
Công cụ Insights còn cho ta biết cụ thể tại từng nước. Ví dụ, ở Việt Nam, tại tháng 10/2008, sau khi Lehman Brothers sụp đổ, ngành tài chính Mỹ hỗn loạn, số lượt tìm kiếm từ khóa “Karl Marx” tăng đột biến. Và trong 12 tháng qua, chỉ số tìm kiếm từ “Ayn Rand” vẫn là 0, as usual.
No comments:
Post a Comment