Friday 8 May 2009

Naomi Klein vs. Tom Friedman

Vẫn bài đăng trên báo SVVN số hôm rày :)

1. Sự ủng hộ toàn cầu hóa đã được thể hiện một cách mạnh mẽ trong các tác phẩm của Friedman (nhất là "Thế giới phẳng"). Đối ứng của trào lưu này, như thể hiện trong "No Logo", chủ yếu thể hiện ở các khía cạnh nào?

No Logo thể hiện quan điểm phản đối toàn cầu hóa, mà thực chất là sự thao túng của các tập đoàn, đại công ty đa quốc gia đối với xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới tư bản, một nhóm các đại công ty có trong tay quyền lực mềm thậm chí nhiều lúc còn lớn hơn nhà nước ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Tại các nước đang phát triển, họ sử dụng các chiêu thức quảng cáo, tiếp thị bằng mọi biện pháp và tại mọi nơi (kể cả trong trường học, nhà thờ, cơ quan công quyền). Lớp trẻ phương Tây lớn lên trong sự lệ thuộc vào các nhãn hiệu nổi tiếng bất kể rằng những thứ đó có thực sự tốt và hữu ích cho xã hội không. Những khoản lợi nhuận kếch sù, những hợp đồng quảng cáo đắt giá của các đại công ty đó lại nhờ sự khai thác nguồn lao động giá rẻ tại các nước đang phát triển. Theo lập luận của Klein, và những người cùng chủ trương, toàn cầu hóa là một game dạng win-loss-loss, theo đó bên được lợi duy nhất là các tập đoàn đa quốc gia, và phần thiệt hại thuộc về chính phủ các nước và toàn xã hội.

2. Ảnh hưởng của "No Logo" và các tác phẩm khác của Naomi Klein (nhất là "Shock Doctrine") lên phong trào chống toàn cầu hóa?

No Logo (2000) là tác phẩm đầu tiên trong bộ ba cuốn sách về cùng chủ đề chống toàn cầu hóa của Naomi Klein (cùng với Fences and Windows (2002) và mới nhất là The Shock Doctrine (2007)) ra đời ngay sau thời điểm rất đáng nhớ đối với cả hai phía ủng hộ và chống toàn cầu. Đó là Cuộc chiến Seattle 1999 – trong đó 40.000 người của phong trào chống toàn cầu hóa đã biểu tình tại Washington để phản đối hội nghị bộ trưởng WTO. Rất nhanh chóng, tác phẩm của nữ nhà báo Canada trở thành cẩm nang của phe chống toàn cầu hóa. Họ tìm thấy ở đó những dẫn chứng sắc sảo, quyết liệt, làm lay động lòng người khi lên án các đại công ty. Và Klein trở thành một trong những “người phát ngôn” của Diễn đàn Xã hội thế giới – tổ chức của những người chống toàn cầu hóa, được xếp vị trí thứ 11 (người phụ nữ được xếp cao nhất) trong cuộc bình chọn 100 học giả hàng đầu thế giới do hai tạp chí Prospect và Foreign Policy tổ chức. Đầu năm 2009, Klein được giới trẻ Mỹ, qua tạp chí Rolling Stone, bình chọn trong số 100 người sẽ làm thay đổi nước Mỹ trong thế kỷ 21.

3. Với tư cách là nhà nghiên cứu kinh tế, anh có thể cho biết quan điểm riêng về "No Logo"?

Tương tự Thomas Friedman ở The New York Times, trước hết Naomi Klein là một nhà báo nên cách tiếp cận của No Logo và The World is Flat tương đối giống nhau: văn phong lôi cuốn, hấp dẫn, giàu cảm xúc, sử dụng nhiều chiêm nghiệm bản thân và thông qua hình thức phỏng vấn, điều tra báo chí. Cách tiếp cận này thường dễ được đông đảo công chúng tiếp nhận. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm yếu của cuốn sách vì thiếu những lập luận kinh tế giải thích về những điều tốt – xấu của quá trình toàn cầu hóa. Nhìn từ góc độ làm chính sách của một quốc gia, toàn cầu hóa không phải là sự bắt buộc, đó là sự lựa chọn. Klein đã không giải thích được vì sao các nước đang phát triển vẫn chấp nhận, và thậm chí còn phải cạnh tranh lẫn nhau để các công ty sử dụng lao động với giá rẻ mạt trong những ngành tạo ra giá trị gia tăng thấp. Cũng dễ hiểu khi hướng vào các công ty đa quốc gia làm đối tượng để chỉ trích, vì nó trực diện, hiển hiện. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề lại ở chỗ khác: những khuyết tật mang tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản. Và điều đó phức tạp và cần sửa chữa theo một cách khác hơn là phá hoại tài sản của các công ty đa quốc gia như những gì diễn ra ở Seattle (1999) hay Genoa (2001).

Cuộc đấu tranh của Klein và những người cùng chí hướng không phải là vô ích trong một thế giới tư bản nhiều lúc được điều khiển bằng sức mạnh của đồng tiền. Trong một báo cáo của Liên Hiệp Quốc mang tên “Toàn cầu hóa với khuôn mặt nhân bản” có đoạn “các nguyên tắc hoạt động của các công ty đa quốc gia về tiêu chuẩn lao động, thương mại công bằng và bảo vệ môi trường… cần phải chống lại các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa đối với các nước nghèo nhất” và rằng “Một khía cạnh thiết yếu trong quản trị toàn cầu là trách nhiệm đối với con người – về sự bình đẳng, công lý và sự mở rộng quyền lựa chọn của tất cả mọi người.

1 comment:

  1. cảm ơn anh về những bài viết như thế này. e đã rất ấn tượng với bài báo về anh trên SVVN. Mong được đọc thêm nhiều hơn nữa những bài phân tích phản biện về kinh tế sắc sảo của anh trong thời gian tới ạ:)

    ReplyDelete