Wabi - Sabi: Japanese Aesthetic
Đây là một ý niệm thuộc về tư tưởng thẩm mỹ của người Nhật. Thông thường, có thể hiểu khái quát triết lý thẩm mỹ của dân xứ hoa anh đào gồm 2 ý chính: (1) hòa đồng với thiên nhiên và (2) tinh thần vô thức Phật giáo. Tuy nhiên, cách biểu hiện thẩm mỹ cũng khác nhau tùy theo tinh thần của từng thời đại lịch sử.Nhìn chung, có thể chia thành 4 loại mà wabi-sabi là một trong số đó, như sau:
1. Bi thảm (Mono no aware)
Thời đại Heian (Bình An, 794 - 1185) là thời kỳ người Nhật xóa bỏ ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, bắt đầu từng bước tạo lập một nền văn hóa, tư tưởng riêng của mình. Đây là thời kỳ mà Phật giáo suy tàn, một thời đại được gọi là thời Mạt Pháp, với tư tưởng thẩm mỹ chủ đạo là bi thảm. Mọi vật trên đời này đều được nhìn nhận chỉ là thứ phù du, sớm nở tối tàn, làm mềm lòng cả những trái tim quả cảm nhất. Tư tưởng này thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm Genji monogatari (Nguyên Thị Vật Ngữ) - Murasaki Sikibu và các truyện khác thuộc thời đại này.
2. Wabi - Sabi
Sau thời Chiến quốc, khi những trận đẫm máu của cuộc nội chiến tạm lắng, những người hùng - các chiến binh - không còn giữ được quyền lực xã hội nữa, và vai trò này rơi vào tay của các cư dân thành thị, những người làm nghề buôn bán. Đương nhiên, vì thế, tư tưởng thẩm mỹ chung của xã hội cũng chính là thẩm mỹ của tầng lớp này. "Wabi" là khái niệm thẩm mỹ bắt nguồn từ trà đạo, nó ẩn chứa một tinh thần phong phú và tĩnh tại ngay bên trong vẻ đơn giản, thuần khiết. Nó được gói gọn trong hình ảnh một nhành hoa dại và những đồ trang trí mộc mạc trong các trà thất của các bậc thầy trà đạo như Thiên Lợi Hưu (Sen no Rikyuu),... "Sabi" là vẻ đẹp trong những bài thơ haiku như của Matsuo Basho (Tùng Vĩ Ba Tiêu),... thể hiện một tâm cảnh hùng vĩ mà tĩnh lặng. Cả "Wabi" và "Sabi" đều gắn liền với cảnh giới của Thiền, vô vi mà giác ngộ....
Một bài haiku nổi tiếng của Ba Tiêu:
"Trên cành khô
Chim quạ đậu
Chiều tàn mùa thu"
3. Lịch lãm (Iki)
Đây là tư tưởng thẩm mỹ thịnh hành ở thời Edo trong tầng lớp thương gia và thị dân. Tổng quát thì tư tưởng này có 3 điều kiện: Hari, ada và akanuke. Hari có nghĩa là kiên trì với suy nghĩ của chính mình; ada nghĩa là không có những hành động, cử chỉ thô tục; còn akanuke tức là thông hiểu được những góc cạnh, sân si trên đời.
4. Maku no uchi
Tư tưởng thẩm mỹ truyền thống này được hòa hợp với nền văn minh hiện đại, trở thành tư tưởng thẩm mỹ chủ đạo thời nay của người Nhật. Tuy nhiên, nó vốn bắt nguồn từ những hộp cơm (bento) do Ekuan Kenji (Vinh Cữu Am Hiến Tư) thiết kế. Những hộp cơm này kết hợp tư tưởng triết lý của cả wabi, sabi và iki. Nhìn đồ điện tử, ô tô, hay bất kỳ một sản phẩm nào của người Nhật thiết kế, bạn có thể cảm nhận được phần nào tư tưởng thẩm mỹ của họ...
* The picture on the top of the article is a photo of the Silver Temple in Kyoto that I've shot in Autumn 2003
Hi chú. Thanks chú đã đọc blog của anh. Anh sẽ cố gắng vào đây tập viết lúc rảnh rỗi. hehe
ReplyDeleteHe he ... Bắt đầu viết blog hả anh. Thú vị nhỉ. Em cũng hay vào blog nhưng chỉ để đọc của mọi người thoai. Có cái blog của một ông Tây, đọc nghe rất thú vị. Share cho anh đọc nè.
ReplyDeleteEntry for July 29, 2006 - Karaoke!
