Sunday, 27 August 2006

Những lá thư Ba Tư (phần 1-2)

<Mấy bài này mình viết trên một forum - bây giờ lập blog thì mình lôi sang đây - và cũng đưa vào một số bài comment của các bạn>


Thư thứ nhất
Nemo gửi T., từ Tehran

Vậy là đã một tháng trời tớ lang thang ở xứ Ba Tư, theo dấu xưa xe ngựa ‎hồn thu thảo, tìm đến những vết tích xa xưa của một đoạn trên con đường ‎tơ lụa lừng lẫy thủa nào, hôm nay mới tĩnh tâm viết vài dòng gửi về nhà ‎gọi là chia sẻ chút trải nghiệm.‎
Không biết phải bắt đầu từ đâu đây, thôi thì cũng nhân dịp sắp đến năm ‎mới của dân xứ này, tớ kể qua chuyện ăn Tết của họ vậy nhé. ‎

Tết Noruz
Huyền thoại và lịch sử
Trong tiếng Ba Tư (Persian), Noruz có nghĩa là "Ngày mới". Đó là khởi ‎đầu của một năm đối với người Afghanistan, Azerbaijan, Iran và ‎Tajikistan. Ở các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ ở châu Á cũng ‎vậy. Và mới đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa quyết định lấy Noruz làm ‎ngày lễ chính thức. Đây cũng là ngày lễ Năm Mới của người Iran (đặc ‎biệt là đối với người Kurd) tại các nước lân cận như Gruzia, Iraq, Syria ‎và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày lễ này bắt đầu vào dịp xuân phân, khoảng 21 tháng ‎Ba.‎

Theo truyền thuyết, Lễ Noruz có lịch sử trên 15000 năm (?) - trước khi kỷ ‎băng giá cuối cùng kết thúc. Vua Jamshid đánh dấu sự chuyển đổi của ‎người Indo-Iran từ săn thú sang chăn nuôi gia súc và nhân loại có một đời ‎sống ổn định hơn. Mùa màng luôn đóng một vai trò thiết yếu. Vạn vật ‎phụ thuộc vào bốn mùa trong năm. Sau một mùa đông khắc nghiệt, sự ‎khởi đầu của mùa đông là một dịp vĩ đại, khi Mẹ Thiên nhiên bừng giấc ‎với màu xanh tươi của hoa lá và gia súc sinh sôi nảy nở. Đó là khởi đầu ‎của sự thịnh vượng. Jamshid được coi là người đề ra Lễ Noruz.‎

Kinh cổ Avestan của Bái hoả giáo và các đoạn kinh về sau này chỉ ra rằng ‎Zarathustra đã phát triển lịch Indo-Iran cổ từ năm 1725 BC. Loại lịch phổ ‎biến lúc bấy giờ là âm lịch với 354 ngày. Sau mỗi 30 tháng, loại lịch này ‎lại được thêm vào một tháng nhuận làm cho loại lịch này hầu như vẫn ‎theo các mùa. Zarathustra, người lập nên Minh giáo, bản thân là một nhà ‎thiên văn, với đài quan sát của mình, đã nghiên cứu và điều chỉnh lịch ‎bằng cách đưa thêm 11 ngày nhuận để một năm âm lịch có 365 ngày, 5 ‎giờ và một phần lẻ.‎

Về sau, đến thời hậu Gathic, một năm được tính chỉ theo dương lịch với ‎mỗi tháng có 30 ngày. Thêm 5 ngày nhuận, và mỗi 4 năm lại thêm 1 ngày ‎nhuận, để làm cho 1 năm có 365 ngày, 5 giờ và phần lẻ. Về sau, lịch này ‎được chỉnh sửa lại để một năm có 365 ngày, 5 giờ 48 phút 45.5 giây. Một ‎năm bắt đầu đúng vào dịp xuân phân và do đó, không cần phải thêm vào ‎‎1 ngày cứ mỗi 4 năm và cũng không cần thiết phải có 1 năm nhuận. Đó là ‎‎(và hiện nay vẫn là) loại lịch tốt nhất và chính xác nhất.‎

