
... Làm anh khó lắm
Phải đâu chuyện đùa
Ai yêu "em gái"
Thì làm được thôi.
(SGK Tập đọc lớp 3 - NXB Giáo dục)
Như một thói quen, hôm nào anh cũng ăn sáng kèm theo 2 tờ nhật báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Sáng nay cũng vậy. Khi đọc được tin cây cầu bắc qua đoạn sông Mekong nối liền giữa 2 tỉnh Savannakhet (Lào) với Mukhdahan (Thái Lan) bằng nguồn vốn viện trợ ODA của Chính phủ Nhật đã chính thức khánh thành ngày hôm qua, một cảm giác vui vui chợt đến với anh. Một năm rưỡi trước đây, trước mắt anh, cây cầu này mới chỉ hoàn thành được 70% khối lượng, và anh còn nhớ tấm biển giới thiệu nó còn ghi là sẽ khánh thành vào tháng 6/2006. Vậy là thực tế đã chậm mất nửa năm, nhưng dù sao nó cũng đã hoàn thành. Cây cầu này được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy kinh tế của cả vùng miền Trung 3 nước Thái – Lào – Việt với con đường Xuyên Á hướng ra biển Đông đầy tiềm năng. Từ nay, dòng sông Mekong sẽ không còn là trở ngại cho bà con sống ở 2 tỉnh này nữa. Anh đã từng nếm trải cảnh chen chúc nhau trên những chuyến phà chật chội qua lại 2 bên trong ngày hội Bum (giống như ngày rằm quê ta, nhưng họ tổ chức khá hoành tráng, có đua ghe ngo, có hội chợ,...), cũng như cảnh bát nháo trên bến dưới thuyền, không khác gì bến phà Sông Lam cách đây 15 năm nơi một năm đôi lần mình trở về thăm quê. Anh cũng không thể quên được những đêm ngồi một mình ngay rìa sông lộng gió ở phần đất Sa vẳn, nhìn sang ánh đèn lấp loáng bên kia sông nơi quê hương của đương kim hoàng đế Thái Lan, trước mặt là chai bia Lào và con cá nướng muối mặn đặc sản sông Mekong để nghĩ về đất nước Lào anh em. Chỉ có mấy ngày ở Savannakhet mà sao anh thấy vùng đất này thật thân quen, cảnh vật cũng giống như thị xã Hà Tĩnh hay Đồng Hới, Tuy Hòa. Thú vị nhất là có thể nói tiếng Việt thoải con gà mái, vì hầu như ai ở đây cũng hiểu tiếng Việt. Cộng đồng người Việt ở đây chiếm chừng 10-15% dân số, chưa kể đến những anh em dân xây dựng, thủy lợi, giao thông sang đây làm dự án. Vẫn là thói quen của một kẻ lữ khách giang hồ, qua những câu chuyện dặm đường mịt mù bụi trên chiếc săm lọ (giống xe tuktuk hay xe lam) với chú cựu lính tình nguyện chiến trường Lào người gốc Huế, qua mấy đêm dốc cạn chai Beer Lao với anh Sơn – chủ khách sạn Mekong nơi anh trú ngụ, qua buổi dự giờ một lớp học ở trường tiểu học Hòa Bình do bà con mình lập nơi, anh đã hiểu thêm về những thăng trầm của cộng đồng người Việt trong nửa thế kỷ qua ở xứ sở Lanxane (Triệu Voi)...
... Lại chợt nhớ đến những câu thơ viết về quan hệ chị em Việt – Lào, từ những câu của lãnh tụ như:
Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt – Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Đến những câu thơ dân gian vui vui kiểu:
Một vợ thì nằm giường Lèo,
Hai vợ thì nằm chèo queo,
Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm.
Chú thích ở đây là giường Lèo, tức là giường Lào, được làm từ những loại gỗ quý, ý nói ai mà chung thủy 1 vợ 1 chồng thì sẽ sung sướng, nhà cao, cửa rộng, blah blah...
Entry này xin tạm dừng ở đây, hẹn một dịp sẽ viết về 2 chủ đề, (1) Người Việt ở Lào, (2) Bia Lào (hihi, mình đặc biệt hứng thú với khoản Beerlao đấy!)