Ka-ra-ô-kê. Bốn âm tiết mà không ai ở Việt Nam có thể bỏ qua được. Trước khi sang Việt Nam mình đã không biết karaôkê là cái gì cả. Nhưng sau khi đến xứ sở này mình đã nhanh chóng nhận ra một điều là: sống ở Việt Nam mà không đi hát karaôkê thì khác nào ăn canh không có mỳ chính, như người ta hôn nhau mà không có râu! (cứ tưởng tượng đi!) Thế là mình mua một bộ loa và một số DVD karaôkê mang về nhà rồi luyện hát cái. Các đĩa DVD mà minh chọn có nhiều bài khác nhau, nên mình đã có một cái mô hình âm nhạc Việt Nam rất phong phú.
Khi xem các đĩa DVD đó, mình phát hiện ra một vài điều rất thú vị! (Hay là rất thú vị đối với mình thôi, mình không biết nữa!)
1) Nghệ sĩ Việt Nam cực kỳ thích cái từ “xót xa”! Ngay sau khi mua các đĩa DVD đó, mình chọn một cái cho vào máy ví tính xem thử. Bài đầu tiên có từ “xót xa”. “Xót xa là gì?” Joe tự hỏi mình. Mình nghe bài thứ 2. Lại có từ xót xa. Mình nghe bài thứ 3. Lại có. Mình nghe bài thứ 4. Lại có. Rồi bài thứ 5 và nó…lại có! Lạ nhỉ! (Lúc đó mình tra từ điển đọc rất kỹ định nghĩa của từ này.) Không phải chỉ riêng từ “xót xa” thôi mà cũng có một số từ khác lại luôn luôn xuất hiện trong bài hát Việt Nam. Nếu ai có thể tìm cho mình một đĩa karaôkê nhạc trẻ mà không bài nào có từ “xót xa”, “lẻ loi”, “cô đơn”, “nỗi đau”, hoặc “gian dối” thì mình sẽ mua đĩa đó với gía 1 triệu đồng luôn!*
*có lẽ mình sẽ không làm thế
(Âm nhạc Tiếng Anh cũng thế thôi, những từ như sorry, baby, heart, lost, v.v.)
2) Trong việc sáng tác bài hát Việt Nam thì chuyện “đảo ngược” những từ hai âm tiết có vẻ rất phổ biến. Mình đã biết từ “suy nghĩ” từ lâu rồi, từ này quá bình thường, sách giáo khoa nào cũng có. Nhưng mình đã phải mua một đĩa DVD karaôkê mới biết từ “nghĩ suy” là như thế nào. Hình như đảo trật tự của âm tiết trong từ hai âm tiết như vậy là để thêm hoành tráng vào hay sao nhỉ? Nếu viết là “Thay đổi” thì không được đâu, phải là Tình yêu của mình phải đổi thay mới hay chứ! Cũng như gian dối (dối gian), “mong chờ” (chờ mong) “tha thứ” (thứ tha)…Chuyện này càng thuyết phục mình rằng Tiếng Việt là một ngôn ngữ hơi bị phong phú! Tiếng Anh làm gì có chuyện đó – yesterday all my troubles seemed so ‘away far’ …sai! điên! Có lẽ Tiếng Việt linh hoạt hơn cả Tiếng Anh một chút, ít ra trong một vài lĩnh vực đặc biệt như vậy.
3) Người Việt Nam rất coi trọng nhạc sĩ. Cái đó mình thấy rất là hay. Ở bên Tây có một bài hát nổi tiếng thì chắc ai cũng sẽ biết người ca sĩ là ai. Nhưng rất ít người sẽ biết nhạc sĩ –người sáng tác bài đó – là ai, mà gần như là không ai biết cả. (Ở bên Tây chuyện ca sĩ tự sáng tác bài của mình là hiếm có.) Ở Việt Nam thì lại khác. Có một bài do Trịnh Công Sơn sáng tác được một ca sĩ khác trình bày chẳng hạn thì đa số người sẽ biết đó là bài DO Trịnh Công Sơn sáng tác ĐƯỢC một ca sĩ khác trình bày. Lời giới thiệu của những bài hát mà lên TV hoặc lên mạng luôn nhắc đến tên của hai người: người nghệ sĩ và người ca sĩ. (Nhạc sĩ: Trần Tiến.. Thể hiện: Mỹ Tâm…kiểu thế.) Cái đấy mình khâm phục thật – có lẽ Tây phải học Việt Nam cái!
À, bài mà mình đang thích nhất là bài “Đêm thấy ta là thác đổ” do Trịnh Công Sơn sáng tác, được ca sĩ Quang Dũng trình bày.