Khoảng 12 thế kỷ sau, vào năm 487 BC, Darius Đại đế của triều đại ‎Achaemenid (550 BC đến 331 BC) kỷ niệm lễ Noruz tại thành Persepolis ‎mới xây dựng tại Ba Tư. Đó là một dịp rất đặc biệt. Vào ngày hôm đó, ‎những tia nắng mặt trời đầu tiên rọi xuống đài quan sát trong đại lễ đường ‎vào lúc 6:30 am; một sự kiện chỉ lặp lại vào mỗi 1400 năm. Nó ‎cũng trùng khớp với ngày lễ năm mới của người Babylon và người Do ‎Thái. Do vậy, đó là một điềm lành đối với người xưa. Persepolis là nơi ‎mà vua Achaemenid đón nhận thần dân từ khắp mọi nơi của vương quốc ‎rộng lớn vào dịp Noruz. Những bức tường của hoàng cung có mô tả cảnh ‎lễ hội này.‎

Dưới thời Sassanid (224 tới 652), người Ba Tư phải chuẩn bị 25 ngày ‎trước lễ Noruz. Mười hai cột gạch mộc, mỗi cái tượng trưng cho một ‎tháng trong năm, được dựng lên ở sân triều đình. Sau đó, người ta gieo ‎lên đỉnh cột nhiều hạt giống rau – lúa mỳ, lúa mạch, đậu lăng, đậu hạt và ‎các loại khác. Và chúng sẽ mọc lên xanh tốt vào đúng ngày Năm Mới.‎

Đức vua phát biểu trước toàn thể dân chúng và Đức Cao Tăng của vương ‎quốc là người đầu tiên chúc phúc cho Vua. Tiếp theo là các quan chức ‎triều đình. Mỗi người đều mang đến quà tặng và nhận được một phần ‎quà. Lễ kéo dài trong 5 ngày, mỗi ngày dành riêng cho một lớp người. ‎Đến ngày thứ 6, gọi là ngày Đại Noruz, nhà vua gặp gỡ thành viên hoàng ‎tộc và các cận thần. Cũng trong ngày này, những kẻ phạm tiểu hình sẽ ‎được ân xá. Các cây cột được chuyển đi vào ngày thứ 16 và dịp lễ kết ‎thúc. Trong thời gian này, thần dân trên khắp đế quốc đều linh đình tổ ‎chức lễ hội.‎

Kể từ thời đó, người dân của nền văn hoá Ba Tư, dù là người Minh giáo, ‎Do Thái giáo, Công giáo, Hồi giáo,... dưới sự cai trị của người Arab, Thổ ‎Nhĩ Kỳ, Mông Cổ hay Ba Tư, đếu tổ chức ngày Noruz vào ngày xuân ‎phân, tức 21 tháng Ba.‎

Người theo Minh giáo có 6 lễ hội tạ ơn theo mùa, gọi là "Gahanbars" ‎trong năm. Ngày xuân phân, gọi là Hamaspathmaidhaya trong tiếng ‎Avesta, nghĩa là "Middle of Equal Paths", hoặc theo một biểu ‎hiện đơn giản hơn, là "xuân phân" là ngày lễ quan trọng nhất. Về sau, nó ‎được gọi là "Nava Saredha" và về sau nữa là Now Sal, đều có nghĩa là ‎‎"Năm Mới". Ngày nay, người ta gọi là Noruz – Ngày Mới. Đó là ngày ‎đầu tiên của mùa xuân ở Bắc Bán cầu.

̣
(còn tiếp)
----

Atula wrote:

Hay đấy, lâu lâu mới có tin của Nemo.

Cát trắng trời xanh, tay nào vén khăn voan che mặt giai nhân.
Mắt ngọc má hồng, trống Ba-tư bập bùng đêm sa mạc

Cho thêm ảnh cho nó sinh động bạn hiền Nemo nào, hay là dial up của Iran chậm quá.

Ogiadinh wrote:

Навруз - Navruz: em phiên âm thế này có chuẩn ko Nemo. Đây là ngày lễ đầu năm mới của các nước hồi giáo thuộc địa phận Trung Á. Tính theo lịch của đạo Hồi thì ngày lễ năm này bắt đầu vào 21.03 (dương lịch).

Phong tục đón tết Navruz của người Trung Á cũng hay, họ tổ chức trồng nhiều loại cây từ trước tết, trong đó phải kể đến các loại lúa mỳ, lúa mạch, hành, hẹ... trong những bát nước/đất nhỏ và lấy đó là biểu tượng của mùa xuân. Thực chất những ngày xuân Navruz ở khu vực Trung Á các loại cây đào, táo (abricot) nở hoa rất đẹp, cây to, hoa trông giống hoa đào của mình cực.