<Blog entry này dành tặng bố – một cựu binh chiến trường Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum – nhân ngày sinh nhật hôm nay >
Mùa hè đỏ lửa năm 2002 tôi đã sống gần 1 tháng ở vùng miền cao giáp ranh giữa huyện Mỹ Đức – Hà Tây (xã An Phú) và tỉnh Hòa Bình, nơi phần đông dân cư là đồng bào dân tộc Mường, và cũng là địa phương có thu nhập bình quân thuộc loại thấp nhất cả nước, khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/năm (theo số liệu bác Bí thư xã ủy cung cấp). Thật trớ trêu khi tên xã lại trái ngược với sự cùng khổ của người dân nơi đây. Cứ nghĩ đến con số đó tôi lại thấy thật băn khoăn vì chính mình đã từng có nhiều bữa ăn uống có hóa đơn trên đầu người lớn hơn con số đó. Nhà tôi ở nhờ lại nằm ở thôn Bơ Môi thuộc loại nghèo nhất của xã. Một tháng sống trên vùng rừng thiêng nước độc này là một trong những quãng thời gian có ý nghĩa nhất đối với tôi khi tôi ở tuổi 20. Có ý nghĩa không phải vì tôi đã tận mắt nhìn thấy món lá ngón, và không phải cứ ăn lá ngón không là có thể tự kết liễu cuộc đời được, mà phải có chút rượu đưa đẩy. Rượu và lá ngón kết hợp với nhau sẽ xé tan ruột, gây mất máu trầm trọng, dẫn đến tử vong. Cũng không phải là do tôi đã biết được con gái Mường sử dụng bùa ngải để chài người mình yêu làm cho anh ta trở nên lú lẫn không còn tỉnh táo mà cứ lao vào cô ta như con thiêu thân trước ánh đèn. Càng không phải là những truyền thuyết và sự thật liên quan đến những ông thầy mo, thầy cúng. Chúng tôi đã góp phần nhỏ bé mang đến cho em nhỏ nơi đây những điều hoàn toàn mới mẻ với các em, dù thật bình thường đối với trẻ em thành thị. Chúng tôi đã cùng thanh niên xã cải tạo một số cơ sở hạ tầng như mương, điện, sửa sang nhà văn hóa,..., hướng dẫn bà con một số kiến thức nông nghiệp mà chúng tôi cũng chỉ vừa mới được đọc qua sách. Chúng tôi đã trao đổi với bà con xem nên làm gì để thoát nghèo, nên trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với thổ nhưỡng ở đây để có thể bán được ra thành phố, cách vay vốn ngân hàng, cách tính toán giá thành, chi phí, lợi nhuận, ... sao cho có hiệu quả. Thật ra, những việc chúng tôi làm hoàn toàn chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, không thay đổi được gì nhiều cuộc sống của bà con nhưng ngược lại, chúng tôi đã học được rất nhiều điều mà không một trường Đại học nào của Việt Nam dạy.
