Tuesday 5 May 2009

Antitrust in China

Hôm nay trên mục bình luận chính của Financial Times (Mục này có slogan là Không sợ và không thiên vị – “Without fear and without favour” có bài nói về thực thi chống độc quyền của Trung Quốc.

http://www.ft.com/cms/s/0/c7236f86-38d4-11de-8cfe-00144feabdc0.html

Luật Chống độc quyền của nước này mới được đưa ra từ tháng 8 năm ngoái – tức là còn chậm hơn 3 năm so với Việt Nam, thế nhưng đến nay cơ quan thực thi Luật này – Bộ Thương Mại - đã xử lý 3 vụ làm kinh ngạc giới kinh doanh và giới Luật sư Mỹ - Âu. Vụ mới nhất thông báo cách đây vài ngày là quyết định hạn chế thương vụ thâu tóm hãng hóa chất Lucite International của Vương Quốc Anh của tập đoàn Mitsubishi Rayon (Nhật Bản) trị giá 1.8 tỷ USD (Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới không chấp nhận cho vụ này tiến hành), buộc công ty của Anh phải bán lại một nửa bộ phận sản xuất hạt nhựa (polymer). Hồi tháng 3, cơ quan này đã bác bỏ đề nghị của Coca Cola mua lại hãng nước ngọt Hối Nguyên (Huiyuan) của Trung Quốc với giá 2.4 tỷ USD, một động thái mà ngay cả nhiều luật sư M&A cũng bất ngờ. Trước đó, thương vụ mua lại trị giá 52 tỷ USD của InBev đối với Anheuser-Busch cũng bị hạn chế, dù rằng vụ sáp nhập này, cũng như vụ Mitsubishi-Lucite là các vụ sáp nhập quốc tế và các bên tham gia chỉ có một bộ phận hoạt động tại Trung Quốc.

Một trong hai tờ nhật báo kinh doanh có ảnh hưởng nhất trên thế giới này (cùng với Wall Street Journal) nhận định một số điểm đáng chú ý sau từ các vụ sáp nhập trên:

1/ Bộ Thương Mại Trung Quốc tỏ ra rất cứng rắn thực thi luật chống độc quyền

2/ Trung Quốc không hề do dự can thiệp vào các vụ sáp nhập xuyên biên giới lớn

3/ Cùng với Mỹ và Liên minh châu Âu, Trung Quốc trở thành một trọng tài về cạnh tranh tầm cỡ toàn cầu, cung cấp thêm cho các luật sư M&A thêm một đống công việc mới cần giải quyết

FT cũng cho rằng các phán quyết nêu trên là không chi tiết ở mức cần có. Ví dụ, phán quyết vụ Mitsubishi/Lucite chỉ dài chưa tới 2 trang (mặc dù đã có tiến bộ hơn so với hai phán quyết trước).

Nếu so với thông lệ các phán quyết tương tự của các cơ quan cạnh tranh khác (thường phải vài nghìn trang) thì rõ ràng dù súc tích đến đâu thì 2 trang cũng khó mà giải thích được rốt ráo lý do phản đối sáp nhập. Cơ sở của phán quyết là công ty hình thành sau sáp nhập có thể có thị phần 64% đối với methyl methacrylate (hóa chất dùng để sản xuất nhựa trong) và không thực sự thuyết phục về quan ngại liên quan đến cạnh tranh. Vụ Coke thì bị cho rằng để bảo vệ một thương hiệu quen thuộc trong nước sau một cuộc phản đối thương vụ này trên mạng Internet vì nhiều người tiêu dùng lo rằng Coke sẽ “thủ tiêu” cái tên Hối Nguyên sau khi mua được. Vụ InBev/Anheuser-Busch cũng làm giới luật sư đau đầu với phán quyết tuyên rằng không có quan ngại về cạnh tranh, nhưng vẫn áp đặt các hạn chế đối với công ty sau sáp nhập. Bắc Kinh có quyền thực thi luật chống độc quyền. Với thị trường lớn một cách đáng kể đủ để có tiếng nói không kém gì so với Washington hay Brussels trong các vụ sáp nhập. Nhưng FT cho rằng: 

Trung Quốc cần phải công bằng, không để lẫn lộn giữa chinh sách công nghiệp và chống độc quyền – một điều mà nhiều người quan ngại sau vụ bác bỏ thương vụ Coke. Nếu động thái của Bắc Kinh được hiểu là tiến hành chủ nghĩa bảo hộ dưới lớp vỏ chống độc quyền, các chính phủ khác sẽ đáp trả. Và điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại mang tính trả đũa. Từ giờ trở đi, các phán quyết chống độc quyền của Trung Quốc cần được giải thích kỹ càng hơn. Nếu không thực sự có quan ngại về cạnh tranh, các thương vụ cần được cho phép tiến hành mà không bị cản trở.

