Friday 15 May 2009

VAMA

Chưa đầy hai tuần sau khi các số liệu về tình hình bán hàng của tháng 4/2009 được công bố, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất xin hoãn thuế tiêu thụ đặc biệt đến hết năm với lý do doanh số của dòng xe SUV sụt giảm mạnh. Theo tin báo đưa, công văn này được gửi đi khắp nơi, từ UBTV Quốc hội, Thủ tướng, các Bộ liên quan (Tài chính – Công thương) và HĐND TP HN, HCM. VAMA còn kiến nghị là nếu đến hết năm, thị trường chưa phục hồi thì tiếp tục hoãn đến khi tình hình sáng sủa hơn. Funny vãi.

Có thể nói VAMA là nhóm lợi ích được tổ chức bài bản cả về chiến lược và chiến thuật nhất hiện nay. Thị trường ô tô Việt Nam là một trường hợp méo mó điển hình khi các nhà sản xuất được bảo hộ bằng tầng tầng lớp lớp thuế quan và nhiều chính sách ưu đãi. Đổi lại thì những lời hứa hẹn về một ngành công nghiệp ô tô nội địa với tỷ lệ nội địa hóa x% (x=30% tới năm 2001, 2002 gì đó và x=60% tới năm 2010) không bao giờ thành hiện thực. Tệ hơn nữa là giá xe bị một nhóm oligopoly bắt tay nhau thông đồng. Hãy nhớ lại khi Honda có kế hoạch đặt giá vừa phải khi tham gia thị trường với xe Civic đã bị oánh hội đồng như thế nào (nhưng bây giờ thì Honda lại là một trong những chú tham gia nhiệt tình nhất trong nhóm, xem thêm ở đây, blog của VAMA). Lợi nhuận siêu ngạch được chuyển về chính quốc thông qua trò chuyển giá, còn phần thiệt hại thì người tiêu dùng và xã hội chịu.

Ước mơ có một ngành công nghiệp ô tô là đáng quý và cần thiết (hãy xem chính quyền Obama hay Merkel đã dành bao nhiêu thời gian và tiền đóng thuế của nhân dân để cứu giúp ngành này thì rõ). Ai chả được quyền mơ. Bảo hộ là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải tạo động lực và không gian để những doanh nghiệp được bảo hộ cạnh tranh với nhau và cạnh tranh được ở tầm quốc tế, đến khi nó tạm đủ sức thì phải vứt nó ra gió để tự tồn tại. Chính vì không có sự cạnh tranh cần thiết nên tập đoàn lợi ích này chỉ chăm chăm lắp ráp từ phụ tùng nhập ngoại để bán được cái nào hay cái đó (cũng phải nhắc tới nguyên nhân là chính sách thuế đối với ô tô của Việt Nam quá ư là hoành tráng, nửa năm có thay đổi lớn, một quý có vài thay đổi nhỏ làm cho bố thằng nào biết để lên kế hoạch kinh doanh sản xuất). Thế nên vài năm trước đây ở một công ty ô tô (miễn nêu tên nhưng hãng mẹ của nó là một trong 3 đại gia hàng đầu thế giới) còn có hoạt cảnh các bạn công nhân lắp ráp linh kiện được đặt trong mấy thùng bìa carton nham nhở.

Xin nhắc một câu chuyện mà Ha-joon Chang kể trong cuốn Các Mạnh Thường Quân tệ (Bad Samaritans) thế này. Ngày xửa ngày xưa, có một nhà sản xuất ô tô của một nước đang phát triển xuất khẩu lô xe con đầu tiên vào nước Mỹ. Tới ngày đó, cái công ty nhỏ đó chỉ mới làm ra những sản phẩm chất lượng kém nhái của các nước phát triển. Chiếc xe chẳng có gì phức tạp (có thể gọi là “bốn bánh cộng thêm cái gạt tàn”). Nhưng đó là thời điểm đáng để cho nước kia và công ty nọ tự hào.