Hì hì, tự dưng chợt nhớ đến một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết đó nên tôi thử google search xem nơi mình đã từng trải nghiệm có hiện diện trên mạng lưới điện tử toàn cầu không thì thấy ấm lòng khi thấy 1 bài báo đăng trên website của Ủy Ban Dân Tộc nói về những đổi thay của xã An Phú trong vài năm gần đây:
http://www.cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=2880
(toàn văn bài viết xem trong phần comment)
Cũng nằm trong mạch suy nghĩ nhẩn nha, tôi lại nghĩ đến kết quả cuộc bình chọn 60 Years of Heroes của tuần báo Times xuất bản tại châu Âu hồi tháng trước. Trong số 17 người được phong Anh Hùng theo tiêu chí “Inspirations and Explorers” có Mẹ Theresa. Có lẽ những lời ca ngợi thêm nữa về vị nữ tu này là không cần thiết. Bà đã được Nhà thờ Công giáo phong Thánh ngay sau khi qua đời vì tấm lòng và những nỗ lực không mệt mỏi suốt đời vì người nghèo ở Ấn Độ và truyền “inspirations” cho những người đồng chí hướng hoạt động nhân đạo. Hình như ở cái xứ sở phát tích đạo Phật này thời nào cũng sản sinh ra những vị thánh, những con người mà tấm lòng từ bi bác ái của họ đã làm lay động triệu triệu trái tim có lương tri trên hành tinh này. Mahatma Gandhi là người như thế. Ông đấu tranh cho một nền độc lập của Ấn Độ khỏi thực dân Anh bằng chủ trương bất bạo động, bằng sự cảm hóa, bằng tuyệt thực, … Người cũng là một lãnh tụ thực thụ, nhưng nếu Người sống ở thời đại ngày nay, liệu những làn sóng toàn cầu hóa, sự chuyển dịch lao động, những lời hăm dọa bằng vũ khí nguyên tử, sự sụp đổ của hệ thống tài chính – thị trường chứng khoán, sự xung đột của các nền văn minh, có ai sẽ nghe theo Người để cất lên tiếng nói của mình bằng sự im lặng, sự hiền từ đức độ hay không? Tôi rất ngưỡng mộ Mẹ Theresa, Người đã bằng tấm lòng và uy tín của mình quyên góp từ các nhà hảo tâm giúp đỡ cho hàng trăm nghìn người nghèo bị gạt ra khỏi lề xã hội Ấn Độ và các nước kém phát triển khác. Người đã cho họ miếng bánh mỳ, tấm áo lành, đôi dép cho trẻ đến trường,… Người đã làm hết sức mình. Nhưng lại là chuyện con cá và chiếc cần câu. Thực lòng, những người tôi khâm phục hơn là nhà kinh tế Muhammad Yunus người Bangladesh (Giải Nobel Hòa bình 2006) với hệ thống tín dụng siêu nhỏ hỗ trợ tài chính cho người nghèo tìm cách làm ăn thoát cảnh đói nghèo; hay Nandan Nilekani, CEO Tập đoàn Infosys (Ấn Độ), người mà mỗi phát ngôn đều được chính phủ và giới doanh nhân Ấn Độ lắng nghe bởi ông chính là người đã định vị được hướng đi của đất nước này trong một Thế giới Phẳng qua nền công nghiệp Công nghệ thông tin. Đó là cách mà người Ấn Độ, sau hàng chục năm loay hoay với các chiến lược thay thế nhập khẩu hay Cách mạng xanh, vươn lên trở thành một back-office của thế giới Âu – Mỹ.
… Một trong những tranh luận thường xuyên của các nhà kinh tế và policy makers là nên phân bổ các nguồn lực như thế nào trong phát triển kinh tế. Phát triển đồng đều tất cả các vùng miền, nhóm dân số để đều đạt tốc độ phát triển như nhau, hay là tập trung phát triển một số vùng, một số nhóm để đủ lực vươn lên, cạnh tranh với thế giới, có sự phát triển ở mức cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, rồi phân phối lại thu nhập từ đó để đầu tư cho những nơi kém thuận lợi hơn. Thật là một bài toán khó, vì không thể chỉ đưa yếu tố kinh tế đơn thuần vào hàm số này được.
...Thôi, chủ đề này tạm thế đã. Lại một đợt gió mùa Đông Bắc nữa tràn về...
Lại một đêm trăng rằm nữa. Không hiểu sao anh luôn để ý đến mọi thứ có liên quan tới em. Chắc chắn rằng sẽ chẳng ai có thể yêu em được như anh, cũng như anh cũng khó có thể dành tình cảm của mình cho một ai khác như đã dành cho em. Thực lòng mà nói, em không xinh hay ăn nói khéo léo như nhiều cô gái mà anh đã từng quen biết, nhưng ở em có một cái gì đó mà không ai có được và với lý trí của mình, anh cũng không giải thích được. Em là người có trách nhiệm với người thân, bạn bè, và trên hết, là với chính mình. Anh có thể tự tin mà nói rằng, trong 5 năm qua, anh đã có những trải nghiệm mà 95% (theo quy tắc 2 sigma - nếu không muốn nói là 3 sigma, như em và anh vẫn nói đùa với nhau ) số người trên trái đất này phải mất ít nhất 10 năm mới có được. Những mảnh đất anh đi qua, những con người anh gặp, ít nhiều đều có ảnh hưởng đến suy nghĩ của anh. Trong quá khứ, anh đã từng có những lần vấp ngã, có những sai lầm. Vì thế, anh nghĩ rằng, anh có thể tự chủ được tình cảm của mình. Chúng ta không đến được với nhau, vì một lý do mà anh hiểu rằng em cực kỳ khó thay đổi - đó là từ phía gia đình em đối với vấn đề tuổi tác, dù cho em có tình cảm với anh hay không. Đối với anh điều đó là một sự trớ trêu của cuộc đời vì anh có quan niệm ngược lại với cách hiểu của gia đình em.