Người Trung Á thuộc khu vực Kyrgystan, Uzbekistan, Afganistan, Tajikistan có phong tục nghiền các loại hạt lúa mạch... và trộn thành loại nước sệt sệt, ngòn ngọt mà không có đường. Trước đây em nghe 1 bác GS giảng về phong tục ăn (cũng có thể gọi là uống) nước này có nhiều truyền thuyết nhưng có 01 cái nghe rất hài. Người ở khu vực này ăn uống kham khổ lắm, nên răng lợi rất yếu, bằng chứng là dân Tajikistan, Uzbekistan chuyên môn đánh, bọc răng vàng hoặc bạc (thỉnh thoảng hôn em nào cũng cố lấy lưỡi đẩy đẩy xem có vớt được miếng vàng nào rụng ra không . Việc ăn cái nước sền sệt ấy không dễ như uống nước, mà nó sẽ dính đầy vào răng, nhiều khi toe toét cả miệng ra mà nhiều bạn có thể liên tưởng ngay tới việc ăn k ấy. Quan trọng là trên răng vẫn còn dính cái nước nhiều Vitamin này để tăng cường chất bổ cho răng lợi....

Hihihi từ quan điểm đó mà hồi này các em gái Trung Á cũng bỏ dần model bọc răng vàng.

Một phong tục nữa rất hay trong dịp lễ Navruz là tục đua ngựa giật cừu. Bác nào ở Trung Á lâu quá rõ, ngựa của nó to đùng, còi kẹ 1.78m như em đứng mới ngang lưng con ngựa. Người khu vực này đúng xuất thân du mục, cưỡi ngựa cực giỏi, tranh nhau 1 con lừa rồi vác nó lên 1 đỉnh núi hoặc 01 cột mốc làm đích. Ai mang được lừa về đó coi như thắng. Phẩn thưởng có khi rất lớn, 1 xe Nissan, cũng có khi chỉ là con cừu đó. Hì hì xem chúng nó giật cừu nhiều lúc thấy giống đá bóng hoặc tư bản châu âu chơi Polo.

Thôi em bốc phét thế, khi nào Nemo vào hát em phụ họa, nhỉ.

Nemo wrote:

(tiếp theo)
Người Minh Giáo tính thời đại của họ - thời đại Minh giáo (Zoroastrian ‎Religious Era – ZRE) - kể từ ngày Noruz năm 1737 BC. Vậy, bây giờ ‎‎(tháng 3/2006) là tháng cuối cùng của năm 3743 ZRE. Thực ra, cách tính ‎lịch này mới được hồi sinh bởi Hội Đồng Minh giáo 15 năm trước. Niên ‎lịch Minh giáo đã bị từ bỏ khi vương triều Achaemenid (550 - 331 BC - Thời đế quốc Ba Tư vĩ đại nhất trong lịch sử) chịu ảnh hưởng ‎bởi tập quán thống trị ở Lưỡng Hà lúc bấy giờ, tức là tính theo niên đại ‎của vương triều hiện hành. Đó là lý do vì sao người Minh giáo lại theo ‎lịch Fasli - Mặt trời, Shahenshahi (chiếm đa số của Parsi), Qadimi (một ‎thiểu số người Parsi và người Iran ở Ấn Độ và Pakistan) có lịch ‎Yazdgerdi, năm Vua Yazdgerdi lên ngôi năm 632. Cả lịch Shahenshahi ‎và Qadimi đều tính một năm chỉ có 365 ngày. Họ đã tính quá khoảng 7 ‎tháng vì đã tính thêm 1 ngày mỗi 4 năm. Có nghĩa là họ bỏ năm nhuận ‎‎(avardâd sâigâh) khoảng 855 năm trước đây – vào khoảng năm 1150. Tất ‎cả người Iran Minh giáo theo Fasli - hay dương lịch hoặc lịch theo mùa.‎

Khi người Hồi giáo Iran trở lại với năm dương lịch, họ đếm năm Hejra ‎theo hệ mặt trời. Như vậy, Noruz năm nay là năm 1385 Khorshidi. ‎

