Friday, 25 August 2006

Wabi - Sabi: Mỹ học Nhật Bản




Wabi - Sabi: Japanese Aesthetic

Đây là một ý niệm thuộc về tư tưởng thẩm mỹ của người Nhật. Thông thường, có thể hiểu khái quát triết lý thẩm mỹ của dân xứ hoa anh đào gồm 2 ý chính: (1) hòa đồng với thiên nhiên và (2) tinh thần vô thức Phật giáo. Tuy nhiên, cách biểu hiện thẩm mỹ cũng khác nhau tùy theo tinh thần của từng thời đại lịch sử.

Nhìn chung, có thể chia thành 4 loại mà wabi-sabi là một trong số đó, như sau:

1. Bi thảm (Mono no aware)
Thời đại Heian (Bình An, 794 - 1185) là thời kỳ người Nhật xóa bỏ ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, bắt đầu từng bước tạo lập một nền văn hóa, tư tưởng riêng của mình. Đây là thời kỳ mà Phật giáo suy tàn, một thời đại được gọi là thời Mạt Pháp, với tư tưởng thẩm mỹ chủ đạo là bi thảm. Mọi vật trên đời này đều được nhìn nhận chỉ là thứ phù du, sớm nở tối tàn, làm mềm lòng cả những trái tim quả cảm nhất. Tư tưởng này thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm Genji monogatari (Nguyên Thị Vật Ngữ) - Murasaki Sikibu và các truyện khác thuộc thời đại này.

2. Wabi - Sabi
Sau thời Chiến quốc, khi những trận đẫm máu của cuộc nội chiến tạm lắng, những người hùng - các chiến binh - không còn giữ được quyền lực xã hội nữa, và vai trò này rơi vào tay của các cư dân thành thị, những người làm nghề buôn bán. Đương nhiên, vì thế, tư tưởng thẩm mỹ chung của xã hội cũng chính là thẩm mỹ của tầng lớp này. "Wabi" là khái niệm thẩm mỹ bắt nguồn từ trà đạo, nó ẩn chứa một tinh thần phong phú và tĩnh tại ngay bên trong vẻ đơn giản, thuần khiết. Nó được gói gọn trong hình ảnh một nhành hoa dại và những đồ trang trí mộc mạc trong các trà thất của các bậc thầy trà đạo như Thiên Lợi Hưu (Sen no Rikyuu),... "Sabi" là vẻ đẹp trong những bài thơ haiku như của Matsuo Basho (Tùng Vĩ Ba Tiêu),... thể hiện một tâm cảnh hùng vĩ mà tĩnh lặng. Cả "Wabi" và "Sabi" đều gắn liền với cảnh giới của Thiền, vô vi mà giác ngộ....

Một bài haiku nổi tiếng của Ba Tiêu:
"Trên cành khô
Chim quạ đậu
Chiều tàn mùa thu"

3. Lịch lãm (Iki)
Đây là tư tưởng thẩm mỹ thịnh hành ở thời Edo trong tầng lớp thương gia và thị dân. Tổng quát thì tư tưởng này có 3 điều kiện: Hari, adaakanuke. Hari có nghĩa là kiên trì với suy nghĩ của chính mình; ada nghĩa là không có những hành động, cử chỉ thô tục; còn akanuke tức là thông hiểu được những góc cạnh, sân si trên đời.

4. Maku no uchi
Tư tưởng thẩm mỹ truyền thống này được hòa hợp với nền văn minh hiện đại, trở thành tư tưởng thẩm mỹ chủ đạo thời nay của người Nhật. Tuy nhiên, nó vốn bắt nguồn từ những hộp cơm (bento) do Ekuan Kenji (Vinh Cữu Am Hiến Tư) thiết kế. Những hộp cơm này kết hợp tư tưởng triết lý của cả wabi, sabi và iki. Nhìn đồ điện tử, ô tô, hay bất kỳ một sản phẩm nào của người Nhật thiết kế, bạn có thể cảm nhận được phần nào tư tưởng thẩm mỹ của họ...

* The picture on the top of the article is the Silver Temple in Kyoto I shot in Autumn 2003 Image

2 comments:

  1. mono no aware ở VN hay được dịch là "bi cảm"

    ReplyDelete
  2. Hihi, chào bác. Bài này em post từ hồi 2006. Dạo này chẳng ngó gì đến tiếng Nhật nữa rồi. Nhớ phết.

    ReplyDelete