...Công việc của anh cũng đã thay đổi. Đó là một công việc thầm lặng, đòi hỏi lý tính và sự tỉnh táo cao độ. Đó là công việc mà nhiều lúc, nó có thể giúp đỡ được cho cả một ngành kinh tế của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới này. Đó là những cuộc chiến đấu thực sự, dù không có tiếng súng hay bom rơi đạn nổ nhưng chắc chắn sẽ rất khốc liệt và ảnh hưởng đến cuộc đời của nhiều người. Công việc mới chỉ bắt đầu, nhưng anh hy vọng mình có đủ sự tỉnh táo và khả năng để có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Dù gì chăng nữa, anh vẫn yêu em.
Cambodia – Nói gì về đất nước láng giềng này nhỉ? Phải chăng nên bắt đầu từ cái tên? Đó cũng đã là một câu chuyện thú vị. Hình như số phận của mỗi quốc gia đều vận vào từ những câu chuyện truyền thuyết. Những gì được sử sách viết lại thông thường đều bị điều chỉnh theo các cách mà thế lực cầm quyền ở thời đại muốn nó phải thế. Nhưng huyền sử dân gian thì không lưu lại như vậy. Những câu chuyện dân gian đôi lúc có vẻ hoang đường, phi hiện thực nhưng qua hàng ngàn năm, nếu không phải là hơn, nó phản ánh được những điều sâu thẳm nhất mà dân tộc đó gửi gắm, truyền lại cho đời sau với mong muốn con cháu họ không được quên. Truyền thuyết về sự ra đời của Cambodia gợi đến số phận của đất nước này. Đó là số phận của một nền văn hóa đã từng vô cùng rực rỡ trong lịch sử, nhưng lại phải hứng chịu sự giằng xé của những thế lực nước ngoài có sức mạnh chiến đấu lớn hơn nhiều. Huyền sử kể rằng, có thanh niên người nước ngoài (cụ thể là một người Ấn Độ theo đạo Bà La Môn) tên Kaundinya vào một ngày nọ, đang phiêu du trên một con thuyền tới một xứ sở có nhiều kênh rạch, sông ngòi thì có một nàng công chúa đến chào. Nàng vốn là con gái của vị vua rồng trị vì xứ sở này. Tất nhiên là đang đi thuyền dạo mát trên sông mà gặp phải một con rồng đến đong đưa, mà nhất là rồng cái thì chẳng thú vị quái gì nên chàng trai người Ấn mới rút một mũi tên ra bắn vào cô nàng một phát. Dè đâu, theo phong tục ở xứ này, như thế có nghĩa là một lời cầu hôn. Được một anh giai ngoại quốc xin cưới thì còn gì thích bằng, chị em mình nhỉ
, thế là cô gái xấu xí nọ gật đầu cái rụp. Anh giai nọ tá hoảng, nhưng mũi tên đã bắn ra thì sao rút lại được. Vả lại đây là sân nhà của nàng, định giở bài quất ngựa truy phong thì chạy đâu cho thoát khỏi móng vuốt của ông già vợ (rồng mà!). Câu chuyện về sau này thì chắc anh em cũng đoán được. Để làm của hồi môn cho đám cưới, ông bố vợ đã uống cạn nước trên xứ sở mình và trao cho Kaundinya cai quản. Từ đó, vương quốc được đặt tên là Kambuja.
