Friday 22 May 2009

Nghị viện Anh

1. Ngày 7 tháng 3 năm 1695, Sir John Trevor (1637-1717), lúc đó là Chủ tịch Hạ viện Anh (Speaker of the House of Commons) bị cáo buộc nhận khoản hối lộ 1000 ghi-nê (trị giá tương đương với 2 triệu USD thời điểm 2009) từ chính quyền thành phố Luân Đôn để giúp thông qua một đạo luật có lợi cho thành phố này. Hành động đó được cho là "tội nghiêm trọng" và Sir Trevor đã phải từ chức và bị bãi miễn vị trí Nghị viên, dù cho lúc đầu ông phản đối với lý do sức khỏe kém (??). Tuy nhiên, số tiền nhận hối lộ đã không bị truy hồi.

2. Ngày 19 tháng 5 năm 2009, tức 314 năm sau, Hạ viện Anh (và toàn thể dân chúng) mới chứng kiến vị Chủ tịch đương nhiệm từ nhiệm. Michael Martin chỉ mất 33 giây để đọc bài diễn văn lịch sử: "Kể từ ngày tôi được bầu vào Hạ viện đến nay cách đây 30 năm, tôi luôn cảm thấy rằng Hạ viện chỉ hoạt động tốt nhất khi có sự đoàn kết. Để giữ gìn sự đoàn kết này, tôi quyết định rằng sẽ từ chức Chủ tịch Hạ viện vào ngày Chúa nhật 21 tháng 6 tới. Điều này sẽ cho phép Hạ viện tiến hành thủ tục bầu Chủ tịch mới vào ngày thứ Hai, 22 tháng 6. Đó là tất cả những điều tôi cần nói về việc này"

3. Nước Anh vẫn thường tự hào là nơi ra đời đầu tiên của chế độ Nghị viện. Năm 1066, dưới chế độ phong kiến của vua William xứ Normandy, mỗi khi luật được ban ra đều có sự tham vấn của hội đồng các lãnh chúa và giám mục. Năm 1215, hội đồng này đã có thực quyền hơn rất nhiều khi Vua John ban hành Đại Hiến chương nước Anh (aka Magna Carta), theo đó nhà vua không được thu bất kỳ loại thuế nào mà không có sự đồng thuận của hội đồng hoàng gia. Dần dà, hội đồng này phát triển thành Nghị viện (gồm Hạ viện và Nghị viện) như ngày nay.

4. Xin nhắc lại, Hiến pháp Mỹ ra đời năm 1787 và 2 năm sau, Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp ra đời năm 1789.

5. Năm 1989, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã mời Margaret Thatcher tham dự lễ kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp. Với phong cách quen thuộc, nữ Thủ tướng Anh đã tới Paris với thái độ thiếu khiêm tốn, chẳng coi ngày Bastille làm trọng.
Điểm chính của bài phát biểu của bà là nền dân chủ vương quốc Anh không dựa vào duy nhất một sự biến rung chuyển xã hội như sự kiện 1789. Nó được xây đắp từ những nền tảng vững chãi hơn rất nhiều nhờ vào sự thông thái và luật tục được tích lũy tự ngàn năm. Và là một nhà chính trị, bà đầm thép đã thừa khôn ngoan khi không nhắc gì đến một người có tên là Oliver Cromwell cả.

6. Michael Martin từ chức trong bối cảnh Hạ viện nước này đang nằm trong tâm điểm chỉ trích của công luận sau khi tờ báo Telegraph và một số báo khác đưa tin về sự tiêu xài lãng phí tiền thuế của người dân vào những mục đích cá nhân. Một số ông nghị bị lỗ nặng do đầu tư nhà cửa trước thời điểm khủng hoảng nên kê khai để được tăng trợ cấp. Một số ông/bà nghị nhận trợ cấp để mua tivi màn hình plasma. Bản thân Martin cũng kê khai khoản đâu đó hơn 1000 bảng tiền tài xế đưa đi đón về để xem bóng đá tại sân đội nhà Celtic. Nếu vào trang www.theyworkforyou.com người đóng thuế sẽ có được mọi thông tin về vị dân biểu của mình: tiểu sử chi tiết, ông/bà ta chi tiêu bao nhiêu, ông/bà ta đã bỏ phiếu thuận hay chống trong các dự luật thế nào, tất cả những phát ngôn của ông/bà ta tại nghị viện,...

7. Người dân Anh cũng đã bắt đầu đặt câu hỏi về sự chi tiêu của Nữ hoàng và Gia đình Hoàng gia. Bây giờ thì hai cậu ấm William và Henry tự ý đi ngoài phố chơi với bồ chưa chắc đã được an ninh bảo vệ vòng trong vòng ngoài như trước nữa. Phải cắt giảm chi tiêu thôi, biết sao giờ, độ tín nhiệm của ngân khố quốc gia còn mới bị S&P giảm từ "ổn định" xuống "tiêu cực" kia mà. Ở Thái Lan, một nước cựu bán thuộc địa của Anh có mô hình quân chủ lập hiến sao chép từ mẫu quốc thì hoàn toàn khác. Người ta có thể bị tống giam 20 năm nếu vẽ tranh biếm họa Đức Vua Bu-mi-bon A-đu-la-dệt. Margaret Thatcher có lẽ đúng...

8. Phillip Stephens, ký giả của tờ Thời báo Tài chính, đưa tin rằng: Ngay buổi tối một trong những ngày tệ hại nhất của lịch sử nghị viện Anh đó, người ta đã được nghe Chủ tịch Martin nói tại một hội từ thiện là "I'm happy to be going".

No comments:

Post a Comment