 

Bình luận:

Một bài ngắn, nhưng FT đã chỉ ra được đúng vấn đề mấu chốt (mặc dù chỉ ở dạng đặt câu hỏi): Phải chăng Trung Quốc đang sử dụng Luật Chống độc quyền để thực hiện bảo hộ thương mại, thực thi chính sách công nghiệp? Tôi nghĩ rằng câu trả lời là: Đúng vậy. Đó là bản chất, mặc dù từ "bảo hộ thương mại" (protectionism) không phải là một từ dễ nghe. Nhưng chẳng phải trong hội nghị G-20 vừa rồi các nhà lãnh đạo thế giới đều "tỏ ra quan ngại trước xu hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ" đó hay sao? Ai mà làm các nguyên thủ các nước phát triển quan ngại được? Chính là giữa các nước công nghiệp phát triển với nhau đang lăm le bảo vệ các ngành sản xuất chủ chốt trong nước đang cắm đầu xuống đất chứ không phải mối quan ngại đến từ các nước đang phát triển. Cùng lúc, họ lại kêu gọi các nước khác đừng bảo hộ nhé, tức là "beggar thy neighbors" (cụm từ dạo này tờ The Economist thường dùng). 

Một trong những điểm quan trọng của đồng thuận Washington (Washington Consensus) là thúc đẩy nới lỏng kiểm soát của nhà nước (deregulation), khuyến khích cạnh tranh giữa mọi thành phần kinh tế. Điều này thì tất nhiên là đúng với châu Âu và Mỹ rồi, vì các doanh nghiệp của các nước này thừa đủ sức để cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với bất kỳ ai trên thế giới, không cần sự can thiệp của nhà nước. Nhưng điều đó chỉ đúng trong hiện tại (hiện tại theo nghĩa là trước khủng hoảng kinh tế 10/2008). Và không hẳn đã đúng trong quá khứ phát triển của chính các nước đó. Tự do thương mại không phải là một khái niệm được yêu thích khi Mỹ và các nước châu Âu ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Không nước nào phát triển được mà không sử dụng chính sách bảo hộ công nghiệp. Một trong biện pháp được ưa thích trước đây (cùng với hàng rào thuế quan và trợ cấp của nhà nước cho các ngành then chốt) chính là chính sách cạnh tranh. Đây là một câu chuyện lịch sử thú vị tôi sẽ bàn ở một dịp thích hợp. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ làm chính sách thì sự tung hứng khéo léo giữa ba chính sách: công nghiệp – thương mại – cạnh tranh là chìa khóa để đưa một quốc gia từ tình trạng đang phát triển trở thành nước công nghiệp phát triển (Máu và xăng cho tiến trình phát triển đó là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ). Dường như nhà nước Trung Quốc đã học rất kỹ lịch sử kinh tế phương Tây và đang áp dụng lại bài học đó.

Các nước đang phát triển ngày nay có cần một chính sách chống độc quyền theo kiểu Mỹ hay không?

Thực ra Mỹ không phải là nước đầu tiên có luật về cạnh tranh. Từ năm 1810, nước Pháp đã áp dụng Điều 419 Bộ Luật Hình sự, theo đó liên kết giữa những người bán bị coi là phạm pháp. Sự bắt tay đó sẽ làm tăng hoặc giảm giá trên hoặc dưới mức “cạnh tranh tự nhiên và tự do”. Tuy nhiên, điều luật này không được áp dụng đầy đủ và bị bãi bỏ vào năm 1880. Từ thập kỷ 1890, tòa án Pháp bắt đầu chấp nhận cho phép các cartel “có tính chất tự vệ” và ủng hộ các thỏa thuận đó. Chỉ đến năm 1986 (tức là hơn 100 năm sau) thì nước Pháp mới khôi phục Điều 419 và áp dụng một luật chống độc quyền “hiện đại” và đầy đủ như hiện nay.

Nước Mỹ là quốc gia tiên phong trong luật cạnh tranh “hiện đại”. Luật Sherman ra đời năm 1890, nhưng 5 năm sau mới được Tối cao Pháp viện dẫn chiếu trong vụ Sugar Trust. Trước thời điểm năm 1902, khi tổng thống Roosevelt dùng nó để chống lại Northern Securities Company của JP Morgan nắm giữ hệ thống đường sắt, luật này chủ yếu chỉ để chống lại công đoàn chứ không phải với các đại công ty. Roosevelt lập ra Cục Công ty (Bureau of Corporations) năm 1905 để điều tra các hoạt động sai trái của các công ty; và Cục này được nâng cấp thành Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vào năm 1914 bằng Luật Clayton (luật này cũng cấm dùng pháp luật chống độc quyền để chống công đoàn).