Câu chuyện folklore trên được giải mã bằng mối quan hệ về tôn giáo, vương triều và truyền thống thành văn của đất nước Cambodia với tiểu lục địa Ấn Độ láng giềng. Ở đây nhiều đồng chí sẽ thắc mắc là Ấn Độ làm sao lại là láng giềng của Cambodia được. Còn cách nhau Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh cơ mà. Xin kính mời đồng chí đến Thư Viện Quốc Gia, địa chỉ 31 Tràng Thi (gần cái quán cà phê ca nhạc gì mình quên tên rồi, đâu như Thế Kỷ Mới gì đó ý), tầng 2, xem lại bản đồ Châu Á thời thế kỷ 12, 13 sẽ hình dung được vương quốc Angkor thời đó rộng lớn thế nào.
Những gì người ta biết về Cambodia thời tiền sử là rất ít ỏi. Phần lớn vùng đất phía Đông – Nam từng là vùng vịnh mênh mông nước cạn bị ngẽn bởi phù sa từ các cửa sông Mekong, để lại một vùng đất bằng phẳng, phì nhiêu, cực kỳ thuận lợi cho nông nghiệp. Người ta đã tìm được di chỉ về những cư dân sống trong hang đá ở vùng Tây Bắc đất nước. Một số bình gốm có niên đại carbon 4200 năm cũng đã được tìm thấy, nhưng thật khó nói về một mối liên quan trực tiếp nào đó giữa người đã làm ra những chiếc bình đó với người Khmer hiện đại. Thư tịch cổ Trung Quốc ghi lại rằng người Cambodia là “xấu xí” và “da ngăm đen” và gần như ở trần. Nhưng chớ nên tin nhiều vào những tài liệu của các vương triều Trung Hoa ngày xưa đã mang sẵn tư tưởng bành trướng coi các dân tộc lân bang không ra gì. Chỗ này em nhà quê cẩn thận phải bôi đậm chữ “các vương triều Trung Hoa ngày xưa”, chứ không phải ngày nay, để khỏi ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao tốt đẹp của hai nước và chú nào pro-China khỏi ném đá hội nghị. Thử giở ra xem dân tộc Việt Nam ta bị đám thư lại Tàu viết như thế nào. Một tài liệu thường được trích dẫn là Thủy Kinh Chú viết (được cho là) về người Việt cổ: “Theo Chu Lễ, ở phía Nam có tám giống Man, xăm trán, giao ngón chân, có giống không ăn ngũ cốc”. Vậy đấy!
Kể tiếp câu chuyện lịch sử Cambodia. Những trang lịch sử thành văn của Cambodia có thể tóm tắt lại bằng tựa đề bộ phim cao bồi Viễn Tây nổi tiếng với anh kép chính Clint Eastwood “The good, the bad and the ugly”. Trước hết là “The good”. Đó là thời kỳ rực rõ của đế quốc Angkor không có đối thủ ở vùng Đông Nam Á trong 4 thế kỷ, từ năm 802 khi Vua Jayavarman II huyền thoại tuyên bố độc lập khỏi vương quốc Java, lập nên Đế chế Khmer Angkor. Đỉnh cao của nền văn minh này chính là các khu đền Angkor Wat (khởi công năm 1112), Angkor Thom (1181) mà sự hoành tráng của chúng có lẽ không bàn phím nào tả xiết! Sau đó là “The bad”, kể từ thế kỷ 13, khi đế quốc Angkor bị các dân tộc xung quanh dần chiếm phần lớn lãnh thổ. Thế kỷ 20 đánh dấu “The ugly” – bắt đầu bằng việc xứ sở này – giống như các nước Đông Dương khác – bị thực dân Pháp xâm lược. Một chi tiết nhỏ, trong 70 năm khai hóa văn minh, người Pháp chỉ lập nên 1 trường trung học duy nhất cho toàn bộ đất nước, và không có bất kỳ một trường Đại học nào! Nhưng sự kiện tồi tệ nhất không phải đến từ người Pháp mà từ 2 người Cambodia trở về sau khi du học ở Pháp có tên là Pol Pot và Ieng Sary. Không ai có thể biết được trong vòng 3 năm, 8 tháng và 21 ngày những người này và các chiến hữu đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết từ tra tấn, nhục hình, kiệt quệ vì đói, bệnh tật,… cho bao nhiêu đồng bào của họ. 3 triệu? 