Bàn Noruz
Mọi gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ một tháng trước Tết. Lúa mỳ, ‎lúa mạch, đậu lăng và các hạt giống rau khác sau khi ngâm mọc trên đĩa ‎sứ và bình đất hình tròn khoảng 10 ngày trước, và đến đúng ngày Noruz, ‎chúng sẽ cao đến khoảng 6 - 7 cm.‎

Ngày nay, nghi lễ đã được giản tiện hoá đi nhiều. Người ta trải bàn, trên ‎đó một cuốn Kinh Qur'an, một chiếc gương, nến, lư hương, một chậu ‎nước đựng cá vàng, đĩa và bình có chồi rau, hoa tươi, hoa quả, vài đồng ‎xu, bánh mỳ, đường viên, mấy loại bột mỳ, mấy quả trứng luộc tươi trang ‎trí - giống quả trứng Phục Sinh, và nhất thiết phải có 7 thứ có tên bắt đầu ‎bằng chữ S theo tiếng Ba Tư (Haft Seen). Những thứ phổ biến nhất là ‎dấm (serkeh), cây sơn (sumac – somâq), tỏi (sir), samanu (một loại thức ‎ăn làm từ lúa mỳ đã nảy mầm), táo (sib), Quả lương thanh trà (sorb - Senjed) và rau thơm ‎‎(sabzi). Bảy loại này luôn được bày trong những chiếc bát hoặc đĩa nhỏ ‎đặt trên bàn. Bàn được trải khăn trắng - tượng trưng cho sự tinh khiết, ‎tinh tươm.‎

Gặp người Bái Hỏa Giáo, họ sẽ kể cho chúng ta về ý nghĩa từng chiếc đĩa chữ S như sau:‎

Chiếc đĩa thứ nhất: Tôi là "Serkeh", nghĩa là dấm. Dù chua nhưng tôi là ‎một thứ giúp bảo quản tốt. Tôi thêm hương vị cho những gì bạn muốn lưu ‎giữ và thưởng thức. Tôi tượng trưng cho sự bảo quản hương vị.‎

Chiếc đĩa thứ hai: Tôi là "Sumac", gợi cảm theo cách riêng của mình. Tôi ‎giúp cho món kabob (Tớ sẽ kể nhiều hơn cho cậu về cái món ăn đặc trưng này của người dân xứ này sau) của bạn có một hương vị riêng - hương vị bạn ‎thưởng thức. Tôi tượng trưng cho hương vị.‎

Chiếc đĩa thứ ba: Tôi là "Sir", nghĩa là tỏi. Một số người không thích mùi ‎của tôi nhưng những người khác lại yêu thích. Tôi giúp làm giảm huyết ‎áp. Tôi làm nguôi cơn giận. Tôi tượng trưng cho hoà bình.‎

Chiếc đĩa thứ tư: Tôi là "Samanu", một thứ bột dẻo rất ngọt, làm từ lúa ‎mỳ đang nảy mầm. Tôi tượng trưng cho mùa xuân đang đâm chồi nảy ‎lộc, vạn vật trong thời gian hạnh phúc.‎

Chiếc đĩa thứ năm: Tôi là "Sib", táo. Tôi tượng trưng cho các loại hoa quả ‎trên thế giới của chúng ta, cả theo nghĩa đen và hình tượng.‎

Chiếc đĩa thứ sáu: Tôi là "Senjed", là quả mọng nhạt của cây thanh lương ‎trà. Tôi là quả của loài cây mang đến bóng mát trong mùa hè. Tôi tượng ‎trưng cho lá chắn và sự an ninh khi bạn cần nghỉ ngơi.‎

Chiếc đĩa thứ bảy: Tôi là "Sabzi", rau thơm. Tôi đến từ những cánh đồng ‎xanh ngắt. Tôi tượng trưng cho sự thịnh vượng.‎

Tấm gương phản chiếu quá khứ của chúng ta và chỉ cho ta thấy hiện tại ‎để ta có thể lập kế hoạch thấu đáo cho tương lai. Nến mang đến ánh sáng, ‎sự ấm áp, và năng lượng hướng đến một cuộc sống chính trực mà đến ‎lượt mình, cuộc sống lại sinh ra ánh sáng, đem đến sự ấm áp, và cung cấp ‎năng lượng cho những người khác. Lư hương tạo nên mùi thơm ta cần để ‎suy ngẫm, cầu nguyện Chúa Trời, mong người giúp đỡ và chỉ hướng. Cá vàng tượng trưng cho một cuộc sống hạnh phúc, tràn đầy chuyển động. ‎Những đĩa chồi xanh và những quả trứng nhiều màu sắc đại diện cho sự ‎sáng tạo và năng suất.‎