Tiếc thay, sản phẩm đã thất bại thảm hại. Hầu hết người tiêu dùng Mỹ đều chẳng thèm đoái hoài bỏ tiền ra rước cái thứ sản phẩm hạng hai đó. Lô xe bị rút khỏi thị trường Mỹ. Và thất bại đó tạo nên một làn sóng tranh luận ở nước kia. Rất nhiều người lập luận rằng công ty nọ nên chú tâm vào ngành kinh doanh chính của nó là sản xuất máy dệt giản đơn. Tới thời điểm bấy giờ, mặt hàng xuất khẩu chính của nước kia vẫn là vải lụa kia mà. Sau 25 năm cố gắng sản xuất ra một cái ô tô ngon lành mà không thành công thì hẳn là sẽ chẳng có vị gì nữa trong tương lai. Chính phủ đã cấp cho nhà sản xuất ô tô mọi cơ hội để thành công. Nó đã được đảm bảo mức lợi nhuận cao ở trong nước bằng mọi hàng rào thuế quan và kiểm soát chặt chẽ đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp ô tô. Chỉ mới cách đó chưa đầy 10 năm, chính phủ còn rót tiền để cứu công ty nọ khỏi phá sản. Vì thế, những người lên tiếng chỉ trích cho rằng, cần cho xe ngoại được nhập thoải mái và các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, những người đã bị đá đít 20 năm trước, được mở lại nhà xưởng.

Những người khác không đồng ý như vậy. Họ lập luận rằng không có nước nào phát triển được mà không có các ngành công nghiệp “nghiêm túc” như sản xuất ô tô. Điều họ cần là thêm thời gian để sản xuất ra những chiếc xe có thể thuyết phục được mọi người.

Thời điểm đó là năm 1958, và tên nước đó là Nhật Bản. Công ty nọ tên là Toyota, và chiếc xe mang tên Toyopet. Toyota ban đầu vốn là một nhà sản xuất máy dệt (Toyoda Automatic Loom) và chuyển sang ngành công nghiệp ô tô từ năm 1933. Năm 1939, chính phủ Nhật đá đít General Motors và Ford. Năm 1949, Ngân hàng trung ương Nhật đã bảo lãnh Toyota khỏi phá sản. Ngày nay, ô tô Nhật là cái gì đó đồng nghĩa với cá hồi Scotland hay vang Pháp, nhưng chưa đầy nửa thế kỷ trước thôi, hầu hết mọi người, kể cả người Nhật, không tin vào sự tồn tại của nó.

Nửa thế kỷ sau cuộc tranh cãi về Toyopet, xe Lexus của Toyota trở thành một cái gì đó đồng nghĩa với toàn cầu hóa, nhờ cuốn sách gì mà của Friedman khi nhà báo này đến thăm nhà máy của Lexus. Trên đường về, Friedman tình cờ giở một trang báo nói về tình hình bất ổn ở Trung Đông và bất giác cảm thương cho những người giờ này vẫn còn choảng nhau xem ai là chủ của cái cây olive nào.

Theo Friedman, nước nào mà không thi hành gói chính sách gọi là Golden Straitjacket (giới academic gọi là Washington Concensus): tư nhân hóa các công ty nhà nước, giữ lạm phát thấp, giảm quy mô nhà nước, cân bằng ngân sách (nếu thặng dư được thì ngon), tự do hóa thương mại, nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài và thị trường vốn, thả nổi đồng tiền, giảm tham nhũng và tư nhân hóa các quỹ phúc lợi thì truyền kiếp vẫn chỉ đi hái olive mà đừng hòng có mơ ngồi Lexus. Friedman gói gọn lại thế này: “Unfortunately, this Goldenn Straitjactket is pretty much “one size fits all”...It is not always pretty or gentle or comfortable. But it’s here and it’s the only model on the rack this historical season.”

Nếu chính phủ Nhật mà nghe theo lời các nhà kinh tế gia theo chủ trương tự do thương mại hồi đầu thập niên 1960, thì họ không thể có xe Lexus và Toyota may ra thì bây giờ chỉ là nhà cung cấp phụ tùng cho các hãng xe Âu châu nếu không bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Nếu áp dụng công thức của Friedman, nước Nhật giờ cũng chỉ là nước công nghiệp hạng ba, cùng hạng với Chile, Argentina và Nam Phi (như thập kỷ 60), một nước mà năm 1964, khi Tổng lý Đại thần Hayato Ikeda (tức Thủ tướng) viếng thăm Pháp đã được Charles De Gaulle gọi là “gã tiếp thị đài bán dẫn”. (!!!)

Bảo hộ là tốt, nhưng bảo hộ để có một ngành công nghiệp của quốc gia, chứ không phải là bảo hộ để các công ty nước ngoài thu được lợi nhuận siêu ngạch từ người tiêu dùng và xã hội rồi để lại những nhà xưởng hoang tàn và mấy chú công nhân lắp ráp ốc vít khi họ rút ra khỏi thị trường.

No comments:

Post a Comment