1 triệu? Không ai có thể biết chính xác, dù một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Yale cho biết con số đó là khoảng 2 triệu. Nghĩa là hơn ¼ dân số đất nước này tại thời điểm năm 1979! Lúc đó hầu hết cả thế giới không biết điều gì đang xảy ra tại xứ sở này. Một số thì biết rõ, vì họ chính là người đã dựng nên the-so-called Nhà nước Cambodia Dân Chủ, hay Khmer Đỏ - cái tên do một người có tên là Norodom Sihanouk gọi chế độ đó – nhưng đó là điều họ mong muốn. Người dân Cambodia thì quá yếu đuối không biết phải làm gì, chỉ có thể đón đợi những cái chết từ từ nếu không phải ngay tức khắc đến với mình và gia đình. Tất cả, chỉ trừ người Việt Nam…
"Một quan điểm sinh thái học về lịch sử - Văn minh Nhật Bản trong bối cảnh thế giới"
Lời giới thiệu
Tokyo, tháng Tám 2006
Kenichi Ohno
Diễn đàn Phát triển Việt Nam/GRIPS
Khi nghiên cứu lịch sử hiện đại Nhật Bản, chắc chắn câu hỏi then chốt đối với một nhà nghiên cứu sẽ là: Tại sao Nhật Bản, một quốc gia vào đầu thế kỷ 19 dường như rất lạc hậu xét trên mọi khía cạnh, lại có thể thành công một cách nhanh chóng và ngoạn mục như vậy trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa hơn tất cả các nước đang phát triển không thuộc phương Tây?
Sau hơn hai thế kỷ thi hành chính sách đóng cửa với nước ngoài, Nhật Bản bắt đầu mở lại các hải cảng cho giao thương với phương Tây vào năm 1854. Dù bị sức ép của toàn cầu hóa và chủ nghĩa thực dân, Nhật Bản không chỉ tránh khỏi bị phương Tây xâm lược mà còn tiếp thu được công nghệ mới, xây dựng các ngành công nghiệp hiện đại và, đến đầu thế kỷ 20, đã vượt qua Vương quốc Anh để trở thành nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Nhật Bản chỉ mất nửa thế kỷ để đạt được kỳ tích này và gia nhập nhóm Big Five, nhóm nước quyền lực nhất vào thập niên 1920. Cần phải nhắc lại rằng điều này được thực hiện hơn một thế kỷ trước, khi không hề có những khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành để trợ giúp cho các nước kém phát triển. Tất cả chi phí, bao gồm những mức lương cao dành cho cố vấn nước ngoài và giáo viên, đều do người Nhật chi trả.
Gần đây hơn, nước Nhật lại làm cho cả thế giới ngạc nhiên với sự phát triển thần kỳ trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Sau khi bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn vào năm 1945, nước Nhật đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào khoảng năm 1970. Dù sau đó có những bước thăng trầm trong môi trường kinh doanh, nước Nhật vẫn luôn duy trì được vị thế của một quốc gia hàng đầu về công nghệ cao. Các sản phẩm của Nhật như ô tô, xe máy và đồ điện tử gia dụng vẫn nổi tiếng toàn cầu về chất lượng cao.
Một câu hỏi có liên quan là, tại sao nước Nhật là quốc gia duy nhất ở Đông Á từng đi xâm chiếm các nước khác và xây dựng các thuộc địa riêng ở thế kỷ trước, trong khi các nước khác trong vùng, kể cả Việt Nam, lại thuộc về phía bị xâm lược và thực dân hóa? Rõ ràng là chủ nghĩa bành trướng quân phiệt Nhật đạt đỉnh điểm vào thập niên 1930 và 1940 phải có gì đó liên hệ chặt chẽ với khả năng kinh tế vượt trội của nó.