Mọi thành viên trong gia đình đều ăn vận những bộ đồ đẹp nhất, ngồi ‎xung quanh bàn và háo hức chờ đón khoảnh khắc giao thừa qua đài phát ‎thanh hoặc máy truyền hình. Người chủ gia đình cầu kinh Noruz, và sau ‎giao thừa, mọi người ôm hôn nhau và chúc nhau một Noruz ngập tràn ‎hạnh phúc. Người lớn tuổi tặng quà cho thành viên nhỏ tuổi trong nhà. ‎Sau đó, mọi người đến hàng xóm, họ hàng, bạn bè chúc Tết nhau. Thời ‎trước, người Ba Tư còn có tục nhảy qua đống lửa với tín niệm rằng Lửa -‎vị thần cao quý trong tín ngưỡng Bái Hoả Giáo - sẽ đốt hết những rủi ro, ‎bất hạnh trong năm qua để đón mừng một năm mới may mắn.‎

Dịp lễ kéo dài 12 ngày, và đến sáng ngày thứ 13, mọi người đều kéo nhau ‎đi dã ngoại ở vùng thôn dã. Người Ba Tư gọi đó là "Sizdah-Bedar", nghĩa ‎là "Thirteen-in-the-outdoors". Các thành phố và làng mạc trở nên hoang ‎vắng đìu hiu vì hầu hết cư dân đã đi vào rừng, lên núi, trèo đèo, lội suối ‎hết cả. Mọi người hát hò, nhảy múa rất vui vẻ. Các thiếu nữ đến tuổi cập ‎kê thắt nút những sợi cỏ với mong ước rằng đến mùa Noruz sang năm sẽ ‎lập gia đình và sinh ra những đứa trẻ thật xinh xắn.

(còn tiếp)
-----
Ziusha wrote:
Em xin phép nói leo một tý với: em được nghe từ nguồn khác là ở một trong những nước Trung Á kể trên, ngày lễ Navruz kéo dài tới 1 tháng và ngày thứ sáu được coi là ngày lễ lớn nhất (dịch nôm na là the Great Navruz). Bác có thông tin gì về cái ngày gọi là Great Navruz không?

Thuyền trưởng có bức tranh tĩnh vật về Navruz đẹp quá!
Em xin phép góp thêm mấy cái ảnh từ ngày lễ này ở Uzkekistan và Tajikistan nhé:
Mầm cây nè:
Bàn tiệc (hơi nhiều bánh mì mà bên đó gọi là le-pesh-ka) này:

Khi nào Nemo kể tiếp đến đoạn Kebob thì khai khẩn cho em luôn về món Plov ngầy ngậy mà em mê mẩn nhé:
Hihi, em chỉ biết ăn mà chả biết gì về nó cả. Món này có được cho vào các món của Navruz không ạ?
__________________
Nghìn lần xem-vẫn đam mê
Trái tim buốt trước câu thề gió trăng
Cấm sao tơ nhện cứ giăng
Một đời dại - vẫn đa mang - một đời... (nthn)

Nemo wrote:

(tiếp theo)
Những ngày trước Tết
T. à, còn 3 tuần nữa mới đến Tết Noruz nhưng dân tình thành Tehran đã nhộn nhịp sắm sửa lắm rồi. Tuyết trên phố phường đã tan khá lâu, dù trên đỉnh Damavand cheo leo hay ngọn Tochal hùng vĩ vẫn còn đủ tuyết cho nam thanh nữ tú rủ nhau đi skiing. Thế nhưng, không vì thế mà không khí trong cái thành phố này bớt ngột ngạt hơn. Nhật báo Tehran Times số ra ngày 5/12 đưa tin: "Mức độ ô nhiễm của thành phố đã đến mức báo động".