Có ai đi karaôkê không
Nữa này... Thằng Tây này giỏi Tiếng Việt chắc ngang ngửa với Thằng người Nhật mà anh em mình gặp hôm SN Eli ấy nhỉ.Đọc hài vãi...
ReplyDeleteNữa này... Thằng Tây này giỏi Tiếng Việt chắc ngang ngửa với Thằng người Nhật mà anh em mình gặp hôm SN Eli ấy nhỉ.Đọc hài vãi...
ReplyDeleteEntry for June 21, 2006 - Dồng chí Joe là ai?
Hình như mình đã viết mấy blog rồi nhưng chưa giới thiệu nhiều về mình cho những người mà lang thang “ghé qua” blog này. Thế là….
Mình tên là Joe – phất âm giống Mai Văn Dâu – và năm nay mình 27 tuổi (tính theo tuổi Tây. Nếu tính kiểu “ta” thì mình đã 28 tuổi rồi.). Chưa có vợ, chưa có người yêu, vẫn đang tìm! (phải quảng cáo tí chứ!). Mình quê ở Vancouver, một thành phố hơi bị đẹp luôn ở phía Tây Canada, và mình đã ở xứ sở này được hơn 3.5 năm rồi.
Chuyện mình sắp 30 tuổi cũng hơi bi kịch đấy! Nghĩ đến chuyện đó thì mình muốn mua xe Piaggio màu đen, may một bộ quần áo cực kỳ sành điệu, rồi vào một buổi tối thứ 6 trời đẹp và không khí sôi động tìm một cô gái “ngoại hình khá” rủ đi quanh quanh bờ hồ chậm chậm. Tất nhiên là mình cũng có ý định thuê một người đi theo, quay phim. Như thế, khi mình 45 tuổi mình có thể mở lại thước phim đó, gọi con đến xem và nói “đấy! bố đã từng là dân chơi sành điệu kinh khủng, con thấy chưa? (lúc đó chắc vợ cố tình phá không khí, cười nước đôi và nói “anh dân chơi ơi, vào bếp giúp em rửa bát đi!”).
Mình đã học tiếng Việt độ khoảng 3 năm rồi – 2 năm ở trường đại học ở HN và 1 năm “ở trên đường” -- công nhận xe-ôm VN chửi bậy kinh khủng (nhưng mà hay!) Chuyện mình sang VN đầu tiên là hoàn toàn tình cờ. Hè năm 2002 mình tốt nghiệp đại học ở Canada rồi đi làm ở Hàn Quốc. Tháng 9 năm đó mình quyết định sang HN theo một khóa bồi dưỡng (khóa đó kéo dài một tháng) rồi quay lại HQ tiếp tục đi làm. Nhưng sau khi ăn nem chua rán ở gần phố Hàng Bông mình quyết định là “Thôi! Sống ở đây cũng được!” (Thật ra mình đã thấy cuộc sống ở HN rất thỏai mái và mình đã rất muốn biết nhiều hơn về VN và người Việt..xin lỗi HQ nhé!). Rồi mình tìm việc làm ổn định và 3.5 năm sau mình vẫn có mặt ở đây. Tết năm ngoái mình xin nghỉ việc để tập trung vào việc học tiếng Việt, và khoảng 2 năm nữa, khi tiếng Việt của mình giỏi hơn nhiều, mình sẽ tiếp tục đi làm ở đây. Hy vọng là thế!
À, mình nói một chút về blog này nhé! Lúc mở blog này, ý của mình chỉ là thình thoảng viết nhật ký, phát triển tiếng Việt một chút. Mình thật sự không ngờ là sẽ có nhiều người vào xem và cái “friends network” của mình sẽ lớn lên như thổi (mình mới học chuyện Thánh Gióng ở trường!) Rất tiếc là mình không có nhiều thời gian để “chăm sóc” blog này (update thường xuyên, trả lời các comments của mọi người, v.v.) Mọi người thông cảm nhé! Mình vẫn đọc và viết tiếng Việt cực kỳ chậm – như là lao động chân tay! – và mình cũng phải dành thời gian để đi học và đi làm.. không phải là vì nhà mình ở số 1 Yết Kiêu đâu! Nhưng mình rất thích đọc các comments của mọi người và mình rất cảm ơn mọi người đã ủng hộ mình tiếp tục viết blog này! Thanh-kiu Vinamiu!
Tuan oi, ong viet bang cai font chu ji ma tui ko the nao doc duoc the.
ReplyDeleteDoi sang font Arial ddi.