Việt Nam cũng là một thành viên trong vùng Đông Á có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản. Đất nước này có địa hình kéo dài và đường bờ biển dài. Gạo và cá là thức ăn chính. Mật độ dân cư cao. Cộng đồng làng xã đóng một vai trò quan trọng tạo nên bản sắc quốc gia. Phật giáo và ảnh hưởng của Trung Quốc thể hiện rõ trong văn hóa. Nhân dân thì nổi tiếng lao động chăm chỉ và ham mê kiến thức. Nhưng lịch sử hiện đại của Việt Nam lại rất khác so với Nhật Bản. Việt Nam trở thành thuộc địa vào năm 1887 và đã phải chiến đấu trong một chiến đấu kéo dài và cam go để dành lại độc lập khỏi người Pháp và người Mỹ. Việt Nam mới chỉ mở cửa nền kinh tế với phương Tây gần đây, vào đầu thập niên 1990, và bắt đầu nâng cấp công nghệ và các ngành với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các nhà tài trợ khác. Việt Nam đặt mục tiêu về cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020. Nhưng không thể phủ nhận rằng hiện tại Việt Nam đang cách xa Nhật Bản về mức thu nhập cũng như về công nghệ. Tại sao hai nước chúng ta lại có những bước đi lịch sử khác nhau đến như vậy dù điểm khởi đầu dường như tương tự nhau? Phải chăng đó là do vận may, hoặc có những lý do nào đó sâu sắc hơn?
Có lẽ những câu hỏi này là quá lớn đối với những người phải bận rộn với cuộc sống hàng ngày hoặc những viên chức luôn phải thực thi những nhiệm vụ ngắn hạn. Nhưng khía cạnh lịch sử to lớn đôi khi lại có ích và rất cần thiết khi một người mong muốn chỉ ra định hướng của đất nước cho những thế hệ kế tiếp. Khi Việt Nam gia nhập WTO và bắt đầu đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, nên chăng cần dừng lại một chút và lắng nghe lời lẽ của các học giả có sự quan tâm rộng hơn. Tôi tin rằng những ý tưởng của Tiến sỹ Tadao Umesao không chỉ thú vị ở góc độ học thuật mà còn khơi gợi cho việc trả lời những câu hỏi lớn như chúng ta đặt ra ở trên. Lý thuyết của ông được trình bày rõ ràng trong cuốn sách và không cần thiết phải nhắc lại ở đây. Tôi thành thật hy vọng rằng độc giả Việt Nam sẽ mở rộng tầm nhìn khi tiếp xúc với nhãn quan về thế giới độc đáo, kỳ thú nhưng giàu sức thuyết phục của Tiến sỹ Umesao.
Dự án dịch cuốn sách của Tiến sỹ Umesao sang tiếng Việt do Nguyễn Đức Thành, một sinh viên Tiến sỹ của tôi tại Học Viện Nghiên Cứu Chính Sách Quốc Gia (National Graduate Institute for Policy Studies – GRIPS) ở Tokyo, đề xuất. Hàng năm, trong buổi lên lớp đầu tiên khóa học về Phát triển Kinh tế Nhật Bản, tôi đều thảo luận quan điểm về thế giới của TS. Umesao với vai trò là kiến thức nền tảng hữu dụng nhất trong việc tìm hiểu những thành tựu của Nhật Bản từ thời Edo đến thời Heisei (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 21). Nguyễn Đức Thành rất ấn tượng với quan điểm này và mong muốn chia sẻ với mọi người ở đất nước anh. ABCD cũng tham gia vào nhóm dự án. Cả bản tiếng Anh và bản tiếng Nhật đều được tham khảo vào đối chiếu, trong đó bản tiếng Anh được lấy làm bản gốc để chuyển ngữ. Giáo sư Nguyễn Văn Kim (trường Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà nghiên cứu Nhật Bản hàng đầu ở Việt Nam, đã kiểm tra toàn bộ bản dịch với bản gốc một cách nghiêm túc về sự chính xác của nội dung và thuật ngữ. Ông cũng đã viết thư trực tiếp cho TS. Umesao để đảm bảo chất lượng của bản dịch.
Với sự kính trọng cao nhất, tôi xin được gửi lời cám ơn TS. Umesao đã cho phép chuyển ngữ công trình lớn của ông sang tiếng Việt, GS. Kim với sự hỗ trợ chuyên môn tuyệt vời, và hai dịch giả vì nỗ lực và niềm mê say của họ. Tôi cũng biết ơn trường Đại học GRIPS nơi tôi làm việc, đã hỗ trợ tài chính cho bản dịch.