Thursday 14 May 2009

Kinh tế học và kinh tế gia Liên Xô và Đông Âu

Nói luôn là bài này thuần túy nói về kinh tế học chứ không phải kinh tế chính trị học. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, thứ mà Marx và những người kế tục gọi là kinh tế chính trị đã bị gạt ra khỏi cuộc chơi và thay thế bằng cái gọi là kinh tế học theo cách của Marshall (dù cách tiếp cận theo một nhánh hoàn toàn khác với tân cổ điển, dĩ nhiên).

Ngoài những kinh tế gia chuyển sang làm việc tại châu Âu và Mỹ (như Balassa, Domar, Fellner, Georgescu-Roegen, Kaldor, Kuznets, Lentief, Marschak, Scitovsky, Vanek) thì có lẽ các tên tuổi lớn nhất phía bên kia bức màn sắt là Michal Kalecki, Janos Kornai và Oskar Lange (riêng Leonid Kantorovich, dù là người Liên Xô duy nhất được giải Nobel kinh tế năm 1975, nhưng có lẽ nên xếp ông vào nhóm nhà toán học thì hợp lý hơn (công trình được giải của ông từ năm 1939, về vấn đề linear programming trong bài toán phân bổ nguồn lực tối ưu).

Kết quả khảo sát các nhà kinh tế của các nước Đông Âu và Liên Xô do GS. Hans-Jurrgen Wagener tiến hành năm 1997 cho thấy Kantorovich chỉ có ảnh hưởng lớn ở Liên Xô (ở CHDC Đức thì thậm chí một nhà toán kinh tế khác là Nemchinov, cũng chuyên về giải toán kế hoạch tập trung còn xếp ở thứ hạng cao hơn). Kornai có vẻ được thừa nhận là lý thuyết gia hàng đầu của khu vực nhưng ở CHDC Đức ông thậm chí còn không được xếp hạng (!!) Ở Nga hay CHDC Đức thì có vẻ như ít người biết Kalecki và Brus làm gì.


Nhìn vào bảng này thì thấy rõ một xu hướng là CHDC Đức có đánh giá khác biệt với các nước khác trong khu vực và chỉ có điểm chung đối với Oskar Lange. Đồng chí giáo sư Chicago này thì ngoài đóng góp đối với kinh tế học Marxist (phân tích lý thuyết giá trị lao động Marxian dưới góc độ lý thuyết giá cả tân cổ điển – bán chạy nhất là On the Economic Theory of Socialism xuất bản 1936. Yes, giáo sư Chicago đấy ạ!!!) còn là một nhà ngoại giao nổi tiếng (sống ở Mỹ nhiều năm trước khi được Stalin biệt đãi mời từ Mỹ qua Liên Xô đàm đạo và hứa xếp cho một ghế trong chính phủ Ba Lan khi kháng chiến thành công. Về sau ông là nhà trung gian trong các thảo luận giữa Roosevelt và Stalin về vấn đề Ba Lan cũng như là đại diện của nước này tại LHQ trước khi trở về cố quốc để vừa làm việc cho chính phủ Ba Lan vừa nghiên cứu học thuật tại University of Warsaw suốt quãng đời còn lại. Có một thời gian ngắn ông làm quyền Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước) trong năm 1964.

Quay trở lại với Oskar Lange – nhà kinh tế. Cuốn Ekonomia Polityczna (1959) là một tiếp cận phi giáo điều đối với chủ nghĩa Marx mà hẳn là các nhà kinh tế Đông Đức có thể phát triển thêm. Tuy nhiên, khi nó được dịch ra tiếng Đức 10 năm sau đó, nhà nước Đông Đức đã phê phán nó là theo chủ nghĩa xét lại. Behrens, Kuczynski, Varga và Kohlmey là những người Marxist chân thành.

Hơi lạ một điều là Michel Kalecki (1899-1970) lại không có được thứ hạng cao lắm. Kinh tế gia Marxist người Ba Lan này (vâng, vẫn là người Ba Lan – cho đến hết thập kỷ 60, về lý thuyết kinh tế phải theo tiêu chuẩn Ba Lan – we were all the Poles’ pupils) từng giảng dạy ở LSE, Cambridge, Oxford và Warsaw School of Economics và được coi là Keynes ở cánh tả. Nhiều tư tưởng của Kalecki rất giống và thậm chí còn có trước Keynes, nhưng ít được biết tới trong thế giới tiếng Anh vì chúng được viết bằng tiếng Ba Lan. Tác phẩm của Kalecki cũng ảnh hưởng lớn đến trường phái Keynes Cambridge, đặc biệt là tới Joan Robinson, Kaldor và Goodwin, cũng như kinh tế học hậu Keynes hiện đại. Trong Tuyển tập Michal Kalecki (7 cuốn) do Oxford University Press ấn hành, có đánh giá cho rằng ông là “một trong những nhà kinh tế xuất chúng nhất thế kỷ 20”.

Janos Kornai thì ở Việt Nam nhiều người đã biết (đặc biệt thông qua các bản dịch của bác Nguyễn Quang A). Cuốn hồi ký gần đây của ông (By Force of Thought) có nhiều chi tiết đời thường thú vị. Bài nói chuyện tại Nhật năm ngoái (cũng bác Quang A dịch mới đăng trên viet-studies) cũng thú vị ra trò (nhưng cơ mà bác Lữ Phương phê Kornai vài câu thôi mà ghê quá, ai lại thế!)

No comments:

Post a Comment