Trong thế kỷ 19, nước Anh không ủng hộ cũng chẳng lên án các tập đoàn độc quyền và các hành vi phản cạnh tranh. Tuy nhiên, cho tới trước Thế chiến thứ Hai, tòa án nước này thường thiên về luận cứ ủng hộ các thỏa thuận hạn chế thương mại. Luật chống độc quyền đầu tiên mang tên Profiteering Act chỉ tồn tại có 2 năm (từ 1919 đến 1921), được ra đời để đối phó với tình trạng thiếu hụt hàng hóa sau chiến tranh. Trong thời Đại Khủng hoảng thập kỷ 1930, nước Anh hậu thuẫn cho việc hình thành các cartel. Chỉ đến năm 1948, khi Luật xử lý độc quyền và hạn chế thương mại mới xác định khuôn khổ pháp luật chống độc quyền, nhưng hầu như nó không có hiệu lực thực thi. Luật xử lý Hạn chế thương mại (Restrictive Practices Act) năm 1956 mới thực sự là luật chống độc quyền theo nghĩa là lần đầu tiên các hành vi hạn chế cạnh tranh bị coi là đi ngược lại quyền lợi của công chúng từ khi doanh nghiệp có thể chứng minh điều ngược lại. Luật 1956 chống các cartel một cách có hiệu quả, nhưng vẫn hầu như không thành công đối với quá trình độc quyền hóa thông qua sáp nhập.

Tương tự thế, ban đầu nước Đức ủng hộ các cartel mạnh mẽ, và tiếp sức cho các thỏa thuận cartel trong thời kỳ đầu (cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20). Mục đích là để tạo ra một nền công nghiệp đủ mạnh để vươn lên cạnh tranh với các nước đã phát triển trong thời kỳ trước đó như Anh, Mỹ, Pháp. Đỉnh điểm là một phán quyết ban hành năm 1897 của tòa án tối cao nước này theo đó cartel là hợp pháp. Kể từ Thế chiến thứ Nhất trở đi, quá trình cartel hóa ngày càng mở rộng, và là một phương thức để nhà nước thực hiện kế hoạch hóa nền kinh tế.  Luật Cartel năm 1923 trao quyền vô hiệu hóa cartel cho tòa án là luật cạnh tranh tổng quát đầu tiên ở châu Âu. Tuy vậy, luật này vẫn không được thực thi, vì cartel được định nghĩa rất hẹp và cơ quan được trao quyền thực thi luật này (Bộ Kinh tế và tòa án cartel) chẳng hề áp dụng luật lấy một lần. Tòa án cartel bị giải thể năm 1930 khi một loạt các luật khẩn cấp trao quyền cho nhà nước giải thể bất kỳ cartel nào nếu thấy cần thiết. Năm 1933, ngay khi Hitler lên nắm quyền, Bộ Kinh tế được trao quyền phủ quyết bất kỳ cartel nào nhưng lại có thể ra nghị định thành lập các cartel bắt buộc.

Các nước phát triển khác (Na Uy, Đan Mạch, Nhật Bản) cũng sử dụng luật chống độc quyền theo cách tương tự trong lịch sử.

Tương tự như chính sách cạnh tranh, các chính sách công nghiệp và thương mại cũng đã thể hiện xu hướng bảo hộ và trợ giúp công nghiệp nội địa còn non trẻ (infant industry – Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước Mỹ là người tạo ra khái niệm này, khi thuyết phục Quốc hội Mỹ gia tăng hàng rào bảo hộ - cũng là người có mặt trên tờ $10) tập trung kinh tế (đặc biệt là các ngành then chốt – hay các commanding heights (chữ dùng của V.I. Lenin áp dụng trong NEP-Chính sách kinh tế mới-thời kỳ phôi thai của nhà nước Xô Viết) để phát triển đủ sức cạnh tranh và lớn mạnh trên phạm vi thế giới. Ngược lại, một nước nào đang trong giai đoạn đầu của phát triển, nếu chấp nhận cạnh tranh tuyệt đối theo kiểu thị trường của chủ nghĩa tân tự do, thì, lịch sử đã chứng minh, sẽ chỉ dừng lại ở vai trò cung cấp nhân công lao động giá rẻ và tài nguyên tự nhiên cho các nước phát triển mà thôi. Một đứa trẻ nếu bị quăng ra thị trường lao động để kiếm tiền năm nó 10 tuổi thì nó chỉ có thể làm được những việc lặt vặt để có hai ba chục nghìn mỗi ngày. Cũng một đứa trẻ đó, nếu bố mẹ nó bỏ tiền nuôi nó ăn học đến năm tốt nghiệp đại học, thì sau đó nó có thể tự lo cuộc sống và có một nghề nghiệp vững vàng trong xã hội.

No comments:

Post a Comment