Nghe phong thanh đâu đó, các công chức người Việt đang công tác tại xứ này đang đề nghị nhà nước xét tiêu chuẩn phụ cấp công tác tại địa bàn ô nhiễm môi trường thì phải. Cũng phải thôi, ô nhiễm khói bụi là điều khó tránh khỏi ở một thành phố mà hàng ngày có không dưới 3,2 triệu chiếc ô tô (đúng là triệu đấy chứ mình không nhầm đâu T. à) hoạt động. Xăng ở đây thì khỏi phải nói, là hàng hóa thuộc loại rẻ nhất thế giới. Tính ra tiền mình chưa đến nghìn rưởi một lít (chắc chỉ thua quê đồng chí Chavez nơi mà giá xăng chỉ 500 Việt kim), thành thử mỗi lần đổ xăng đi bét nhè chè thiu cũng chưa đến trăm khìn. Xăng như thế làm gì mà dân tình lại không đi vung vít cho sướng. Nhìn qua nhìn lại thì trong lượng xe cộ khổng lồ chỉ tính riêng thủ đô này hầu hết chỉ có 2,3 nhãn xe. Nhiều nhất là Iran Khodro - xe nội địa, tiếp đến là Peugeot, liên doanh với ... Iran Khodro. Loại xe được ưa chuộng nhất hiện thời là 206. Ngoài ra, chỉ có thêm Mitsubishi, BMW nhưng chỉ chiếm một con số rất rất nhỏ so với 2 loại trên.

Lại nói tiếp chuyện dân tình chuẩn bị sắm Tết. Cả tuần nay các chợ đã sôi động hơn hẳn thường nhật. Chợ ở đây - bất kỳ cái chợ nào - đều được gọi là Bazaar. Khái niệm này khác hẳn với xứ Phù Tang của T., nơi Bazaar được hiểu là Flea Market, hay chợ đồ cũ. Chợ ở đây có hai loại, chợ tự do và chợ bao cấp. Nếu mua ở chợ bao cấp thì thường rẻ hơn khoảng 20% so với mua ở chợ tự do. Thật kỳ lạ là ở cái xứ toàn là đồng cát sa mạc và núi đá thế này mà hàng nông nghiệp cái gì cũng sẵn có. Cũng mừng là trong đó cũng có một vài thứ xuất xứ từ quê ta đấy bạn à. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm vừa qua quê mình xuất được sang đây cũng hơn 90 triệu Mỹ kim - chưa là gì so với các thị trường lớn nhưng cũng được các doanh nghiệp bạn đánh giá khá cao về chất lượng.

Dịp Tết này, những mặt hàng tiêu thụ chạy nhất vẫn là các loại rau quả Haft Seen, thực phẩm, thảm , đồ gia dụng,... như ở mọi nơi trên trái đất này thôi. Trong khi các sứ bộ hàng ngày hàng giờ hồi hộp dõi theo những màn đối đáp khẩu chiến giữa Ahmadinejad, Mottaki,.. với IAEA, EU, Nga còn báo chí thế giới cứ mải miết phỏng đoán xem tháng mấy thì Mỹ sẽ không kích các lò hạt nhân tại Shiraz, Esfahal (chỗ này phải khoe ngay với T. là tớ vừa đi qua chỗ được coi là nơi làm giàu uranium tại Esfahal. Hì, qua chỗ đấy phải phóng xe thật nhanh không thì máy bay Mỹ bỏ bom thì bỏ xừ) thì người dân vẫn có vẻ hết sức ung dung mua sắm, náo nức chuẩn bị cho ngày lễ lớn nhất trong năm. Hy vọng, vài năm nữa những người bạn Afar Ali, Shahram, Farzane của mình vẫn có được sự yên bình và thanh thản này. Thế nào nhỉ, give the peace a chance,...

Thế đã T. nhỉ, tớ tạm dừng gõ bàn phím tại đây. Bọn thanh niên hàng xóm vừa rủ ra ngoài đường đốt pháo. Hẹn thư sau tớ sẽ viết dài hơn.

Đêm trăng đẹp, ngày 5 tháng Esfand năm 1384

2 comments:

  1. Sao toi khong the doc tieng Viet tren blog cua ong nhi mac du van doc duoc tieng Viet tren blog cua nguoi khac....kho' hieu qua di mat thoi.
    Đọc được không?

    ReplyDelete
  2. Tôi vẫn đọc được đấy chứ nhỉ? Thử xem lại encoding xem... Giờ này mà còn chưa đi ngủ ah?
    Hihi, đang định viết review về bộ phim hôm nay xem nhưng buồn ngủ quá rồi. Thôi để mai vậy.

    ReplyDelete